Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201511/trung-tam-day-nghe-o-mien-nui-thua-co-so-vat-chat-thieu-hoc-vien-646845/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201511/trung-tam-day-nghe-o-mien-nui-thua-co-so-vat-chat-thieu-hoc-vien-646845/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thừa cơ sở vật chất, thiếu học viên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 15/11/2015, 08:25 [GMT+7]
Trung tâm dạy nghề ở miền núi

Thừa cơ sở vật chất, thiếu học viên

(congannghean.vn)-Nhằm giúp con em ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, có công ăn việc làm, các huyện miền núi đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng các trung tâm dạy nghề. Tuy cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị máy móc hiện đại nhưng các trung tâm này lại rơi vào cảnh “đắp chiếu”, không có người học vì một số nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Trung tâm dạy nghề huyện Tương Dương
Trung tâm dạy nghề huyện Tương Dương

Hoang vắng ở các trung tâm dạy nghề tiền tỉ

Trung tâm dạy nghề huyện Kỳ Sơn được thành lập từ năm 2005, với mục tiêu mở rộng các ngành nghề đào tạo như: Tin học văn phòng, dệt thổ cẩm, đan lát, mộc dân dụng, cơ khí, sửa chữa xe máy, may mặc... cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Để thu hút người học, năm 2012, Trung tâm đã khánh thành và đưa vào sử dụng dãy nhà 2 tầng gồm 15 phòng học, được đầu tư xây dựng với kinh phí 9 tỉ đồng. Ngay sau đó, nhiều người đã đăng ký các lớp học nghề tại đây nhưng lại không được đáp ứng vì Trung tâm không bố trí được lớp học. Theo ông Moong Thanh Nghệ, Giám đốc Trung tâm thì nguyên nhân là do việc triển khai số lớp học phụ thuộc vào kinh phí và chỉ tiêu mà tỉnh phân bổ về hàng năm. Vì đã đào tạo hết chỉ tiêu nên Trung tâm không mở thêm lớp học nào để dạy tại cơ sở chính mà hiện tại chỉ thực hiện dạy tại một số lớp học ở các bản. Tuy nhiên, hiện tượng đó chỉ xảy ra vài năm trước đây, còn hiện nay, số người học đến đăng ký học đang ít dần. Tại Trung tâm đang xảy ra tình trạng phòng học bỏ không, trang thiết bị phải “đắp chiếu”.

Tương tự, tại Trung tâm dạy nghề huyện Quế Phong, mặc dù dãy nhà 2 tầng mới được xây dựng khang trang, với nhiều thiết bị máy móc hiện đại nhưng lúc nào cũng trong tình trạng vắng vẻ. Ông Lê Văn Quê, Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi năm đơn vị chỉ tuyển được số lượng học viên tương đương 1 - 2 lớp đào tạo nghề. Một số ngành nghề như may, hàn xì, mộc, sửa chữa điện tử, điện dân dụng, vi tính có rất ít học sinh đăng ký. Thực tế, từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm mới chỉ tiếp nhận khoảng 100 em, trong đó phần lớn là lớp ngắn hạn ở khu vực nông thôn, miền núi. Bởi vậy, nhiều trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề đang bị lãng phí và xuống cấp theo thời gian. Tình trạng mỗi năm chỉ đào tạo được khoảng số lượng trên dưới 100 học viên là thực tế chung tại các Trung tâm dạy nghề các huyện Quỳ Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông… hiện nay.

Thậm chí, tại một số trung tâm dạy nghề, sau khi đã tuyển đủ học sinh cho các khóa học lại xảy ra tình trạng học sinh bỏ giữa chừng. Đơn cử, Trường Trung cấp nghề Dân tộc miền núi Nghệ An (đóng tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông) được đầu tư 30 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất. Năm 2012 là khóa học đầu tiên, Trường tuyển sinh được 1.200 học sinh theo học nghề nhưng đến cuối năm, số em bỏ học đã chiếm đến 30%. Theo lãnh đạo nhà trường, nguyên nhân là do theo quy định, để được hưởng chính sách nội trú, học sinh đến học phải qua trình độ cấp THCS, THPT. Trong khi phần lớn học sinh tại đây đều thuộc diện người dân tộc thiểu số vùng miền núi khó khăn, vùng sâu vùng xa, chưa học qua cấp THCS.

Đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Duy Thông, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Tương Dương cho biết: Năm 2010, Trung tâm đưa vào hoạt động dãy nhà 2 tầng, tương ứng 15 phòng với kinh phí 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm, Trung tâm mới chỉ đào tạo chưa đến 1.000 người vì gặp một số bất cập, vướng mắc về chỗ ở nội trú, tiền ăn hỗ trợ hàng ngày và cả trang thiết bị. Vấn đề này thực sự đáng báo động bởi theo Đề án 30A của Chính phủ, trong thời gian từ năm 2010 - 2020, huyện Tương Dương dự kiến sẽ đào tạo được khoảng 18.400 lao động trên địa bàn.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2005, chỉ có 5 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh có trung tâm đào tạo nghề, song đến nay, tất cả các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa đều đã “phổ cập” các trung tâm. Mặc dù được đầu tư xây dựng khang trang, với kinh phí hàng chục tỉ đồng nhưng số người theo học lại rất ít. Hàng năm, các trung tâm chủ yếu mở các lớp lưu động, ngắn hạn tại địa bàn. Tại Trung tâm dạy nghề huyện Anh Sơn, năm 2005, tỉnh đã chi 1,2 tỉ đồng để xây dựng dãy nhà học 3 tầng.

Mới đây, đơn vị tiếp tục được đầu tư 14,898 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm để xây dựng các hạng mục như nhà làm việc 2 tầng, 2 nhà xưởng thực hành, 1 nhà vệ sinh, 1 nhà học lý thuyết. Đó là chưa kể nguồn vốn 2,2 tỉ đồng phục vụ mua sắm thiết bị dạy nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung tâm lại không thu hút được người học mà hàng năm lại tổ chức dạy nghề tại các cơ sở. Theo giải thích thì việc dạy lưu động này là nhằm tạo điều kiện để bà con không phải đi xa, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Theo đánh giá thực tế tại các trung tâm dạy nghề miền núi cho thấy, các lớp đào tạo nghề hiện nay chủ yếu là ngắn hạn, dành cho đối tượng học nghề ở các thôn, bản. Số đối tượng là học sinh THPT sau khi tốt nghiệp học tại đây là rất ít, điều này gây ra sự lãng phí không hề nhỏ. Giải thích về tình trạng này, lãnh đạo nhiều Trung tâm cho rằng, do phong tục tập quán của bà con là thường lên nương, phát rẫy hơn là lao động trong môi trường có kỷ luật, tác phong công nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các trung tâm đào tạo nghề hiện nay cũng chưa chú trọng vào vấn đề đầu ra cho người học mà đang đào tạo theo kiểu lấy chỉ tiêu, sau đó “thả nổi” người học. Nhiều người sau khi học xong không tìm được việc làm. Ngoài ra, một số trung tâm do quá chú trọng vào một số ngành nghề phi nông nghiệp như hàn xì, sửa chữa điện tử mà không “mặn mà” với các ngành nghề truyền thống nên dẫn đến tình trạng ngày càng vắng bóng học viên.

.

Phương Thủy

.