Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động thương binh và xã hội: Trung bình cứ 8 giờ đồng hồ, lại có một trẻ bị xâm hại tình dục. Ở nước ta, các vụ xâm hại tình dục ở trẻ em có xu hướng gia tăng khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là có gần một nửa số vụ việc tòa án phải trả lại hồ sơ vì không đủ bằng chứng hoặc chứng cứ pháp y.
Bấm play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh.
Theo các điều tra viên, khó khăn mấu chốt khi điều tra các vụ xâm hại tình dục trẻ em đó là: nạn nhân thường còn rất nhỏ tuổi, hiện trường vụ án thường là nơi vắng vẻ, và gần như không có nhân chứng. Các yếu tố này khiến cho tiến trình điều tra, phá án thường mất rất nhiều thời gian.
Trung tá, Thạc sỹ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an nói: Tội phạm xâm hại tình dục ở trẻ em là loại tội phạm ít chứng cứ vật chất. Đặc thù của án xâm hại tình dục thường là án 1-1, tức là giữa thủ phạm và nạn nhân, rất ít đối tượng dám gây án trước mặt người thứ 3. Chính vì không có nhân chứng nên việc thu thập chứng cứ để xác định theo trình báo của bị hại là khó khăn rồi. Cái thứ 2 với hành vi ấu dâm tức là dâm ô với trẻ em thì những dấu vết mang tính vật chất nó để lại trên cơ thể, hiện trường gần như là không có. Với những án có hành vi giao cấu thì mắc một cái khó khăn, thường những bị hại là trẻ em còn non nớt về mặt thể chất trí tuệ, có thể các cháu bị xâm hại nhưng các cháu không biết là mình bị xâm hại, hoặc có thể bị đối tượng đe dọa mua chuộc không dám nói. Cái thứ ba là xuất phát từ tâm lý xấu hổ, không nói ngay với người thân với bố mẹ của mình, thầy cô giáo, những người thân xung quanh mình về việc đã xảy ra với mình.
Tại Việt Nam, không chỉ các nạn nhân trẻ nhỏ mà rất nhiều ông bố bà mẹ, người thân của các em cũng mang tâm lý xấu hổ, sợ hãi không dám lên tiếng tố giác kẻ dâm ô. Nhiều gia đình chọn cách thỏa hiệp với tội phạm, chỉ khi không giải quyết được, gia đình nạn nhân mới trình báo cơ quan chức năng. Chính sự chậm chễ này đã gây cản trở rất lớn trong việc xác minh các chứng cứ pháp y.
Đại tá, Tiến sĩ Đào Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y, Viện khoa học hình sự Bộ Công an cho biết: Các vụ án này dấu vết đã ít rồi nhưng đại đa số gia đình các nạn nhân đều đưa đến chậm, theo đặc tính sinh học thời gian đã làm mất đại đa số các dấu vết. Có những dấu vết trên quần áo các cháu đã được gia đình giặt, những dấu vết bám trên người thì gia đình đã tắm rửa cho các cháu, những vết xây xát bầm tím nhẹ nó đã mất đi chỉ sau 1,2 ngày gây án. Còn những vụ tổn thương nhiều thì như tôi đã nói do các cháu thường hoảng loạn nên rất là khó tiếp cận.
Theo các chuyên gia, và những người trực tiếp làm công tác điều tra, giám định thì khi người thân phát hiện con em mình bị xâm hại cần nhanh chóng thực hiện các bước sau.
Trung tá, Thạc sỹ Đào Trung Hiếu khuyến cáo: Khi phát hiện trẻ nhỏ bị xâm hại việc đầu tiên là phải giữ nguyên hiện trường, không tắm rửa cho trẻ, không giặt quần áo của trẻ. Lập tức đến ngay các cơ quan chức năng để trình báo, nhưng tốt nhất là tới cơ quan công an gần nhất, nhanh chóng tìm những nhân chứng, hoặc dữ liệu camera nơi xảy ra sự việc.
Đại tá, Tiến sĩ Đào Quốc Tuấn cũng cho rằng: Các ông bố bà mẹ khi thấy con cháu bị như vậy không nên đưa tới cơ sở y tế ngay đâu, trừ những trường hợp nó gây nguy hiểm nhiều thì phải đưa đi cấp cứu. Còn việc thu giữ dấu vết tốt nhất để phục vụ công tác điều tra sau này thì cần nên đưa ngay tới cơ quan Công an vì như thế các chứng cứ mẫu vật thu được được chấp nhận như một bằng chứng vừa khoa học, vừa đúng thủ tục pháp lý.
Theo các luật sư chuyên bảo vệ nạn nhân trẻ em bị xâm hại, cản trở quan trọng nữa là do hệ thống pháp luật ở nước ta hiện chưa thật sự chặt chẽ. Thiết nghĩ để bảo vệ sự an toàn cho trẻ nhỏ cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, của gia đình và cả xã hội.
Đó là sự thay đổi hoàn thiện về hệ thống luật pháp, các tổ chức xã hội cần tăng cường nâng cao nhận thức, tuyên truyền hướng dẫn cho người dân giúp họ hiểu về loại tội phạm dâm ô và hãy lên tiếng trước các hành vi xâm phạm trẻ em; bố mẹ, thầy cô giáo cần hướng dẫn cho con em mình các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục ngay khi trẻ biết nhận thức.