Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201703/doanh-nghiep-phot-lo-bao-ve-moi-truong-dan-lanh-du-728613/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201703/doanh-nghiep-phot-lo-bao-ve-moi-truong-dan-lanh-du-728613/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Doanh nghiệp phớt lờ bảo vệ môi trường, dân lãnh đủ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 21/03/2017, 08:42 [GMT+7]

Doanh nghiệp phớt lờ bảo vệ môi trường, dân lãnh đủ

(Congannghean.vn)-Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã coi nhẹ việc bảo vệ môi trường, xả rác thải và khí thải công nghiệp bừa bãi khiến cuộc sống của người dân phụ cận bị ảnh hưởng nặng nề.

Sự cố vỡ đập chứa bùn thải từ bể chứa của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc (thuộc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh) trên địa bàn xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp vào sáng 9/3, khiến người dân sống dọc suối Nậm Huống bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Không chỉ nước suối chuyển sang màu vàng kèm bùn đen, cá chết hàng loạt mà vùng hạ du cũng bị đảo lộn. Cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, sau sự cố vỡ đập mới tức tốc vào cuộc thì phát hiện ra, tại khu vực bể chứa này có nhiều sai phạm liên quan đến thiết kế.

Bể chứa bùn thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc bị vỡ ảnh hưởng đến người dân và môi trường
Bể chứa bùn thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc bị vỡ ảnh hưởng đến người dân và môi trường

Cũng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, theo phản ánh của người dân, vấn đề ô nhiễm môi trường từ các công ty, doanh nghiệp khai thác khoáng sản từ trước đến nay luôn là đề tài “nóng”. Mặc dù bà con đã phản ánh nhiều tại các kỳ tiếp xúc cử tri, song từ nhiều năm trở lại đây, người dân vẫn buộc phải sống chung với ô nhiễm do doanh nghiệp xả thải hoặc tương tự như sự cố vỡ đập của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc gây ra.

Cụ thể, theo phản ánh, các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản vùng đầu nguồn nước đã trực tiếp xả xuống sông, suối đầu nguồn gây ô nhiễm nguồn nước từ sông Nậm Tôn đến sông Dinh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Qua đánh giá hiện trạng môi trường trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đi đến kết luận, hiện nay, nguồn nước tự nhiên đối với một số hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện này bị ô nhiễm là có thật, chủ yếu là nước bị đục do cặn lơ lửng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm, trong đó có nguyên nhân trực tiếp là do nguồn thải từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của một số doanh nghiệp được cấp giấy phép và nguồn thải hoạt động khoáng sản trái phép (chủ yếu là khai thác và tuyển quặng thiếc, cưa xẻ và đánh bóng đá ốp lát).

Trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, theo phản ánh, việc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho các công ty, doanh nghiệp khai thác khoáng sản quá sát với khu dân cư, thậm chí khai thác ngay cạnh Tỉnh lộ 532, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà việc nổ mìn làm văng đá vào nhà dân, làm ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông.

Qua tìm hiểu được biết, mỏ khai thác quặng thiếc nói trên là của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Thương mại Trung Hải Nghệ An, đã được UBND tỉnh cấp phép và ngày 29/6/2015, Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mặc dù vậy, thực tế khu vực mỏ gần với Tỉnh lộ 532, vì vậy trong quá trình khai thác, tập kết và vận chuyển khoáng sản, đã và đang làm ảnh hưởng đến người dân và phương tiện khi tham gia giao thông qua tuyến đường này và ảnh hưởng đến một số hộ dân đang sinh sống gần khu vực mỏ.

Trên địa bàn huyện Nghi Lộc hiện nay vẫn còn một số nhà máy nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu tập trung tại các xã Nghi Khánh, Nghi Xá và Nghi Hợp.

Theo đó, Công ty CP Trung Đức đóng trên địa bàn xã Nghi Khánh và Nhà máy Trồng và Chế biến nguyên liệu giấy Nghệ An, trên địa bàn xã Nghi Hợp trong quá trình sản xuất đã gây tiếng ồn, đặc biệt là vào ban đêm; nước thải sản xuất chưa được xử lý thải ra môi trường ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh.

Cũng trên địa bàn xã Nghi Khánh, Công ty CP Sản xuất ván ép Công Dụng trước đây gây ô nhiễm môi trường, bị người dân phản ánh gay gắt nên di dời dây chuyền sản xuất đến vị trí khác. Tuy nhiên, hiện tại Công ty đang cho 1 doanh nghiệp sản xuất ván ép thuê mặt bằng để sản xuất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Cũng theo phản ánh của nhân dân, Công ty CP Đá ốp lát Thành Công nằm trong cụm công nghiệp Trường Thạch, xả nước thải chưa qua xử lý ra mương thoát nước làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân xã Nghi Khánh.

Ngoài ra, cử tri huyện Nghi Lộc còn phản ánh Công ty CP Minh Thái Sơn, Công ty CP Hải An, Công ty CP ván nhân tạo Tân Việt Trung, Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam là những cơ sở nằm trong KCN Nam Cấm. Các cơ sở này đã được đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung của KCN Nam Cấm nhưng chưa triệt để, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh khu vực. Trong đó, vào cuối năm 2016, Công ty CP Hải An đã phải tạm dừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm theo văn bản chỉ đạo số 109/UBND.ĐC ngày 5/1/2013 của UBND tỉnh.

Nhiều KCN, cụm công nghiệp không tuân thủ việc xả thải ra môi trường (Trong ảnh: Cụm công nghiệp Đông Vĩnh)
Nhiều KCN, cụm công nghiệp không tuân thủ việc xả thải ra môi trường (Trong ảnh: Cụm công nghiệp Đông Vĩnh)

Trong khi đó, trên địa bàn TP Vinh hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị còn xem nhẹ việc bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực xả thải khiến nhân dân bức xúc. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn TP Vinh có 4 nhóm có nguồn xả thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xả thải ra đồng ruộng, bao gồm nguồn nước thải từ các bệnh viện, nguồn nước thải từ các cụm công nghiệp (Hưng Lộc, Đông Vĩnh, Nghi Phú và KCN Bắc Vinh), nguồn nước thải từ Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt của TP Vinh tại xã Hưng Hòa và nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư chưa được đấu nối vào hệ thống xử lý nước tập trung của TP Vinh.

Trong đó, đối với nguồn nước thải từ các bệnh viện, trên địa bàn TP Vinh có 20/21 bệnh viện đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế tập trung. Hệ thống xử lý nước thải tập trung của Bệnh viện đa khoa Nghệ An cũ hiện giao cho 4 đơn vị (Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Trung tâm huyết học và máu, Trung tâm Giám định pháp y) đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, xả nước thải không đảm bảo quy chuẩn ra môi trường. Hiện nay, Sở Y tế đang hoàn tất các thủ tục để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung mới cho 4 đơn vị này.

Đối với việc xả thải từ các cụm công nghiệp, ngoại trừ KCN Bắc Vinh hiện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 250 m3/ngày đêm và đã được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước, tại các cụm công nghiệp Hưng Lộc, Nghi Phú và Đông Vĩnh, dù đã xây dựng các hồ sinh học để xử lý nước thải của cụm công nghiệp trước khi thải ra môi trường nhưng do thời gian hoạt động của các cụm công nghiệp đã lâu, quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và đã xuống cấp; Ban quản lý được bố trí theo hình thức kiêm nhiệm nên công tác quản lý, bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn. Nước thải từ các cơ sở không được thu gom triệt để, chưa tách riêng biệt được nước mưa và nước thải. Chính vì vậy việc xử lý nước thải chưa đạt được hiệu quả cao.

.

Thiện Thành

.