Thứ Bảy, 25/05/2019, 09:37 [GMT+7]

Phạm nhân lao động, sản xuất ngoài Trại giam: Giúp phạm nhân hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng

Việc thành lập các khu sản xuất và các điểm lao động ngoài Trại giam đã giảm tải được số lượng phạm nhân trong khu giam, tiến tới đảm bảo diện tích sàn nằm cho phạm nhân; đồng thời giúp các Trại giam mở rộng phạm vi tìm kiếm việc làm, đa dạng hoá các ngành nghề lao động, tạo việc làm cho phạm nhân, giúp phạm nhân có nhiều cơ hội được truyền nghề, được lao động, cải tạo để phục vụ mục tiêu có việc làm ổn định khi tái hoà nhập cộng đồng.

Lao động giúp cải tạo con người

Tại một số nơi an ninh, trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã thí điểm, cho phép các Trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “Điểm lao động” ngoài Trại giam. Qua đánh giá, tình hình lao động, sản xuất ngoài Trại giam cơ bản ổn định, do tất cả các phạm nhân được đưa ra các khu lao động, sản xuất ngoài Trại đều được chọn lọc, duyệt xét hồ sơ chặt chẽ. Cụ thể, họ là những phạm nhân có mức án thấp, có ý thức trong lao động, cải tạo, xếp loại thi đua hàng kỳ đều được đánh giá khá, tốt. Công việc ngoài khu vực trại giam chủ yếu thực hiện theo dây chuyền khép kín, trong phạm vi hẹp nên thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát.

Tính đến năm 2018, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có 23 khu sản xuất trực thuộc các Trại giam và có 154 điểm lao động dạy nghề ngoài khu vực Trại giam. Các ngành nghề chủ yếu ở các khu sản xuất và các điểm lao động ngoài Trại giam là trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đá, gia công vàng mã… Kết quả lao động tại các khu sản xuất và các điểm lao động ngoài Trại đã góp phần không nhỏ vào kết quả lao động của toàn Trại. Đặc biệt, phạm nhân lao động, sản xuất lao động ngoài Trại giam, không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà điều quan trọng nhất là giúp họ có cơ hội học nghề, làm nghề để khi về cộng đồng họ có thể có điều kiện thuận lợi tìm công ăn việc làm mang lại thu nhập chính đáng để họ sớm ổn định cuộc sống.

Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho biết, quan điểm xuyên suốt của Cục trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân đó là cải tạo chính trị, tư tưởng kết hợp với cải tạo lao động. Trong đó, chính sách nhân đạo là cốt lõi nhất, đó là làm thế nào để phạm nhân chuyển biến về nhận thức, xác định rõ sai phạm, tội lỗi để phấn đấu, cải tạo tiến bộ. Làm được điều đó, thì ngoài giáo dục chính trị, văn hoá thì giáo dục dạy nghề để tạo công ăn, việc làm cho họ khi ra Trại có công ăn việc làm ổn định, tự lo cho bản thân, gia đình, phòng ngừa tái phạm là công tác rất quan trọng và thiết yếu, bởi nếu có công ăn việc làm với thu nhập ổn định thì phạm nhân sẽ không tái phạm.

Phạm nhân lao động ở khu sản xuất tại Trại giam Hoàng Tiến.
Phạm nhân lao động ở khu sản xuất tại Trại giam Hoàng Tiến.

Được biết, trước đây, các Trại chủ yếu là truyền nghề, hiện nay, nhờ lấy kết quả lao động sản xuất của phạm nhân, các Trại đã ký hợp đồng với các Trung tâm dạy nghề để đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân. Kết quả lao động đã đưa lại lợi ích rất lớn. Cụ thể, các Trại giam đã sử dụng kết quả này để đầu tư các nhà xưởng để phạm nhân lao động, tổ chức chọn lọc nghề để truyền dạy cho phạm nhân, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Bên cạnh đó, kết quả lao động được bổ sung vào bữa ăn, khen thưởng các phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, động viên các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, đồng thời trích lại để tái hoà nhập cộng đồng, giúp phạm nhân sau khi ra Trại có một chút vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Trung tướng Hồ Thanh Đình chia sẻ câu chuyện về tạo điều kiện cho phạm nhân lao động mà đồng chí chính là “người trong cuộc”. Khi đó, đồng chí đang là Giám thị Trại giam Thủ Đức - nơi giam giữ, cải tạo nhiều phạm nhân phạm tội về an ninh quốc gia. Trong số đó, có 01 phạm nhân thường xuyên “ốm đau”, khiếu kiện không yên tâm cải tạo, thậm chí tìm cách chống đối. Chính vì vậy, Ban Giám thị đã tìm biện pháp giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để phạm nhân lao động, trồng cây. Theo đó, Trại đã “khoanh” cho phạm nhân này 01 khoảnh đất hơn chục m2 ngay gần phòng giam để phạm nhân này trồng cây. Hàng ngày, phạm nhân này cuốc xới, trồng hoa và cây ăn quả. Thu hoạch quả đu đủ chín đầu tiên, phạm nhân này đã tặng con gái khi con vào thăm và xúc động nói rằng: "Đây là thành quả lao động của bố. Cả đời bố làm nhiều việc sai trái, ở đây, được các cán bộ giúp đỡ, quan tâm, cho bố được làm việc, bố mới thấy hết được giá trị của lao động, của cuộc sống. Bố sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được về nhà". Từ đó, phạm nhân này đã tích cực cải tạo không còn khiếu kiện, chống đối  nữa. Khi thu hoạch được quả gì ngon, phạm nhân đều gửi biếu cán bộ để thể hiện tấm lòng của mình.

Từ những kinh nghiệm thực tế công tác của mình, Trung tướng Hồ Thanh Đình khẳng định rằng, muốn giáo dục con người, đặc biệt là người từng phạm tội chắc chắn phải qua lao động. Sự tiến hoá của loài người cũng phải thông qua lao động. Từ lao động, con người biết suy nghĩ, tư duy, nhận thức và biết trân trọng giá trị của bản thân mình.

Cùng quan điểm này, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho biết, ở Trại giam Hoàng Tiến số lượng phạm nhân đang chấp hành án có độ tuổi 18 - 35 tuổi chiếm 60 - 70%. Đây là lực lượng lao động rất dồi dào, nếu không tổ chức tốt việc dạy nghề và tổ chức lao động thì sẽ rất lãng phí cho xã hội và đồng thời cũng không làm cho phạm nhân có bước đà tái hoà nhập cộng đồng, về với xã hội. Vì vậy, trong thời gian qua, Trại giam Hoàng Tiến làm rất tốt công tác dạy nghề cho phạm nhân, hàng năm Trại giam thuê các Trường Đại học, Trường Nghề đến dạy nghề, cấp chứng chỉ cho phạm nhân các nghề may, mộc, rèn, hàn và một số các nghề thủ công khác để khi các phạm nhân hết án về, có điều kiện để tái hoà nhập cộng đồng.

Giám sát chặt chẽ, tạo hiệu quả năng suất lao động

Khu sản xuất ngoài Trại giam của Trại giam Hoàng Tiến (thuộc tỉnh Hải Dương) tường, rào chắn bằng dây thép gai, tách biệt hẳn với khu dân cư. Đây là cơ sở dạy nghề và sản xuất gạch ngói của Công ty Gốm Mỹ. Khu vực này cách cổng Trại khoảng 01 km.

Mấy hôm nay trời nắng nóng nên doanh nghiệp đầu tư thêm hàng chục chiếc quạt công nghiệp để xua tan không khí oi bức. Đang giờ giải lao nên phạm nhân và công nhân được nghỉ ngơi, uống nước chanh đường. Điểm dễ dàng phân biệt giữa công nhân và phạm nhân đó là những chiếc áo kẻ sọc đặc trưng. Ở trong khu sản xuất, cán bộ quản giáo, cán bộ bảo vệ đều đang làm nhiệm vụ của mình.

Ngay trong khu sản xuất là nơi ở của các phạm nhân được đưa lao động tại Công ty Gốm Mỹ. Để quản lý số phạm nhân lao động tại đây, Trại giam Hoàng Tiến đã yêu cầu Công ty bố trí chỗ ở riêng cho các phạm nhân, ngoài khu ở của phạm nhân có hệ thống khoá, camera quan sát, các cán bộ của Trại giam giám sát 24/24 giờ bằng cách trực tiếp và qua 20 camera giám sát của doanh nghiệp.

Đại uý Lương Văn Chử, cán bộ phụ trách phạm nhân lao động ngoài Trại giam Hoàng Tiến cho biết, các cán bộ giám sát, quản lý phạm nhân lao động ngoài Trại giam luôn có tinh thần trách nhiệm cao, giám sát chặt, đôn đốc sát sao nên 03 năm qua, từ khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động, chưa xảy ra bất kỳ một tình huống vi phạm, một nguy cơ mất an ninh, trật tự nào.

Ông Dương Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Tiến (Gốm Mỹ) cho biết, Công ty phối hợp với Trại giam Hoàng Tiến đưa phạm nhân ra ngoài lao động đến nay đã được 03 năm, mọi việc phối hợp chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các quy định về việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài Trại giam, tạo hiệu quả và năng suất lao động cho doanh nghiệp. Ngoài các cán bộ của Trại giám sát trực tiếp và qua camera, Tổ an ninh của doanh nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với các cán bộ Trại giam để giám sát các phạm nhân này. Khi lao động tại doanh nghiệp, các phạm nhân ngoài việc chịu sự giám sát chặt chẽ, có khu ăn ngủ riêng, thì được doanh nghiệp bố trí các chế độ ăn uống, lương thưởng như của công nhân. Đưa phạm nhân ra ngoài lao động ngoài việc khai thác khả năng lao động, còn giúp phạm nhân trau dồi tay nghề, được tiếp xúc với báo chí, sách vở, với các công nhân khác, từ đó giúp phạm nhân cải tạo tốt hơn, khi tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn.

Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện cho Trại giam chọn lựa những phạm nhân cải tạo tốt, những phạm nhân có mức án không gây nguy hiểm lớn cho xã hội và đặc biệt có sức khoẻ, có tay nghề, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất, để tạo điều kiện cho phạm nhân có kinh nghiệm, có điều kiện trau dồi tay nghề để sớm có việc làm khi tái hoà nhập cộng đồng.

Quản giáo cùng các phạm nhân nghỉ ngơi sau giờ lao động.
Quản giáo cùng các phạm nhân nghỉ ngơi sau giờ lao động.

Về lo ngại việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động, vấn đề quản lý phạm nhân, đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực các phạm nhân lao động ngoài Trại giam như thế nào, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cho biết, khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động, Trại giam đã phải chọn lọc những phạm nhân có đủ điều kiện để phạm nhân có sự tiếp xúc với bên ngoài, không bỡ ngỡ, quen với công việc khi thời hạn cải tạo đã gần hết. Nhiều phạm nhân sau khi lao động tốt tại doanh nghiệp, khi hết hạn tù đã được nhận làm việc luôn. Việc quản lý phải gắn trách nhiệm Giám thị, cán bộ. Trong những năm qua, Trại giam chưa để xảy ra sự cố nào về việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động.

Về ý kiến, phạm nhân đã có tội phải bị trừng trị, phải quản lý chặt chẽ trong tường rào Trại giam, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cho rằng, đồng chí làm ở Trại giam đến nay đã 40 năm, nhận thấy không phải phạm nhân nào cũng trừng phạt, quản lý chặt chẽ như vậy, bởi có những phạm nhân phạm tội chuyên nghiệp, phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng thì phải quản lý chặt chẽ, nhưng có những phạm nhân do tai nạn lao động, lái xe gây tai nạn, phạm nhân phạm tội đơn giản như sinh nhật bạn bè có chút chơi bời... thì có thể đưa ra ngoài lao động. Đại tá Ấm đề nghị Quốc hội, các cấp nên mở, không phải phạm nhân nào cũng ra ngoài lao động, nhưng cũng phải sàng lọc đối tượng nào có thể ra ngoài lao động để người ta đỡ mặc cảm, để gia đình phạm nhân cũng nhìn nhận con em họ vào đây không phải là người thừa, mà còn tạo thói quen cho công ăn việc làm để khi hoà nhập cộng đồng, phạm nhân không còn bị bỡ ngỡ.

Ở khu sản xuất của Trại giam Phú Sơn 4, đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng tách biệt với khu dân cư. Đây là cơ sở dạy nghề và sản xuất gạch Việt Cường cách Trại giam Phú Sơn 4 chừng vài km. Trước khi ra điểm lao động này, những phạm nhân ở đây đều phải thực hiện đúng quy trình kiểm tra kỹ càng về an ninh.

Đại úy Nguyễn Văn Đức, Quản giáo Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, các phạm nhân được lựa chọn ra những điểm lao động này đều là các phạm nhân cải tạo khá tốt và có quá trình xếp loại thi đua cải tạo từ khá trở lên và án từ 07 năm trở xuống. Ra đây các phạm nhân có tư tưởng rất yên tâm cải tạo, về môi trường, về chế độ chính sách các phạm nhân được đáp ứng đầy đủ. Khi phạm nhân được ra làm việc tại các điểm lao động bên ngoài Trại giam, tất cả các quy định về công tác giam giữ phạm nhân luôn được thực hiện nghiêm ngặt. Ngoài việc học nghề và sản xuất ra sản phẩm, phạm nhân được học văn hóa. Hàng tuần các đội quản giáo còn phổ biến pháp luật cũng như xếp loại thi đua cho các phạm nhân.

Được biết, Trại giam Phú Sơn 4 chia mỗi đội quản lý từ 10 - 15 phạm nhân gồm 01 cán bộ quản giáo, 01 cán bộ bảo vệ. Tất cả theo định kỳ, theo nội quy và theo các bước tiến hành, trước khi phạm nhân vào nhập trại đều có các bước kiểm soát trước khi nhập phạm nhân vào khu vực giam giữ.

Đại tá Lê Viết Lượng, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, quá trình tổ chức đưa phạm nhân ra ngoài đem lại hiệu quả, giảm tình trạng quá tải cho Trại giam, giảm áp lực tìm kiếm việc làm cho phạm nhân, góp phần giảm đầu tư của Nhà nước cho Trại giam, đồng thời giúp phạm nhân có đời sống, có chế độ bồi dưỡng phạm nhân lao động trong Trại. Qua gần 20 năm tổ chức cho phạm nhân ra lao động, dạy nghề ở ngoài Trại giam, Trại giam Phú Sơn 4 đã luôn thực hiện đầy đủ những chế độ của phạm nhân, đồng thời đảm bảo được an ninh an toàn tuyệt đối.

Cơ hội để phạm nhân trau dồi kiến thức, làm lại cuộc đời

Tại Trại giam Vĩnh Quang (đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc), giờ lao động, các phạm nhân tại Trại làm những công việc đơn giản như may các bao bì nhựa, hay chăn nuôi, trồng trọt. Còn tại Công ty Tùng Phương - doanh nghiệp liên kết với Trại giam Vĩnh Quang thì phạm nhân có thể làm chậu cây cảnh, cơ khí và làm gạch…

Với 27 tháng tù giam, phạm nhân Phạm Văn Hồng cho biết, ở nhà chỉ biết làm nông nghiệp nhưng khi được ra khỏi Trại giam làm việc, phạm nhân này chỉ mất gần 01 tháng đã thành thạo làm chậu cây cảnh. Không chỉ có phạm nhân Hồng, nhiều phạm nhân khác khi được đến các cơ sở sản xuất ngoài Trại giam đều có cơ hội học nhiều nghề khác mà trong Trại không có, chưa kể họ còn có cơ hội được các doanh nghiệp này nhận làm việc sau khi mãn hạn tù. Như hiện nay doanh nghiệp này đang thu nhận 04 phạm nhân sau khi mãn hạn tù quay về làm việc.

Còn phạm nhân Hà Văn Tráng chia sẻ, ở ngoài xã hội chỉ trộm cắp vặt, không có nghề gì. Vào Trại, Tráng được các cán bộ và kỹ thuật của Công ty hướng dẫn dạy nghề, vừa học vừa làm việc được 01 năm và đã thấy thích công việc này. Khi ra Trại, sẽ kiếm xưởng nào để kiếm công ăn việc làm để hoà nhập cộng đồng hoặc cũng có thể mở xưởng nhỏ để làm mái tôn hoặc hàn cửa sắt kiếm sống.

Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân trong giờ lao động cải tạo.
Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân trong giờ lao động cải tạo.

Phạm nhân Lê Phan Anh thi hành được 6/11 năm án vận chuyển trái phép chất ma tuý, đang thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến cho biết, trước làm nghề lái xe, chưa từng biết nghề nào khác. Khi vào Trại Hoàng Tiến, đã được dạy nghề may, được giao những công việc phù hợp với tay nghề, sức khoẻ. Hiện đang làm may bao bì, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động điều đó cho thấy phạm nhân vẫn còn là người có ích, có thể lao động sản xuất tạo ra của cải cho xã hội. Đây cũng là cơ hội cho phạm nhân trau dồi nghề nghiệp, có thêm kinh nghiệm, kiến thức để khi tái hoà nhập cộng đồng nhanh chóng, không bỡ ngỡ...

Nói về công tác này, Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho biết, nếu không có việc làm ổn định thì tác động xã hội yếu kém. Thực tế trong những năm qua các phạm nhân đi làm vi phạm kỷ luật hầu như không có. Theo quy định, cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và Trại tạm giam đều có sự quản lý của Công an huyện, Công an tỉnh và lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp. Giữa doanh nghiệp và Trại giam đều có ký kết về lao động, về tai nạn lao động có thể xảy ra, hoặc có những tình hình về an ninh, trật tự, mất an ninh, trật tự. Hàng ngày, hàng tháng đều có giao ban, hàng ngày Trại giam đều có cán bộ giám sát phạm nhân ra ngoài lao động và có sự trao đổi hàng ngày với doanh nghiệp.

Trung tướng Hồ Thanh Đình nhấn mạnh lao động là một trong những biện pháp bắt buộc để cải tạo phạm nhân. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của các Trại giam, Trại tạm giam còn nhiều khó khăn nên việc tổ chức dạy nghề và lao động cho phạm nhân còn hạn chế. Vì thế khi được liên kết với các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất để đưa phạm nhân ra ngoài Trại giam, nhiều phạm nhân từ chỗ không có nghề nghiệp trong tay, vào Trại giam chỉ vài tháng cho đến 01 năm đã có thể được học nghề rồi còn được trải qua thời gian lao động thực hành nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất. Đây cũng là cách để giúp các phạm nhân sau khi mãn hạn tù sớm trở về có thể kiếm được việc làm và tái hoà nhập cộng đồng. Điều đó khẳng định rằng, đưa phạm nhân ra ngoài lao động cũng là một trong những biện pháp giáo dục, cải tạo, bởi phạm nhân bị mất quyền công dân nhưng còn quyền con người, lao động, cải tạo, biện pháp để giúp họ hướng thiện. Trong khi điều kiện về việc làm, cơ sở vật chất trong các Trại giam còn nhiều hạn chế, thì việc liên kết đưa những phạm nhân cải tạo khá, tốt ra ngoài lao động, không chỉ giúp họ có cơ hội học nghề, làm nghề mà còn giúp họ sớm được tiếp xúc với xã hội, sớm hoàn lương, làm lại cuộc đời.

.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an

.