(Congannghean.vn)-Từ bao đời nay, với ngư dân, biển cả là quê hương gắn bó không thể rời xa, chia cắt. Cũng vì thế, cho dù sóng gió bão bùng đến mấy, biết bao thế hệ ngư dân vẫn thuỷ chung với biển, với vùng chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Để rồi, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, khi tàu thuyền thả neo nơi bến cảng, ngư dân lại sum vầy bên nhau cùng nhắc lại những ngày “cưỡi sóng, vượt gió” đã qua để tiếp tục đồng tâm hiệp lực bám biển, vươn khơi.
Nhộn nhịp cảnh mua bán thuỷ sản ở Cảng cá Lạch Quèn tại xã Tiến Thuỷ, huyện Quỳnh Lưu |
Một năm sóng gió…
Có lẽ chưa bao giờ ngư dân lại phải gánh chịu nhiều sóng gió như một năm vừa qua. Họ sẽ chẳng bao giờ quên được sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty Fomosa gây ra ở vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào hồi tháng 4/2016. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù ở Nghệ An không bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường nhưng dọc dài 82 km đường bờ biển, ngư dân vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng dẫn đến bị tổn thất khá nặng nề.
Mặc dù năm nay đã 70 tuổi nhưng lão ngư Nguyễn Trọng Phúc ở vùng biển Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai vẫn không thể quên những chuyến tàu “cưỡi sóng, vượt gió” giữa trùng khơi mà mình từng trải qua. Ông cho biết, thời kỳ chiến tranh, mặc dù mưa bom bão đạn nhưng lớp ngư dân vẫn chắc tay súng, vững tay chèo, bám biển quê hương. Hoà bình lập lại, các ngư dân trẻ đã biết chung sức đồng lòng, thành lập tổ hợp tác liên kết cùng nhau đánh bắt thuỷ, hải sản để làm giàu cho quê hương, đất nước. Dù biết rằng, lênh đênh trên biển là vất vả, gian nan và có khi phải đánh đổi cả tính mạng của mình nhưng chưa bao giờ ngư dân có ý định rời xa biển cả. Biển đã nuôi nấng, chở che ngư dân bao đời nay nên sóng gió không thể nhấn chìm sự thuỷ chung của họ với biển khơi...
“Sự cố về môi trường ở Hà Tĩnh đã khiến ngư dân bị tổn thất nặng nề. Chưa bao giờ, tàu thuyền của chúng tôi lại phải gánh chịu sóng gió ghê gớm đến vậy. Mặc dù hiện nay đã đỡ hơn trước nhưng tình trạng tàu thuyền cập bến không bán được hải sản khiến nhiều ngư dân chưa thể nguôi ngoai. Với chúng tôi, khi tàu thuyền nhổ neo ra khơi chỉ mong sóng yên biển lặng để lúc trở về tôm cá đầy khoang. Chúng tôi cũng mong muốn sản phẩm đánh bắt được khi cập bến không còn cảnh ế ẩm như trước”, ngư dân Nguyễn Văn Hợi trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu - người đã có thâm niên hơn 30 năm bám biển tâm sự.
Tiếp sức cho ngư dân bám biển
Để từng bước tiếp sức cho ngư dân bám biển, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về việc triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành thuỷ sản. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu to, thuyền lớn đã được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương. Ngay sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, Nghệ An đã sớm triển khai xây dựng và ban hành bộ tiêu chí lựa chọn chủ tàu đủ điều kiện để vay vốn.
Sau 2 năm thực hiện Nghị định 67, trên địa bàn tỉnh đã có 113 chủ tàu được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu khai thác thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đó có 76 tàu vỏ gỗ, 6 tàu vỏ composite, 26 tàu vỏ thép, đóng mới 5 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và 1 tàu hoán cải, nâng cấp. Điều đáng nói, những đội tàu 67 ở các địa phương bước đầu “ra quân” đã phát huy hiệu quả, khẳng định được năng suất rõ rệt sau nhiều chuyến ra khơi.
Chiều chớm đông, tất tả sau chuyến đi biển 10 ngày liền đánh bắt ở khu vực vùng biển Vịnh Bắc Bộ trở về, khuôn mặt của chủ tàu NA99399TS Nguyễn Văn Phương trú tại khối Hồng Phong, phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai rạng ngời niềm vui. Sau chuyến đi biển dài ngày, tàu của anh và 7 thuyền viên đã đánh bắt được hơn 3 tấn cá trị giá gần 400 triệu đồng. Trừ chi phí xăng dầu, nguyên liệu…, mỗi thuyền viên thu về hơn 40 triệu đồng. Được biết, đây là chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trên địa bàn Nghệ An được bàn giao theo Nghị định 67.
“Ngày trước, tàu của tôi công suất nhỏ nên chỉ tham gia đánh bắt ở khu vực gần bờ nên hiệu quả kinh tế thấp, có chuyến phải bù lỗ xăng dầu, nguyên liệu tiêu hao… Sau khi có chủ trương của Nhà nước cho ngư dân vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67, tôi đã mạnh dạn vay hơn 10 tỉ đồng từ Ngân hàng BIDV để đóng mới con tàu vỏ thép lưới rê trị giá gần 15 tỉ đồng, công suất 811CV. Tàu hạ thuỷ từ tháng 3/2016, đến nay đã tham gia hàng chục chuyến ra khơi nhưng chưa bao giờ về tay không. Tàu hiện đại, công suất lớn nên độ an toàn cao khiến ai cũng yên tâm đánh bắt ở ngư trường xa đất liền”, chủ tàu Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Được biết, Nghệ An là một trong những địa phương nằm ở tốp đầu trong việc triển khai tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 67 tại 28 tỉnh, thành trên cả nước. Công tác hỗ trợ ngư dân về chủ trương, chính sách để tiếp cận nguồn vốn vay cũng được các cấp, ngành và địa phương nhanh chóng thực hiện.
Trong buổi lễ bàn giao tàu vỏ thép NA999399TS ở phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 nhấn mạnh: Việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đẩy nhanh hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời góp phần bảo vệ vùng biển, hải đảo quê hương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị các sở, ban, ngành và hệ thống ngân hàng tín dụng được uỷ thác cần khẩn trương vào cuộc, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67.
Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi, bám biển là chủ trương lớn của Chính phủ phát động trong suốt thời gian qua. Đến bây giờ, có dịp đi dọc dài theo đường bờ biển Nghệ An, gần trọn 1 năm khi sóng gió về sự cố môi trường tại vùng biển Kỳ Anh đi qua, không khí tấp nập tàu thuyền ra vào neo đậu nơi Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Vạn, Cửa Hội… đang “hồi sinh” trở lại. Những kho đông lạnh bảo quản hải sản ở các địa phương cũng bắt đầu sôi động. Thị trường bán buôn thuỷ, hải sản ấm dần lên vào dịp cuối năm khiến ngư dân vui mừng, phấn khởi vì thành quả vươn khơi, bám biển của mình đã được đền đáp. Trải qua một năm vượt sóng gió, kiên cường bám biển, ngư dân hy vọng năm mới sẽ “sóng yên biển lặng” để tàu về tôm cá đầy khoang...