Tháng 6-2016, chúng tôi có mặt tại chùa Thái Ân (Thanh Oai, Hà Nội) và mục sở thị biết bao vất vả, nhọc nhằn của sư thầy khi một mình nuôi nấng, chăm sóc 6 đứa trẻ sơ sinh bị vứt nơi cửa chùa. Ít hôm sau, một độc giả cung cấp cho chúng tôi thông tin tại một ngôi chùa ở tỉnh Hà Nam còn có đến 9 sinh linh bị cha mẹ ruồng bỏ, đang được sư thầy nuôi nấng. Vậy là chúng tôi tiếp tục lên đường.
1. Chùa Mạc Thượng (Chính Lý, Lý Nhân, Hà Nam) nằm gần hai con sông Hồng và sông Châu Giang. Từ Hà Nội, chúng tôi đi qua thành phố Hưng Yên, qua cầu Yên Lệnh, theo con đường đê hai bên là những đầm sen bát ngát tầm hơn chục km nữa là đến chùa.
Vừa bước vào khoảng sân gạch men màu cánh gián chúng tôi đã nghe tiếng trẻ con ríu rít nô đùa. Có cảm giác như bước vào một… nhà trẻ chứ không phải là một nơi thanh tịnh, chốn hoằng dương phật pháp. Thoáng thấy người lạ một bé trai to béo, mập mạp vội chạy ra phía nhà sau hét toáng lên: “Bố ơi… bố ơi có khách”. Rồi tám chín đứa trẻ ùa ra vây lấy chúng tôi. Chúng xán vào sờ nắn cuốn sổ, cây bút, điện thoại di động, chùm chìa khóa xe… và tranh nhau hỏi đủ thứ.
Bé Minh Tâm rất thông minh, tình cảm khi biết cài cúc áo, bóp tay chân lúc thầy mệt. |
Chừng mười lăm phút sau, sư thầy tuổi trạc tứ tuần, khuôn mặt chữ điền phúc hậu từ phía nhà trong đi ra. “Mời thí chủ vào xơi nước, tôi vừa phải chăm đàn lợn vừa bị đậu mùa” – sư thầy phân trần. Lúc này lũ trẻ lại quay sang quấn lấy thầy: “Bố ơi bố có mệt không? Con bóp tay bóp chân cho bố nhé…”. Sư thầy cười hiền, khẽ bảo các bé xuống nhà dưới chơi để thầy nói chuyện. Một số bé nghe lời thầy xuống ngay, nhưng có một bé trai và một bé gái cứ nấn ná ở gần, rồi đứng ngoài cửa thập thò nhìn vào.
- Chùa mình đang nuôi những tám đứa trẻ hả thầy?
Vừa nghe câu hỏi của chúng tôi, sư thầy Thích Đàm Quyết đã rơm rớm nước mắt:
- Nhẽ ra là 9 cháu cô chú ạ. Nhưng tháng trước một bé trai đã về với Phật…
Khẽ nâng vạt áo lên lau nước mắt, sư thầy kể. Từ năm 2009 đến nay chùa đã cưu mang 5 bé trai và 4 bé gái, tất cả đều bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng. Cháu đầu tiên là một bé gái nặng chừng 2kg, bị bỏ lại cửa chùa vào ngày 7-4-2009. “Khoảng 8 giờ tối, thầy đi công việc về thì bất ngờ thấy một cái giỏ đặt trước cổng. Thầy nhấc lên thấy nằng nặng, giở ra thì phát hiện một bé gái chỉ tầm 1-2 ngày tuổi, rốn còn chưa rụng. Người bé ướt sũng, da tím tái vì bị dầm mưa. Cháu thở rất yếu…”
Sư thầy vội thay quần áo và ủ ấm cho bé, rồi nhờ một phật tử gọi giúp cô y tá trên trạm y tế xã đến xem sức khỏe của cháu. Cháu bé được xác định là bị viêm phổi cấp, nên phải đưa ngay đến bệnh viện huyện Lý Nhân chữa trị. Sau hơn 3 ngày điều trị, sức khỏe của bé Trí dần hồi phục và được trở lại chùa. Sư thầy đã báo lên chính quyền xã, thông báo liên tục một tháng trên loa phát thanh nhưng không có ai đến nhận, sư thầy đành nhận nuôi, đặt tên là Phạm Ngô Thị Quyết Trí. (với ý nghĩa sẽ quyết tâm nuôi cháu nên người).
Một tuần sau, lúc đó là khoảng 12 giờ trưa sư thầy vừa ăn cơm xong và đang ru bé Trí ngủ thì thấy có người gọi cửa chùa. Một cặp nam nữ, bế một đứa trẻ đến xin làm lễ tại chùa. Họ gửi đứa bé cho thầy Quyết và nói rằng: “Cho con gửi cháu một lát để con đi mua đồ lễ” rồi lên xe ô tô đi. Thầy Quyết tưởng thật nên vui vẻ nhận lời.
Nhưng đến 3 giờ, rồi 5 giờ chiều vẫn không thấy đôi nam nữ kia quay lại. Sư thầy nói với bà vãi: “Không hiểu sao cặp nam nữ lúc trưa đi đâu mãi không quay lại?”. Bà vãi lúc bấy giờ mới phát hiện ra một chiếc túi nilon mà cặp nam nữ để lại, trong có mấy bộ quần áo trẻ sơ sinh và một tờ giấy ghi vỏn vẹn dòng chữ: “Vì điều kiện hoàn cảnh không nuôi được cháu, con phải đem cháu tới nương nhờ cửa Phật, mong thầy và dân làng cưu mang cho cháu được làm người”. Bé trai Phạm Quyết Trung đến với sư thầy trong hoàn cảnh đó.
Vốn sư thầy Thích Đàm Quyết sớm có duyên với nhà Phật, và quy y cách đây đã mấy chục năm. Thầy đã quyết tâm rũ bỏ bụi trần, chỉ ngày đêm chuyên tâm với Phật pháp. Thế nên trước khi quyết định cưu mang các cháu bé, thầy cũng ít nhiều ngần ngại. “Không phải vì tôi ngại khó ngại khổ, mà vì tuổi cũng không còn trẻ lại không có kiến thức kinh nghiệm chăm trẻ sơ sinh nên lúc đầu rất băn khoăn khi nhận nuôi các cháu. Chỉ mong bố mẹ các cháu hồi tâm chuyển ý quay lại nhận cháu về nuôi để nhà chùa được chuyên tâm với đạo” – thầy Quyết tâm sự.
Thế nhưng một năm, hai năm, ba năm…rồi đến bảy năm trôi qua mà tịnh không thấy bóng dáng người cha người mẹ của bất cứ cháu nào lai vãng ở chùa. Không những vậy liên tiếp trong năm 2011, 2012 mỗi năm đều có 2 đứa trẻ sơ sinh bị các bậc sinh thành “gửi” lại ở cửa chùa. Năm 2013 là năm “kỷ lục” khi có tới 3 đứa trẻ còn đỏ hỏn được sư thầy phát hiện ở cửa chùa và đem về cưu mang.
Một góc chùa Mạc Thượng. |
2. Trong số chín đứa trẻ bị bỏ rơi ở cửa chùa, thầy Quyết đặc biệt nhớ trường hợp cháu Phạm Nhân Sinh, được phát hiện vào tháng 6-2011.
Đó là một buổi sáng tinh mơ, sư thầy đang quét sân chùa thì thấy tiếng chó sủa ngoài cổng. Ngỡ có người đến thăm chùa sớm, thầy Quyết dừng tay rồi đi lại phía cổng. Ra đến nơi, thầy thót tim khi phát hiện một chiếc thùng xốp đựng một sinh linh đang thoi thóp thở. Bên ngoài, con chó đã cạp gần hết một nửa chiếc thùng. Thầy Quyết bế cháu lên, cảm giác nhẹ bẫng. Sư thầy vội đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu.
Hóa ra cháu bị sinh non, cân nặng chỉ được 1,4kg. Nhân Sinh được đưa vào lồng ấp, điều trị hơn một tháng trời tại bệnh viện Nhi trung ương thì cháu mới lại người, và được đưa về chùa chăm sóc.
Dịp Noel năm 2011, lại thêm một bé sơ sinh bị bỏ ở cửa chùa. Dù cháu nặng 2,2kg, song do bị bỏ rơi nhiều giờ ngoài trời nên da dẻ cháu tím tái vì lạnh. Cháu cũng thở rất yếu. Nhiều người nói với thầy Quyết rằng bé này chắc không qua khỏi, và thầy nên chuẩn bị hậu sự cho cháu. Nhưng thầy không cam tâm. Sư thầy ôm chặt bé lại gần máy sưởi.
Chừng nửa giờ sau thì thấy sắc diện của cháu hồng hào trở lại. Thầy lấy sữa của chị Nhân Sinh bôi lên miệng thì thấy cháu le lưỡi liếm, miệng chóp chép. Thầy tiếp tục cho cháu ăn như vậy, sau nửa ngày thì cháu dần tỉnh lại. Tuy nhiên, cháu vẫn phải nằm điều trị một tuần tại bệnh viện huyện Lý Nhân. Bé này sau đó được thầy đặt tên là Phạm Nhân Từ.
Năm 2012 và 2013 lần lượt các cháu Phạm Minh Tâm, Phạm Minh Anh, Phạm Phương Anh, Phạm Phúc Lâm và Phạm Minh Đức được sư thầy cưu mang. Trong số các cháu này, cháu Minh Anh thậm chí còn bị ai đó, không biết có phải là bố mẹ không, bọc trong một túi nilon rồi treo lên cánh cổng chùa. Buổi sáng sư thầy mở mãi không được, mới phát hiện ra cái bọc nằng nặng, trong có một bé gái nặng 2kg.
Sư thầy và các cháu bé thời điểm hiện tại. |
Còn cháu Phạm Minh Đức thì được cha mẹ “gửi” trong một chiếc làn đi chợ. Nuôi được vài tháng, thầy Quyết phát hiện ra điểm không bình thường. Dù khuôn mặt khôi ngô lanh lợi song Đức ăn uống rất kém, và đặc biệt là tứ chi gần như không phát triển. Đưa cháu đi khám các bác sĩ kết luận cháu bị bại não, và dự đoán cháu không sống được bao lâu nữa.
Từ nhỏ cho đến khi 3 tuổi, Đức chỉ nằm một chỗ không ngồi dậy hay đi lại được. Thương bé, chẳng quản gian lao thầy Quyết đưa cháu đi thăm khám ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ. Song bệnh viện nào cũng kết luận bệnh tình của cháu hiểm nghèo.
Đầu năm 2015, nghe người ta mách bệnh viện Vinmec có nhiều bác sĩ giỏi sư thầy tiếp tục lặn lội đưa Đức đến thăm khám - dù biết rằng viện phí ở đây rất đắt đỏ. Giống như các đồng nghiệp, bác sỹ ở đây cũng kết luận cháu mắc căn bệnh cực kỳ khó chữa, và khuyên sư thầy nên đưa cháu về. Cháu cứ yếu dần và đến tháng 5 vừa qua thì cháu về với Phật.
3. “Nhiều lúc thầy cũng thấy khổ tâm vì các con nay ốm, mai đau, nguồn kinh phí lại eo hẹp nên không thể lo cho các con những loại thuốc tốt nhất. Song nhớ lời Phật dạy, cứu được một mạng người bằng xây bảy tòa tháp nên thầy vẫn gắng gượng từng ngày. Rồi thì thầy và các cháu cũng vượt qua được những thời điểm nguy nan nhất…” – sư thầy tâm sự.
Cũng theo sư thầy Thích Đàm Quyết, thời điểm bắt đầu nuôi hai cháu Trí, Trung thật muôn phần khó nhọc. Bản thân hai cháu đã kém cân, yếu hơn những trẻ bình thường khác, sư thầy cũng không có kinh nghiệm nuôi trẻ. Thầy chỉ biết mua sữa về pha cho các cháu uống. Bao nhiêu đêm dài thầy phải đút từng thìa sữa bé tí cho các bé. Rồi thầy tập cho cháu bú bình… Đã thế, còn có dư luận rằng “sao lại có trẻ sơ sinh xuất hiện ở chùa? Hay là sư thầy …!?” khiến thầy Quyết hết sức khổ tâm.
Khi mà dân làng đã dần tin tưởng, đồng cảm với việc nuôi trẻ sơ sinh của thầy, thì cũng là lúc mà số lượng các cháu bị bỏ rơi tăng nhanh. “Thời điểm các cháu chưa biết ăn cơm, mỗi tháng chỉ riêng tiền sữa đã hết cả chục triệu đồng, chưa kể tiền tã,bỉm, quần áo…”. Lúc khó khăn nhất, thầy Quyết phải bán đi chiếc xe máy Honda Cub 81 để mua sữa cho các cháu.
Chùa làng vốn nghèo, nên thầy Quyết phải nghĩ đủ mọi cách để kiếm thêm tiền. Thầy trồng rau, rồi chăn nuôi thêm. Do có phật tử giúp đỡ, năm ngoái thầy dựng được một dãy chuồng, nuôi được khá nhiều lợn. Hàng ngày, chỉ riêng việc cho ăn, quét dọn chuồng lợn cũng khiến thầy bở hơi tai. Cũng may là các cháu Trí, Trung tuy mới học lớp 1 song đã biết giúp thầy những việc nhỏ như quét nhà, quét sân, nhặt rau…
Trong lúc chúng tôi trò chuyện với thầy, các bé Trung, Minh Tâm, Phương Anh cứ thập thò ngoài cửa, vẻ rất quấn sư thầy. Tôi vẫy các cháu vào. Dường như chỉ chờ có thế Phương Anh lập tức leo lên lòng thầy ngồi. Còn Minh Tâm thì chạy lại bóp tay, đấm lưng cho thầy. Thầy kể, trong số các anh chị em thì có bé Minh Tâm là thông minh lanh lợi nhất. Tuy chưa tròn 5 tuổi nhưng cứ thấy thầy đi đâu về là cháu chạy lại hỏi han. Buổi tối lúc chuẩn bị đi ngủ, Tâm lại hỏi thầy có mệt không, rồi xoa bóp tay chân cho thầy. “Chỉ cần được như vậy, thì thầy có mệt mỏi mấy cũng cảm thấy rất hoan hỉ” – thầy Quyết tâm sự.
Ngắm các cháu, chúng tôi cứ thầm khen sư thầy nuôi “mát tay”. Tất cả 8 cháu đều rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Riêng cháu Trung mới gần 7 tuổi mà đã nặng gần 40kg. Sư thầy đang phải “hãm” vì sợ cháu bị béo phì. “Nhà chùa chẳng có gì ăn đâu, nhưng đông anh đông em nên các cháu thi nhau ăn, thành ra ăn được nhiều cơm”.
Tôi có thắc mắc từ lúc mới đến chùa, giờ mới dám hỏi: “Thưa sư thầy, tại sao các cháu lại gọi thầy là bố?”. Câu hỏi này có lẽ lại chạm đến nỗi lòng của thầy, nên thầy Quyết ngồi lặng đi một lúc lâu. Rồi thầy lau đôi mắt đỏ hoe, kể. “Đến tuổi đi học, một hôm bé Trung “chất vấn” thầy: “Thầy ơi, ở lớp mỗi khi tan học các bạn thường được bố, mẹ đón về. Thế bố mẹ con đâu hả thầy?”. Sư thầy nghĩ mãi mới dám trả lời: “Thầy vừa là bố, vừa là mẹ của con rồi. Con thích gọi thầy là bố hay là mẹ?”. “Là bố ạ!”. Thế là từ đó, cả 9 đứa trẻ đều gọi thầy là bố”.
Sư thầy cũng bộc bạch, cửa chùa là chốn từ bi người ta có khó khăn, có nhỡ nhàng thì mới phải gửi con cái vào đây. Thầy rất thương họ. Nhưng thương một thì lại trách hai, ba. Vì xã hội hiện nay để nuôi một đứa trẻ cũng không phải là quá sức với một bà mẹ đơn thân, nếu như người đó chăm chỉ chịu khó. Hơn nữa, về mặt dư luận xã hội cũng không còn quá khắt khe với việc “không chồng mà chửa”. Ấy vậy mà vẫn có không ít những bậc sinh thành đẩy phần khó khăn, trách nhiệm cho người khác. Tại sao họ không thử suy xét xem họ sẽ cảm thấy như thế nào, nếu như bố mẹ cũng vứt họ nơi cửa chùa đôi chục năm trước? Ngay cả đến máu mủ ruột già mà họ còn chẳng quan hoài, chả lẽ lương tâm của họ không cắn rứt?