Trong 355 bệnh nhân mắc COVID-19, nam phi công người Anh nhận được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ dư luận trong nước mà còn của thế giới, đặc biệt là Chính phủ và nhân dân quê hương nơi anh sinh ra. Bởi đây là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất, phức tạp nhất, cận kề sinh tử nhất, điều trị tốn kém và dài ngày nhất tại Việt Nam.
Đây cũng là bệnh nhân mà ngành Y tế Việt Nam tập trung nhân lực đông nhất để điều trị. Một chuyên gia đầu ngành về Hồi sức cấp cứu và chống độc của Việt Nam chia sẻ với phóng viên “có thể coi đây là trường hợp đặc biệt của y văn thế giới, chúng ta nên làm báo cáo khoa học đối với quốc tế”.
Giành giật sự sống từ virus gây bệnh COVID-19
Nam phi công người Anh, 43 tuổi, phát hiện nhiễm COVID-19 ngày 18-3 sau khi anh này đến quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh). Bệnh nhân nhập viện tại BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh với yếu tố nguy cơ là béo phì (BMI +30,9), diễn biến nặng lên rất nhanh. Bệnh nhân điều trị ở phòng áp lực âm, tuy nhiên có diễn biến nặng dần lên suy đa tạng. Giai đoạn bi quan nhất là khi người bệnh tổn thương nhanh toàn bộ 2 bên phổi, kèm theo đó là sự suy giảm các chức năng của các tạng khác như thận, gan và rối loạn đông máu.
Giai đoạn này, không chỉ phi công người Anh, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng có 5 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu ngành Y tế tập trung cứu chữa những người mắc bệnh ở mức cao nhất (cả cơ sở vật chất và nhân lực), không phân biệt người dân Việt Nam hay người nước ngoài. Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn tập hợp những thầy thuốc có kinh nghiệm tham gia xây dựng phác đồ, hội chẩn trực tuyến, thường xuyên nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu cho người bệnh qua từng thời điểm.
Trước diễn biến ngày một xấu của nam phi công, Bộ Y tế, BV đã huy động toàn bộ các phương tiện hồi sức tích cực hiện đại như thở máy chức năng cao, ECMO – tim phổi nhân tạo, lọc thận và can thiệp giải quyết hậu quả của bệnh COVID-19 để lại như rối loạn đông máu, tắc mạch… Ngày 5-4, bệnh nhân đặt ống nội khí quản, lọc máu liên tục, tuy nhiên thở máy không hiệu quả nên sang ngày 6-4 phải dùng hệ thống ECMO. Bệnh nhân bị hội chứng giảm tiểu cầu do Heparin, chạy máy ECMO bị đông máu và tắc màng lọc liên tục.
Các thầy thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy trò chuyện với nam bệnh nhân. |
Trong 4 ngày đầu phải thay 3 màng lọc, trong khi đó tại bệnh viện cũng như ở Việt Nam không có thuốc chống đông khác, các bác sĩ một mặt buộc cầm cự với thuốc Xarelto (Rivaroxaban) đường uống, mặt khác Bộ Y tế chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp thuốc chống đông Agatroban nên hệ thống ECMO của bệnh nhân vẫn được duy trì đến sau này.
Thời điểm này phổi của bệnh nhân đông đặc gần hết thì lại thêm biến chứng tràn khí màng phổi phải và nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh đa kháng, nhiều cuộc hội chẩn dùng thuốc kháng sinh với vi khuẩn đa kháng, phải sử dụng thuốc kháng sinh mới (Zerbaxa), đồng thời an thần bằng Midazolam + Fentanyl ít tác dụng, cần phải tăng liều truyền liên tục. Bộ Y tế chỉ đạo cho nhập khẩu khẩn cấp thuốc an thần mới Dexmedettomindin để dùng cho bệnh nhân.
Khi virus gây bệnh COVID-19 mới xuất hiện, việc đầu tiên chúng ta làm là phải tìm ra đối sách để chống lại kẻ thù. Nhưng kẻ thù này lại quá mới, quá nguy hiểm, nên áp lực với người thầy thuốc cũng vô cùng nặng nề. Kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân phi công người Anh, kíp điều trị trực tiếp tại có 24 người, gồm 8 bác sĩ, 12 điều dưỡng của BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cùng 4 bác sĩ của BV Chợ Rẫy sang hỗ trợ đã liên tục theo dõi, chăm sóc 24/24, ngoài ra còn hàng chục nhân viên y tế ở vòng ngoài.
Theo chia sẻ của BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từ khi tiếp nhận bệnh nhân 91, họ không còn định nghĩa thời gian. Cuối cùng, bệnh nhân cũng thoát khỏi COVID-19 khi 7 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính. Song với ổ vi khuẩn ở phổi đã dẫn đến bệnh nhân bị nhiễm trùng đa tạng, đưa người đến bờ vực sinh tử.
Cuộc tổng lực cuối cùng
Trong lúc cận kề sinh tử, một trong những phương án cứu bệnh nhân tối ưu nhất lúc bấy giờ là ghép phổi nếu như phổi của bệnh nhân không hồi phục. Bệnh nhân được chuyển sang BV Chợ Rẫy khi xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh COVID-19 để tiếp tục hồi sức và chuẩn bị ghép phổi. Khi chuyển viện, tình trạng suy sụp miễn dịch của nam phi công tiếp diễn, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Bukhoderia và khi cấy máu tìm thấy nhiễm nấm, nguy cơ rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Theo chuyên gia về Hồi sức cấp cứu, với người cấy máu thấy nấm, trên toàn thế giới đều đưa ra một con số tử vong là 60%.
Theo chia sẻ của một chuyên gia trong Tổ hội chẩn, bệnh nhân hỏng cả phổi, hỏng cả gan, hỏng cả thận, rối loạn đông máu, gọi là suy sụp đa phủ tạng (suy 5 tạng), nên các thầy thuốc và chuyên gia đều nhận định nguy cơ tử vong 85-90%. “Lúc đó báo chí hỏi có chữa được không, không trả lời được, chỉ biết là cố thôi, qua được ngày nào hay ngày nấy”, chuyên gia này cho biết.
Tuần đầu tiên chuyển sang BV Chợ Rẫy là thời điểm cân não nhiều nhất khi điều trị cho bệnh nhân. Các bác sĩ tích cực điều trị với hy vọng cao nhất cứu bệnh nhân, bởi theo nhận định, bệnh nhân mới 43 tuổi, bệnh cấp tính, may ra thoát được nguy hiểm, hy vọng khả năng hồi phục vẫn còn. Vì vậy, đã có một quyết định tổng lực, được hoặc thua trong tuần này, điều trị phối hợp từ 2-3 loại thuốc liều cao. Quyết định cân não đó cuối cùng đã mang lại hiệu quả, ghi vào lịch sử y học nước nhà. Nam phi công bắt đầu có dấu hiệu hồi phục và sau đó là hồi phục một cách kỳ diệu, đáng kinh ngạc. PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, bệnh nhân đã được kết hợp điều trị tất các các chuyên khoa, chuyên ngành từ nội khoa, ngoại khoa, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, y học cổ truyền để giúp phục hồi nhanh nhất cho người bệnh.
Đến nay, nam phi công trải qua 101 ngày điều trị, phổi của bệnh nhân đã khỏi, đã đi được vài bước, đang hồi phục chức năng để sớm xuất viện về nước.
Những yếu tố thành công
Theo chia sẻ của GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam tại buổi hội chẩn gần đây nhất, trải qua hơn 3 tháng điều trị, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân, nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ điều trị trực tiếp của 2 bệnh viện, đến thời điểm này không chỉ thành công cứu sống bệnh nhân mà đó còn thể hiện tính nhân văn của chúng ta trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân người nước ngoài. Rất nhiều người quan tâm, ủng hộ, đăng ký hiến phổi cho bệnh nhân. Điều này cho thấy, người dân Việt Nam nghèo về mặt tiền bạc nhưng lại giàu về mặt nhân ái.
Theo Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, quá trình cứu chữa cho bệnh nhân 91 chúng ta mới hiểu rõ, mới có kinh nghiệm trong điều trị bệnh COVID-19 nặng, từ đó có thêm kiến thức, rút ra kinh nghiệm để sau này viết, cập nhật lại các phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh COVID-19.
Việc chuyển bệnh nhân sang điều trị tại BV Chợ Rẫy không phải là bước ngoặt, mà là một chiến lược, một quá trình điều trị liên tục đã được Hội đồng chuyên môn, tổ hội chẩn của Bộ Y tế tính toán kỹ.
Sự hồi phục của bệnh nhân phi công người Anh đã thể hiện tinh thần quyết tâm không buông bỏ người bệnh của Chính phủ, của Bộ Y tế và của các bệnh viện. Trong cuộc chiến với COVID-19, mặc dù chúng ta có nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, nhưng chưa có ca nào tử vong. Đây là niềm tự hào của Y tế Việt Nam, ghi dấu ấn với y văn thế giới.