Mặc dù những năm qua, từ nhiều nguồn huyện Kỳ Sơn đã có hàng loạt chính sách ưu tiên, đầu tư cho trạm y tế xã nhưng đến nay rất nhiều nơi hoạt động trong tình trạng chắp vá, cũng mới chỉ có 1 Trạm Y tế xã Na Ngoi đạt chuẩn Quốc gia, còn lại cơ sở nghèo nàn, y bác sỹ thiếu. Trong khi đó theo quy định, mỗi trạm y tế phải có đủ bác sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh, dược sỹ…
Tuy nhiên hiện nay, ở các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, trên tổng số 21 trạm y tế xã, thị mới chỉ có 7 bác sỹ mà chủ yếu bác sỹ chuyên tu. Thêm vào đó, sự phân bổ nhân lực cũng chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình xây dựng các trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia ở Kỳ Sơn.
“Vì là xã vùng sâu, vùng xa, người dân dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao nên không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thường hay mắc bệnh tật, số bệnh nhân đến khám ở trạm thì nhiều nhưng chúng tôi không có khả năng tiếp nhận, chỉ chữa trị những bệnh nhẹ. Nếu chuyển tuyến trên bà con cũng ngại đi bởi đặc thù ở đây địa hình đi lại phức tạp, chủ yếu là đồi núi nên mỗi khi ốm đau, người dân chỉ cố gắng đưa đến trạm y tế, mà hiện nay trạm chưa thể đáp ứng yêu cầu” - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bắc Lý tâm sự.
Cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực trong các trạm y tế xã ở vùng cao vẫn chưa được chuẩn hóa theo yêu cầu - Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng và nâng cấp trạm y tế chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế xã còn hạn chế. Chị Vi Thị Phượng, ở xã Phà Đánh (Kỳ Sơn) chia sẻ: “Nếu có đi khám bệnh ở trạm y tế chỉ khám bệnh nhẹ thôi, mỗi lần có bệnh nặng là phải ra bệnh viện huyện, đường sá xa xôi, vất vả lắm”.
Trạm Y tế thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) ngay trung tâm huyện song lại là một trong những trạm khó khăn nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám chữa bệnh, nhìn bề ngoài ít ai nói đây là một trạm y tế vì trạm lụp xụp, nằm lọt phía sau nhà dân. Một cán bộ y tế thị trấn cho biết: Là Trạm Y tế thị trấn mà không khác như trạm y tế ở những xã đặc biệt khó khăn. Cũng may cho Trạm chúng tôi gần Bệnh viện đa khoa huyện nên người bệnh chuyển tuyến dễ dàng hơn, chứ ở xa mà cơ sở vật chất, trang thiết bị kém chất lượng thế này thì không biết tính sao.
Những năm trước có kế hoạch xây dựng lại nhưng đến giờ này chúng tôi vẫn chưa có vốn để triển khai. Qua tìm hiểu thực trạng trạm y tế toàn huyện cho thấy, cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị và cả đội ngũ nhân viên y tế xã (đặc biệt là bác sỹ) hiện còn chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Trong tổng số 21 xã, thị trấn hiện mới có 3 trạm y tế được xây dựng theo chương trình 30a, vẫn còn 1 Trạm Y tế xã Tà Cạ phải mượn tạm nhà để hoạt động, còn lại tất cả các trạm y tế đã xuống cấp, cơ sở nghèo nàn. Do đó, bà con đến trạm phần lớn chỉ để khám một số bệnh thông thường hay nghe tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình.
Ông Phan Hữu Anh - Trưởng phòng y tế huyện Kỳ Sơn cho rằng, khó khăn, hạn chế của hầu hết các trạm y tế trong toàn huyện là chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị dẫn đến hạn chế về chất lượng khám chữa bệnh là điều tất yếu ở đây.
Một số trạm y tế xã xuống cấp trầm trọng, thiếu phòng làm việc theo quy định, các phòng phải hoạt động lồng ghép như Trạm Y tế xã Mường Lống, Mường Ải, Mường Típ, Tà Cạ, Huồi Tụ, Trạm y tế Mường Xén… đã tác động không nhỏ đến nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Nguyên nhân nữa do điều kiện làm việc ở các trạm y tế còn nhiều khó khăn, trang thiết bị y tế không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, dẫn đến việc các bác sỹ không mấy mặn mà với việc về công tác tại các trạm y tế tuyến cơ sở.
Đứng trước thực trạng đó, địa phương cũng mong, không chỉ mỗi cơ sở vật chất mà cả trang thiết bị, nhân lực của các trạm y tế tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm, từ đó giúp trạm y tế xã phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của người dân trên địa bàn.
Trường Khuyên
.