(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển nhanh của đời sống xã hội, số lượng các vụ ly hôn ở Việt Nam theo đó cũng tăng nhanh. Điều đáng báo động là tình trạng ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ đang có dấu hiệu gia tăng, số vụ ly hôn năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.
Theo thống kê của ngành tòa án cho thấy, nếu trong năm 2000, cả nước chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì đến năm 2005, con số này đã tăng lên 65.929 vụ và năm 2010, lên tới 126.325 vụ. Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có hơn 2.900 vụ ly hôn, trong đó, số cặp vợ chồng ly hôn có tuổi đời từ 18 - 30 là hơn 1.300 trường hợp, số vụ ly hôn có con chưa đến tuổi vị thành niên là hơn 1.400 trường hợp. Những con số trên phản ánh một thực trạng đáng báo động, để lại nhiều hệ lụy xấu đối với xã hội và ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển tâm - sinh lý của con trẻ.
Có muôn vàn lý do dẫn tới việc các cặp vợ chồng trẻ nộp đơn ly hôn ra tòa, tìm hướng giải quyết để thoát khỏi sự ràng buộc giữa hai bên. Đơn cử, trường hợp của vợ chồng anh Hoàng Văn T. (SN 1985) và chị Nguyễn Thị N. (SN 1987) ở TP Vinh, trước khi tổ chức đám cưới linh đình, cặp đôi này đã có thời gian 5 năm tìm hiểu, “thề non hẹn biển” suốt đời bên nhau. Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy 2 năm kể từ khi kết hôn, họ đã nộp đơn ly hôn ra tòa.
Nguyên do là sau khi kết hôn được một thời gian, anh T. đã “say nắng” một “cô em” tập sự tại nơi làm việc. Bao nhiêu tiền làm ra, T. không đưa về cho vợ lo toan công việc gia đình mà chu cấp hết cho người tình trẻ, đã vậy mỗi khi về nhà, T. lại thường gây gổ, đánh đập, nhục mạ vợ. Không thể chịu đựng một người chồng, người cha hư đốn, chị N. đã quyết định nộp đơn ly hôn lên tòa án, tìm đường “giải thoát” cho mình. Hay như trường hợp của chị Trần Thị D. và anh Nguyễn Hữu H., họ đến với nhau thông qua sự “mai mối” của bạn bè và tiến tới kết hôn sau một thời gian ngắn tìm hiểu.
Cuộc sống của đôi vợ chồng này tưởng như sẽ viên mãn khi họ có hai đứa con xinh xắn, “đủ nếp, đủ tẻ”, chăm ngoan học giỏi, cả hai anh chị đều là cán bộ công chức Nhà nước. Vậy nhưng, từ khi vướng vào lô, đề thì mọi của cải hai vợ chồng làm ra, chị D. đều giấu chồng để nướng vào trò chơi đỏ đen này. Sự việc chỉ bại lộ khi các đối tượng xã hội đến nhà “dằn mặt”, siết tài sản. Hậu quả, cặp đôi này đã “đường ai nấy đi” sau 3 năm “gối ấp vai kề”.
Bàn về tình trạng gia tăng đáng kể các vụ ly hôn, một cán bộ Tòa án đưa ra lý giải, là do nhận thức về giá trị cuộc sống gia đình của nhiều cặp vợ chồng trẻ còn hạn chế, chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình, đặc biệt là với những trường hợp đã có con cái. Mặc dù đã được tích cực vận động và trực tiếp hòa giải từ cán bộ địa phương và cán bộ toà án, song tỉ lệ hòa giải thành công chỉ đạt ở mức thấp (Ở Nghệ An, năm 2014, trong gần 3.000 vụ ly hôn, chỉ hòa giải thành công 46 vụ - P.V).
Một nguyên nhân nữa là do giới trẻ ngày nay thường “yêu nhanh, cưới vội”, chưa tìm hiểu kỹ về nhau cũng như thiếu hiểu biết về kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Khi xảy ra mâu thuẫn, họ không biết cách xử lý, giải quyết, dẫn đến bạo lực gia đình và hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ở nước ta đang nổi lên một tình trạng đáng báo động khác, đó là sự trẻ hóa đối tượng phạm tội. Qua tìm hiểu thực tế nhận thấy, hầu hết tội phạm có tuổi đời trẻ đều có hoàn cảnh gia đình hết sức éo le, bố mẹ ly hôn dẫn đến con cái phải chịu cảnh bơ vơ. Con trẻ thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ, nhiều em chán nản bỏ nhà đi theo các đối tượng xấu rồi vướng vào vòng lao lý.
Có thể thấy, hôn nhân tan vỡ không chỉ ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn để lại nhiều hệ lụy xấu đối với xã hội. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tội phạm có tuổi đời trẻ và các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng.
.