Điều đáng quan ngại, ở những nơi dự án đi qua, người dân đã và đang phải bắt đầu với việc mưu sinh lại từ đầu, nơi mà hàng chục năm qua, vốn là cuộc sống thường nhật của họ.
“Trảm” nhiều dự án “ma”
Theo thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, các dự án nằm trong diện bị “trảm” là: Dự án Khách sạn và Nhà ở liền kề tại thị trấn Quỳ Hợp của Công ty CP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An; Dự án Khu du lịch Dịch vụ và Điều dưỡng cho cán bộ, công nhân viên và chuyên gia nước ngoài tại thị xã Cửa Lò của Công ty CP Thủy điện Quế Phong; Dự án Khu Đô thị Smart City tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh của Công ty CP Đầu tư IMG Huế; Dự án Nhà máy Thủy điện Yên Thắng tại xã Yên Thắng, huyện Tương Dương của Công ty CP Yên Thắng và Dự án Nhà máy Thủy điện Nậm Típ tại xã Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn của Công ty CP Thủy điện Nậm Típ.
Phối cảnh tổng thể Dự án Khu Đô thị mới Smart City...
Điều đáng nói, các dự án này đều có tổng mức đầu tư lớn. Tiêu biểu, Dự án Khách sạn và Nhà ở liền kề tại thị trấn Quỳ Hợp của Công ty CP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An gồm khách sạn 9 tầng trên diện tích hơn 1.540 m2 và khu nhà ở liền kề hơn 4.500 m2 với 43 căn, có diện tích trung bình là 110 m2/căn, dự kiến hoàn thành xây dựng vào quý IV/2012. Khu Đô thị mới Smart City Vinh, được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/12/2009. Diện tích 701.313 m2, tổng vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, bao gồm các căn hộ, biệt thự, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Quy mô đồ sộ là vậy nhưng sau khi được cấp đất, các dự án này đã đắp chiếu từ bấy đến nay.
Dự án đi qua, xót xa ở lại
Đơn cử như Dự án Nhà liền kề tại thị trấn Quỳ Hợp, ngày 4/5/2011, Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, với quy mô gồm 1 khách sạn cao 9 tầng với 40 phòng nghỉ, xây dựng trên diện tích 1.543 m2; khu nhà ở liền kề với 43 lô, cao 3,5 tầng, trên diện tích 3.341,5 m2. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 84,075 tỷ đồng, tiến độ thực hiện Dự án đến hết quý I/2013.
Ngay sau khi có giấy phép, công tác thu hồi đất được tiến hành, nhà thầu đã khoanh vùng lại rồi để đấy, khiến cho hàng chục hộ dân xung quanh rất bức xúc vì lô đất bị thu hồi này chính là sân vận động, làm mất nơi vui chơi giải trí của người dân, đặc biệt là dịp lễ, Tết, hội hè. Sau hơn 2 năm, Dự án này mới chỉ được nhà thầu tiến hành san lấp mặt bằng dở dang, khiến nhiều người bức xúc.
Ông Trần Nhật Minh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Quỳ Hợp cho biết: Cũng chính vì thiếu tiêu chí về sân vận động nên thị trấn không được công nhận đơn vị văn hóa, bởi sân vận động là một trong những tiêu chí thiết chế văn hóa cần thiết. Cũng theo ông Minh, ngoài Dự án này, Công ty CP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An còn có Dự án Khách sạn và Nhà hát ngoài trời, cam kết bàn giao vào tháng 9/2012, nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Ngay sau khi có thông tin Dự án nhà liền kề bị thu hồi giấy phép đầu tư, bà con nhân dân trên địa bàn thị trấn rất đỗi vui mừng, đồng thời, sẽ kiến nghị để sân vận động lại cho thị trấn quản lý, làm chỗ cho trẻ em vui chơi, thể thao và các hoạt động phong trào.
Một Dự án khác, Khu Đô thị mới Smart City tại phường Hưng Dũng, TP Vinh của Công ty CP Đầu tư IMG Huế, với tổng mức đầu tư “khủng” nhất từ trước tới nay, trên 3.500 tỷ đồng. Ngay sau khi hoàn thiện vào năm 2017, nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn đô thị của Nam TP Vinh. Chính bởi vậy, ngay sau khi Dự án được chấp nhận, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã được triển khai gấp rút, hàng chục ha đất nông nghiệp trồng lúa, trồng rau của bà con vùng ven thành phố được thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư.
Và hiện tại, sau 2 năm cấp phép đầu tư
Ngay sau khi Dự án được cấp phép đầu tư, trên website ancuucity.com của nhà đầu tư, phối cảnh tổng thể cùng những lời giới thiệu có cánh được quảng bá rầm rộ để nhà đầu tư kêu gọi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu góp vốn theo hình thức kinh doanh, trả góp. Đó cũng là tất cả những gì chủ Dự án này làm được, bởi từ bấy đến nay, hơn 70 ha đất dành cho Dự án này vẫn là vùng đất hoang hóa và dự án vẫn án binh bất động trên giấy.
Trước đó, vào năm 2012, Dự án Nhà máy Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ do Tổng Công ty Đô thị và Phát triển Kinh Bắc (Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 2.100 tỷ đồng, tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ đã thu hồi trên 600 ha đất nông nghiệp của người dân nơi đây. Diện tích đất này là đất trồng mía, trồng lúa của gần 200 hộ dân, nên sau khi có Dự án, đất bị thu hồi, trong 2 năm Dự án “treo” cũng là chừng ấy năm mỗi hộ dân thất thu khoảng 60 triệu đồng/ha. Mãi đến năm 2012, Dự án này mới được rút giấy phép đầu tư, người dân vui mừng khôn xiết, lại bắt đầu bắt tay vào việc trồng mía, trồng lúa sau 2 năm “ngồi chơi xơi nước” trên Dự án nghìn tỷ.
Có thể thấy rằng, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trên địa bàn, góp phần thay đổi diện mạo quê hương là việc làm cần thiết, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Tuy vậy, trước mỗi dự án cần tính đến quyền lợi của người dân, bởi sau mỗi dự án “treo” đi qua, bị thu hồi thì nỗi khổ để lại luôn đè nặng lên đôi vai vốn dĩ đã gầy guộc, trĩu nặng lo toan của từng người. Thời gian tới, hẳn sẽ có thêm nhiều dự án “siêu rùa bò” khác nữa bị thu hồi và có bao nhiêu dự án bị rút giấy phép cũng tương đương với bấy nhiêu nỗi khổ của người dân được nhân lên.
Thiên Thảo
.