(Congannghean.vn)-Từ niềm vui thi đỗ vào các trường đại học, sau nhiều năm miệt mài đèn sách vất vả, đã có không ít cử nhân, kỹ sư bám trụ lại các thành phố lớn hoặc trở về quê với mong ước tìm được một công việc ổn định, phù hợp với chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiều sinh viên sau khi ra trường phải "gác" tấm bằng đại học để đi làm công nhân.
Tốt nghiệp Khoa Luật Trường Đại học Khoa học Huế với tấm bằng loại Khá, nhưng con đường sự nghiệp của Nguyễn Thị Th. ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu thật lắm gian nan. Sau khi ra trường, Th. cầm bằng về quê xin việc làm. Trong thời gian chờ đợi, em ra chợ phụ giúp mẹ bán cá để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Th. hào hứng làm hồ sơ, kiên trì tìm hiểu và tham gia các buổi phỏng vấn của phía tuyển dụng. Nhưng sau thời gian phấp phỏng chờ đợi, Th. buồn bã vì mọi hồi âm dường như chìm trong im lặng. Trong khi đó, công việc buôn bán ở quê vất vả, cực nhọc không đủ chi tiêu hàng ngày.
Ở nhà mãi cũng chán, để không phải mang tiếng ăn bám bố mẹ, Th. theo bạn bè vào miền Nam tìm việc làm với hy vọng đó sẽ là “miền đất hứa”. Nhưng ở đây, dường như mọi việc không hề dễ dàng với em, cuối cùng Th. nộp hồ sơ xin vào làm công nhân tại khu công nghiệp, chờ cơ hội may mắn sẽ đến. Như vậy, sau bao năm đèn sách, giờ đây Th. đành ngậm ngùi cất tấm bằng cử nhân để làm công nhân với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Cuộc sống đối với Th. khó khăn trăm bề và tương lai vô cùng mờ mịt.
Năm 2009, em Nguyễn Thị B. ở xóm Hà Long, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng với tấm bằng cử nhân Địa lý loại Giỏi. B. mừng không diễn tả nên lời, bởi lẽ đối với em để vào được giảng đường đại học là cả quá trình nỗ lực vượt khó. Sau khi tốt nghiệp, B. háo hức cầm bằng đi xin việc. Khi biết thông tin Sở GS&ĐT Nghệ An tuyển công chức, B. đến tìm hiểu thì được biết, với chuyên ngành của em, Sở chỉ lấy hai chỉ tiêu, yêu cầu phải có kinh nghiệm giảng dạy và ưu tiên cho những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Với tiêu chuẩn này thì B. không thể đáp ứng được.
Việc sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm xảy ra khá phổ biến hiện nay - Tranh minh họa |
Mặc dù vậy, em vẫn quyết tâm đi tìm việc làm. B đến các trường THPT nộp hồ sơ nhưng trường nào cũng trả lời là đã đủ giáo viên. Loay hoay mãi, cuối cùng B. đành ngậm ngùi theo bạn vào lập nghiệp ở Sài Gòn. Chân ướt, chân ráo vào đất Sài thành, B. tìm đến nhiều địa chỉ xin việc nhưng đều bị từ chối. Vừa làm thêm tại quán cà phê, vừa đi xin việc ròng rã suốt một năm trời nhưng vẫn không thể xin được việc làm. Cuối cùng B. trở về Nghệ An và để có tiền trang trải cuộc sống, em chấp nhận vào làm công nhân tại Công ty TNHH Matrix thuộc Khu Công nghiệp Bắc Vinh.
Hiện nay, tại các tỉnh và thành phố trên cả nước, hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường khá lớn, trong khi công sở, trường học và các doanh nghiệp, công ty yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn hoặc có kinh nghiệm một vài năm. Chỉ tiêu thi vào cơ quan Nhà nước cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì lẽ đó, không ít sinh viên ra trường rất khó có cơ hội tìm việc làm. Một số người may mắn xin được việc làm nhưng trái với chuyên môn, số khác phải làm công nhân, nhân viên bán cà phê hoặc các công việc lao động chân tay, bỏ phí chất xám đã thu được tại giảng đường đại học. Và với số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm đã gây lãng phí nguồn nhân lực trong xã hội.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, năm 2014, toàn tỉnh có 4.000 cử nhân thất nghiệp và có tới 8.000 người đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ đang thiếu việc làm, hoặc làm trái ngành, nghề để mưu sinh. Thậm chí, nhiều cử nhân tốt nghiệp loại ưu, loại giỏi nhưng phải làm công nhân, nhân viên bán hàng hoặc ở nhà chăn nuôi, trồng trọt, trong khi đáng lẽ ra, những sinh viên này phải trở thành lực lượng trí thức, làm ra của cải vật chất cho bản thân, gia đình và xã hội.
Có thể nói, ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp ra trường, các cử nhân hăm hở bước vào cuộc sống mới với hy vọng sớm tìm được công việc ổn định. Tuy nhiên, điều đáng buồn là khi cầm tấm bằng đại học trên tay, xin việc làm lại khó như “mò kim đáy biển ”.
.