(Congannghean.vn)-Là địa bàn tương đối phức tạp về tệ nạn ma túy từ trước đến nay, không chỉ các đối tượng từ địa phương khác đến để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy mà hoạt động này còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, trong đó có thực trạng về người nghiện ma túy. Với nỗ lực cai nghiện và quản lý sau cai, từ nhiều năm qua, Piêng Lũng đã kìm giảm được tình trạng người nghiện ma túy trên địa bàn.
Học viên được đào tạo nghề sau cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội huyện Tương Dương |
Ngày 14/12/2017, anh Lương Đức P. (SN 1992) trú tại bản Vẽ, xã Yên Na được Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) huyện Tương Dương tổ chức cho tái hòa nhập cộng đồng, sau 24 tháng cai nghiện bắt buộc tại đây. Là người nghiện ma túy, gây ra không ít hệ lụy cho gia đình và địa phương, cuối năm 2015, anh P. được gia đình và chính quyền làm hồ sơ, đưa đến Trung tâm để cai nghiện. Theo đánh giá, trong thời gian ở Trung tâm, học viên này có quá trình cắt cơn, điều trị tốt, có ý thức chấp hành các nội quy cũng như tham gia học nghề, lao động sản xuất chăm chỉ để khi trở về có thể kiếm sống được bằng nghề, tránh tình trạng thất nghiệp, sớm bị lôi kéo, rủ rê quay lại vết xe đổ của quá khứ. Anh P. cũng là học viên thứ 60 được tái hòa nhập cộng đồng trong năm 2017 tại Trung tâm.
Ông Lô Văn Phương, Trung tâm GDLĐXH huyện Tương Dương cho biết: Đóng chân trên địa bàn bản Piêng Lũng, xã Thạch Giám, Trung tâm GDLĐXH Tương Dương có quy mô từ 250 - 300 học viên mỗi năm. Hiện nay, cơ sở vật chất giai đoạn 2 đang được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cai nghiện và dạy nghề cho người nghiện trên địa bàn. Chỉ tiêu hằng năm được giao khoảng 100 học viên, tuy nhiên do đặc thù của địa phương nên số lượng người cai luôn vượt, đơn cử như tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đang cai nghiện cho 126 người. So với cai nghiện bắt buộc thì cai nghiện tự nguyện trên địa bàn huyện Tương Dương đã có những thay đổi rất lớn, vừa mang lại hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ cơ sở. Trước đây, các xã, thị trấn tự tổ chức cai nghiện cho các đối tượng tự nguyện ngay tại cơ sở, vừa không đảm bảo về cơ sở vật chất, vừa không quản lý được trong khi hiệu quả công việc lại thấp.
Trước thực tiễn đó, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các xã, vận động các gia đình có người nghiện để đưa đi cai nghiện tự nguyện. Sau khi có danh sách, chính quyền địa phương sẽ làm thủ tục, đưa người nghiện đến cắt cơn, điều trị trong thời gian 15 ngày tại Trung tâm, sau đó mới bàn giao về cho gia đình và địa phương tiếp tục quản lý. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, được triển khai tại xã Yên Tĩnh và thị trấn Hòa Bình, với số lượng từ 6 - 8 người nghiện mỗi năm. Theo ông Lô Văn Phương, mô hình này hoạt động có hiệu quả nên trong thời gian tới, sẽ nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn huyện.
Tương Dương là địa bàn rộng, từ trước đến nay các loại tội phạm liên quan đến ma túy hoạt động khá nhức nhối. Thời gian qua, Trung tâm chỉ tiếp nhận được 114 học viên, trong đó có 3 học viên cai nghiện tự nguyện. Đó là chưa kể đến tình trạng số lượng học viên tái hòa nhập cộng đồng tái nghiện và học viên trốn khỏi trung tâm cũng xảy ra, gây khó khăn nhất định trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Một trong những khó khăn do đặc thù của địa phương là tình trạng gia đình bỏ mặc sau khi người nghiện được đưa đến Trung tâm để cai nghiện. Có nhiều học viên suốt quá trình cai nghiện không nhận được bất cứ sự thăm nuôi, động viên nào từ gia đình, khiến tâm lý chán nản, tư tưởng không tiến bộ. Đối với những trường hợp này, cán bộ Trung tâm phải tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình từng học viên, có liệu pháp tâm lý phù hợp để kịp thời động viên.
Để hạn chế bớt tình trạng này, Trung tâm GDLĐXH huyện Tương Dương, bên cạnh nỗ lực cắt cơn, điều trị còn tăng gia lao động sản xuất, đào tạo một số nghề cơ bản như làm mộc, đan lát, thợ nề, chăn nuôi và gò hàn. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động khác như dạy xóa mù chữ, khám, chữa bệnh cho người nghiện mắc các bệnh lý ngoài xã hội trước khi đến Trung tâm, duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao lồng ghép các chương trình giáo dục hành vi nhân cách. Với các hoạt động đồng bộ này, đã ít nhiều tác động tích cực đến những học viên đang cai nghiện, có nhiều người sau khi tái hòa nhập cộng đồng đã trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Với những nỗ lực đó, cùng với việc hằng năm phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Tương Dương trong việc nắm bắt, rà soát và quản lý tình hình người nghiện trên địa bàn, công tác cai nghiện trên địa bàn huyện Tương Dương nói chung và tại Trung tâm GDLĐXH nói riêng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động này đã tạo cơ hội trở lại làm người tử tế cho nhiều đối tượng trót sa chân vào ma túy, qua đó góp phần hạ nhiệt tình hình liên quan đến loại tội phạm này trên địa bàn huyện Tương Dương.