Kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, việc thu gom và xử lý chất thải phải được xã hội hóa cho các công ty tư nhân. Tuy nhiên, kết quả lại phụ thuộc rất lớn vào ý thức và hành động của người dân.
Trung bình 1 người Việt thải ra môi trường 1 kg rác thải điện tử/năm. |
Cấp bách yêu cầu qui hoạch bảo vệ môi trường, quản lý chất thải
Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh tại đô thị nước ta ước khoảng 31.500 tấn/ngày. Việc xử lý CTR đô thị ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp, tỷ lệ được tái chế, xử lý thành phân composit chỉ chiếm khoảng 15%. Có tới 85% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Toàn quốc có 98 bãi chôn lấp chất thải tập trung đang vận hành, nhưng mới có 16 bãi được coi là chôn lấp hợp vệ sinh. Cả nước hiện cũng có khoảng 26 nhà máy xử lý CTR tập trung tại các đô thị. Số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp/1 đô thị, riêng tại Hà Nội và TPHCM, mỗi đô thị có từ 4-5 bãi chôn lấp và khu xử lý. Dự báo, tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị đến năm 2020 sẽ là khoảng 22 triệu tấn/năm. Với lượng gia tăng như vậy, nếu không được xử lý tốt thì nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khỏe cộng đồng là rất đáng báo động.
Theo Trung tâm Phát triển và Hội nhập, trung bình 1 người Việt thải ra môi trường 1 kg rác thải điện tử/năm. Như vậy, nước ta với 90 triệu dân thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm. Loại rác độc hại này có nguy cơ "hủy diệt” môi trường như không khí, đất, nước… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, các thiết bị trong nhóm điện tử, điện dân dụng và công nghiệp hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2015. Văn phòng Chính phủ ngày 21/10/2014 đã có văn bản giao Bộ TN&MT khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản và phổ biến cụ thể đến các địa phương. Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn Quyết định này.
Cần những biện pháp đồng bộ
Tại Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ IV về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R), các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép 3R nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung vào các chính sách phát triển. Hiện có nhiều vấn đề về chất thải đang nổi lên, như chất thải điện tử, chất thải nguy hại, chất thải túi nylon… Tái chế rác thải (3R) cần phải được thực hiện trên cơ sở có sự tham gia của tất cả các bên liên quan gồm: Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong đó quyết tâm chính trị của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, 3R cũng cần có sự hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia để được thúc đẩy thực hiện.
Chiến lược quản lý tổng hợp CTR được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2015, sẽ có 85% tổng lượng chất thải đô thị, 50% tổng lượng chất thải xây dựng tại các đô thị được xử lý. Với mục tiêu này, việc xây dựng những khu xử lý tập trung lớn và lựa chọn công nghệ áp dụng vào điều kiện cụ thể là bài toán khó, nhưng rất cấp bách đang đặt ra cho chính quyền Trung ương và các địa phương.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, nguồn tài chính đa dạng cho quản lý CTR tuy vẫn tăng hằng năm, nhưng còn rất thiếu và chưa cân đối giữa các lĩnh vực. Cơ cấu phân bổ ngân sách dành 90% cho hoạt động thu gom và vận chuyển, 10% chi phí cho xử lý và tiêu hủy chất thải. Để có thể kiểm soát chất lượng cũng như nâng cao hiệu quả xử lý rác thải từ nay đến năm 2025, Bộ TN&MT đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ 13 giải pháp.
Cụ thể, sửa đổi quy định về tái chế, tái sử dụng chất thải trong các bộ ngành; xây dựng các hướng dẫn về phân loại CTR tại nguồn; triển khai có hiệu quả các hoạt động giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng và tái chế CTR cấp tỉnh; xây dựng chính sách mua sắm công phải ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế từ nguồn ngân sách và chính sách thu phí phát sinh chất thải theo khối lượng; thúc đẩy hoạt động sản xuất tiêu thụ túi nylon thân thiện môi trường. Đồng thời, ban hành những quy định về việc giảm thiểu sử dụng túi nylon truyền thống tại các trung tâm thương mại, dịch vụ; phát triển thị trường chất thải, năng lực tái chế và xây dựng mạng lưới các cơ sở thu gom, tái chế CTR; xây dựng mô hình điểm về phân loại CTR tại nguồn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương…
Thủ thướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 06/10/2008 về phê duyệt quy hoạch xây dựng khu xử lý CTR 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020, trong đó quy hoạch khu xử lý CTR công nghiệp nguy hại. Với nguồn kinh phí của Nhà nước và tư nhân huy động cả ở trong và ngoài nước, chúng ta đã và đang xây dựng được một số khu liên hợp xử lý quy mô lớn với công nghệ hiện đại. Ngày 7/7/2014, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu mô hình của Khu Xử lý chất thải rắn Đa Phước, TPHCM (VWS) để xây dựng mô hình xử lý CTR cấp vùng có quy mô, công suất, công nghệ đa dạng, phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các quy định về môi trường và thời gian hoạt động từ 50 đến 100 năm. Đây cũng là mô hình để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho môi trường.
Hiện tại, nhiều địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng lượng rác tái chế, giảm thiểu lượng rác phải xử lý. Trong đó, tập trung nhất là giải pháp tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện phân loại rác tại nguồn, nghiên cứu thực tế mô hình thí điểm để các dự án này đạt được hiệu quả lâu dài. TS. Kosuke Kawai (Viện Nghiên cứu quốc gia Nhật Bản về môi trường) cho rằng, cần giải quyết các vấn đề từng bước một, thậm chí trong thời gian dài. Chính quyền địa phương phải thường xuyên, bám sát địa bàn để hướng dẫn người dân. Kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, việc thu gom và xử lý chất thải phải được xã hội hóa cho các công ty tư nhân. Tuy nhiên, kết quả lại phụ thuộc rất lớn vào ý thức và hành động của người dân.