Thứ Sáu, 28/06/2019, 15:23 [GMT+7]

Hạn chế tái nghiện: Cần tạo việc làm ổn định cho người sau cai

Hiện nay, đa số người nghiện sử dụng sang loại ma túy tổng hợp, điều này khiến cho công tác cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn. Việc phối hợp với các cơ sở để đào tạo nghề phù hợp cũng như kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tạo công ăn việc làm sẽ giúp người sau cai nghiện có môi trường làm việc, sinh hoạt lành mạnh, để họ ổn định cuộc sống, tránh quay lại con đường nghiện ma túy.

Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương trao đổi về các giải pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu tình trạng tái nghiện sau cai - Ảnh: Thu Thảo
Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương trao đổi về các giải pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu tình trạng tái nghiện sau cai - Ảnh: Thu Thảo
 
Nhân Tháng hành động phòng chống ma túy năm nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương về các giải pháp giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.
 
Thưa ông Vũ Thành Phương, ông có thể giới thiệu đôi nét về Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương?
 
Ông Vũ Thành Phương: Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thực hiện chức năng quản lý, tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc cho những người nghiện ma túy bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện theo quyết định của Tòa án và điều trị cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy có nguyện vọng vào Cơ sở cai nghiện.
 
Hiện tại, Cơ sở đang quản lý, chữa trị cai nghiện cho gần 400 học viên, trong đó có hơn 200 học viên là người nghiện ma túy có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hải Dương bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và gần 200 người cai tự nguyện thuộc tỉnh Hải Dương và các tỉnh khác.
 
Hiện nay, đa số người nghiện đã sử dụng sang loại ma túy tổng hợp, điều này khiến cho công tác cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tại làm sao sau khi cai nghiện, tình trạng tái nghiện vẫn rất cao, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
 
Ông Vũ Thành Phương: Hiện nay người nghiện ma túy đang chuyển hóa rất nhanh từ nghiện ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin như trước chuyển sang nghiện ma túy tổng hợp trong đó chủ yếu là estasy, ketamin, mathaphetamin (ma túy đá).
 
Ma túy tổng hợp tác động rất mạnh vào hệ thống thần kinh, làm cho người sử dụng bị tổn thương, gây nên trạng thái hoang tưởng, ảo giác (ảo thanh, ảo thị, ảo thanh), làm cho não bộ tê liệt, cơ chế phục hồi chậm, rất khó khăn cho việc điều trị, cai nghiện.
 
Học viên vào Cơ sở cai nghiện đã được giáo dục về tác hại của nghiện ma túy, điều chỉnh hành vi, nhân cách và học các biện pháp, kỹ năng phòng, chống tái nghiện; tuy nhiên tỷ lệ tái nghiện hiện nay vẫn rất cao, khoảng 70-80%. Ngoài nguyên nhân chính là do bản thân người nghiện ma túy không đủ quyết tâm từ bỏ, bị bạn bè xấu tiếp tục rủ rê, lôi kéo, thì sự kỳ thị, thời ơ, vô cảm từ trong gia đình gia đình, hàng xóm, cộng đồng xã hội nơi người nghiện ma túy sinh sống làm cho họ trở lên lạc lõng; công tác quản lý, tạo việc làm cho người nghiện sau cai chưa được chú trọng đúng mức, phần lớn các doanh nghiệp rất dè dặt khi tiếp nhận người nghiện ma túy vào làm việc. Đây chính là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tái nghiện còn cao.
 
Vậy xin ông cho biết những thuận lợi cũng như khó khăn của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương trong công tác sau cai?
 
Ông Vũ Thành Phương: Cơ sở nhận được sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương và sự phối hợp, giúp đỡ tích cực của các cơ quan, chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức cai nghiện ma túy; đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền tại cộng đồng về công tác cai nghiện ma túy đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống ma túy, tạo sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm giúp đỡ người nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.
 
Trong công tác sau cai nghiện, Cơ sở có một số những thuận lợi và khó khăn như:
 
Về mặt thuận lợi, một là, công tác quản lý người sau cai nghiện đã được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, đã được chính quyền địa phương có sự quan tâm nhất định.
 
Hai là, đa số học viên sau khi cai nghiện trở về cộng đồng đã phục hồi thể lực, có thể chất, tâm thần khoẻ mạnh, ý thức quyết tâm làm lại cuộc đời. Trong quá trình cai nghiện tại Cơ sở đã được giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, được học lớp tái hoà nhập cộng đồng, được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tái nghiện, được tư vấn, giới thiệu việc làm...
 
Về mặt khó khăn, thì thứ nhất, một số người sử dụng ma túy không tự nguyện đi cai nghiện tại Cơ sở, mà do gia đình tác động nên họ chưa nhận thức đúng, chưa đầy đủ quyết tâm vào cai nghiện; vì vậy, sau thời gian cai nghiện tại Cơ sở có nhiều trường hợp tái nghiện, tiếp tục quay trở lại để cai nghiện.
 
Khó khăn thứ hai là cộng đồng nơi người nghiện ma túy sinh sống, khi người cai nghiện từ Cơ sở trở về, đa phần nhân dân vẫn ngại tiếp nhận, tránh tiếp xúc; sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình, hàng xóm còn nhiều hạn chế.
 
Khó khăn thứ ba, người cai nghiện ma túy sau khi cai nghiện trở về cộng đồng, nếu có việc làm ổn định, có nguổn thu nhập ổn định sẽ bớt mặc cảm do đã “tàn phá”, làm suy kiệt kinh tế gia đình và là nguồn động lực giúp tránh xa ma túy. Tuy nhiên, mặc dù Cơ sở đã kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho các học viên nhưng việc nhận người sau khi cai nghiện thành công tại cơ sở là vấn đề hết sức khó khăn, cần phải có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các ngành trong việc tạo cơ chế, chính sách đối với các công ty, doanh nghiệp nhận người cai nghiện ma túy vào làm việc.
 
Xin ông cho biết phương hướng của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương trong thời gian tới nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng tái nghiện sau cai?
 
Ông Vũ Thành Phương: Đây là vấn đề rất khó khăn, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và tất cả mọi người. Riêng đối với Cơ sở, chúng tôi đang cố gắng thực hiện tốt một số nội dung. Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền: tuyên truyền sâu rộng đối với học viên về tác hại của tệ nạn ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới. Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… phù hợp với từng đối tượng học viên. Đồng thời, tổ chức những buổi giao lưu, tuyên truyền về tác hại của ma tuý đến các trường học trên địa bàn, giúp các em học sinh nhận biết được tác hại và tránh xa các tệ nạn ma tuý, đặc biệt là các loại ma tuý mới hiện nay đã xâm nhập vào học đường.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục mở các lớp tái hòa nhập cộng đồng và làm tốt công tác tư vấn, trang bị cho học viên các kỹ năng phòng, chống tái nghiện cho học viên và gia đình. Hàng năm, Cơ sở tổ chức các buổi hội nghị gia đình học viên để trao đổi về tình hình cai nghiện của con em mình, giúp gia đình có định hướng tốt nhất cho người thân của mình khi tái hoà nhập cộng đồng.
 
Chúng tôi luôn củng cố hơn nữa mối quan hệ, sự gắn kết giữa Cơ sở, gia đình và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục người nghiện ma túy; đề cao vai trò giáo dục của gia đình đối với người nghiện ma túy về tác hại của ma túy cũng như là sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời, thường xuyên, hướng con em mình vào những hoạt động vui chơi lành mạnh của thanh, thiếu niên trong cộng đồng dân cư, nhà trường qua đó tránh xa tệ nạn ma túy.
 
Đặc biệt, sự phối hợp với các cơ sở để đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường; tạo sự kết nối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra cho người cai nghiện, tạo công ăn việc làm giúp họ có môi trường làm việc, sinh hoạt lành mạnh, đảm bảo cuộc sống; để họ tránh xa các đối tượng xấu rủ rê quay lại con đường nghiện ma túy.
 
Ngoài ra, đối với học viên đã hoàn thành thời gian chữa bệnh tại Cơ sở, khi đã tái hoà nhập cộng đồng Cơ sở vẫn tiến hành liên lạc, tư vấn qua điện thoại, gmail, trang mạng xã hội.... hỗ trợ học viên sau khi tái hoà nhập cộng đồng.
 
Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực như thế nào, thưa ông?
 
Ông Vũ Thành Phương: Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã và đang tổ chức rất nhiều các hoạt động tạo niềm tin, tạo nghị lực cho học viên, bao gồm:
 
Trước hết, đối với học viên, bên cạnh việc đảm bảo đúng các chế độ chăm sóc, cai nghiện theo quy định, Cơ sở tăng cường công tác tư vấn, chia sẻ, động viên, khích lệ tinh thần của các học viên, giúp họ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cai nghiện tại Cơ sở, từ đó ổn định tư tưởng, yên tâm chữa bệnh, học tập, lao động trị liệu.
 
Ngoài ra, Cơ sở phối hợp với các đơn vị như Trung tâm Hỗ trợ thanh niên thuộc Tỉnh đoàn tổ chức chương trình hỗ trợ thanh niên với chuyên đề "Vượt qua chính mình", phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các bạn học viên. Đồng thời, tổ chức cho các học viên giao lưu văn hóa văn nghệ với CLB Sinh viên tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân. Qua các hoạt động chia sẻ, giao lưu nhóm giữa học viên và sinh viên với không gian cởi mở, thân thiện đã giúp các học viên có thêm nghị lực, quyết tâm cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.
 
Tổ chức các hoạt động kết nối, phối hợp với các gia đình người cai nghiện, là cầu nối gắn kết, giúp cho tình cảm giữa học viên và gia đình
 
Đối với cộng đồng, Cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi đến các địa phương trên địa bàn tỉnh từ trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, các khóa tu, đến khu dân cư nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của ma tuý và cách phòng, chống ma túy để biết cách phòng tránh cho bản thân và cho cộng đồng xã hội; hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh, thanh, thiếu niên sử dụng, lạm dụng, nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện ma túy.
.

Nguồn: Tiengchuong.vn

.