Ngày 6/12, Bộ LĐTB&XH đã khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111 thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng các em thiếu nhi Hà Nội dự nghi lễ khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Ảnh: VGP/ Đình Nam |
Dự lễ khai trương có Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Về trẻ em Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với ba số 111 là số hàng đầu, đây là số ngắn, nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Tổng đài 111 được thành lập trên cơ sở Đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567. Tổng đài là dịch vụ công đặc biệt, thực hiện việc tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trẻ em qua điện thoại...
Từ thông tin tiếp nhận, Tổng đài sẽ kết nối với các đơn vị liên quan để xác minh thông tin; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ và các thành viên gia đình trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em... Trong thời gian đầu hoạt động, Tổng đài 111 hoạt động song song với Đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em mà không bảo lưu bất cứ điều khoản nào. Đến nay hệ thống pháp luật quy định thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam liên tục được bổ sung sửa đổi hoàn thiện cơ bản đồng bộ. Nhà nước có nhiều nỗ lực giải quyết để bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em.
Việc khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, triển khai dịch vụ công đặc biệt này là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em...
Ảnh:VGP/Đình Nam |
Trước đó, Uỷ ban quốc gia Về trẻ em đã họp bàn và thống nhất chương trình hành động trong năm 2018. Cụ thể là tập trung chỉ đạo, đôn đốc các bộ ngành, địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách về trẻ em và quyền trẻ em; trợ giúp trẻ em tiếp cận các dịch vụ xã hội; tư vấn và tham vấn cho trẻ em, gia đình, các tổ chức, cá nhân về bảo vệ trẻ em; chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho trẻ em, nhất là nhóm yếu thế; hỗ trợ giáo dục; trợ giúp pháp lý; phối hợp liên ngành phòng chống bạo lực đối với trẻ em…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban nhấn mạnh yêu cầu các kế hoạch, chương trình hành động phải bảo vệ đầy đủ các quyền của trẻ em: quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được sống chung với cha mẹ; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học tập; quyền được phát triển năng khiếu; quyền có tài sản…
Trong đó, cần đặc biệt phát huy vai trò của các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ tuyên truyền, bảo vệ trẻ em mà còn có vai trò rất quan trọng trong phổ biến tri thức, tư vấn các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em.