“Vũ khí” chữa nhiễm khuẩn hữu hiệu là kháng sinh, nhưng hiện, nhiều loại vi khuẩn đã nhờn thuốc, khiến công tác điều trị vô cùng khó khăn, thậm chí, nhiều trường hợp không qua khỏi. Tỉ lệ tử vong do kháng thuốc chiếm 30-90%, với loại vi khuẩn siêu kháng thuốc thì tỉ lệ chết tới 99%. Đặc biệt lo ngại khi tương lai, chúng ta có thể đối mặt với khả năng không có thuốc điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.” Đó là lo lắng của PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW tại hội nghị về chống kháng thuốc do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 5/8.
Đại diện của WHO nhận định vấn đề kháng thuốc là đặc biệt nghiêm trọng hiện nay, trở thành một thách thức lớn, khi việc điều trị bệnh không hiệu quả, nhất là với người mắc lao kháng đa thuốc, sốt rét. Chi phí điều trị kháng thuốc tăng gấp hàng trăm lần so với người không kháng thuốc, thậm chí, không thể điều trị được. Thực tế, năm 2013 và 2014, một số địa phương ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều bệnh nhân sốt rét, mắc lao hoặc cúm đã kháng thuốc, khiến ngành y tế hết sức lo ngại, vì sự lây truyền của bệnh, khi việc điều trị không hiệu quả.
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết thêm: Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng đang là thách thức, khi làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng thời gian sử dụng kháng sinh, làm tăng kháng thuốc và tăng chi phí điều trị. Hậu quả của việc kháng thuốc rất lớn, khi không có kháng sinh để điều trị hiệu quả với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là phẫu thuật và phương pháp điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người. Ngoài ra, kháng thuốc còn gây nên sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt ở người bị bệnh nhiễm khuẩn do sinh vật đa kháng. Điều trị kéo dài, tiên lượng xấu và lãng phí nhiều chi phí tiền thuốc, do sử dụng thuốc không phù hợp là những gánh nặng đặt lên vai người bệnh.
Thuốc kháng sinh được bán không cần đơn trong các hiệu thuốc, khiến việc sử dụng thuốc rất tùy tiện |
PGS.TS Nguyễn Văn Kính cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng nguy cấp này: Người Việt Nam dùng kháng sinh như… ăn cơm, “hơi tí” đều dùng kháng sinh mà không cần bác sĩ kê đơn. Mua kháng sinh ở thị trường dễ như mua rau, với số lượng bao nhiêu cũng được, trong khi ở nước ngoài mua thuốc kháng sinh phải có đơn và hiệu thuốc sẽ lưu lại, kiểm tra, để phản hồi về bệnh viện. Nếu 3 lần kê đơn sai, bác sĩ sẽ bị rút thẻ hành nghề trong 5 năm. Vì thế, các vị giáo sư tên tuổi ở nước ngoài khi khám bệnh, kê đơn còn cẩn thận giở sách ra kiểm tra, vì là vấn đề liên quan đến sức khỏe người bệnh. Còn bác sĩ của ta nhiều người “tự tin” nên khi khám bệnh là “phóng bút” kê đơn, có khi kh ông biết tên thuốc, liều lượng có đúng không, nhưng cũng chưa thấy ai bị rút giấy phép hành nghề do kê đơn sai. Và ở hiệu thuốc thì khi người bệnh mang đơn đến mua mà không có loại thuốc như trong đơn, người bán còn tự ý tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc khác! Việc nghiên cứu cho thấy, 90% kháng sinh được bán không có đơn thuốc; những người không có kinh nghiệm thường đứng bán thuốc; kháng sinh chiếm 25% tổng số thuốc bán ra và người mua thường yêu cầu mua kháng sinh do thiếu hiểu biết. Bất cứ ai cũng có thể ra hiệu thuốc mua các loại kháng sinh mà không cần đơn, là tình trạng phổ biến, đã kéo theo hệ lụy là bệnh tật bị kháng thuốc. Việc điều trị kháng thuốc rất khó, thời gian kéo dài, đương nhiên làm quá tải bệnh viện.
Những nghiên cứu của Bộ Y tế cũng chỉ ra các nguyên nhân khác của việc kháng thuốc: Đó là việc sử dụng quá liều, chưa đủ liều, hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn, tạo điều kiện cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan. Thực tế, đã và đang rất phổ biến việc người bệnh tự mua kháng sinh điều trị khi không có đơn của thầy thuốc; sử dụng kháng sinh đề điều trị đối với trường hợp không do bệnh lý nhiễm khuẩn gây ra, hay sử dụng kháng sinh, thuốc không phù hợp với loại, chủng virus, ký sinh trùng gây ra, rồi sử dụng không đúng liều lượng, hàm lượng và thời gian sử dụng…
Nhiều người thấy bị bệnh na ná người khác, liền mượn đơn thuốc của họ, rồi tự mua thuốc và điều trị lấy! Thói quen “tự chữa trị” và bắt chước đơn thuốc của người dân, dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ y tế, trang thiết bị của một số cơ sở y tế, đặc biệt ở các tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa có điều kiện, khả năng làm kháng sinh đồ nên người bệnh không được sử dụng kháng sinh hợp lý. Bên cạnh đó, công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc còn hạn chế, chưa đảm bảo kiểm soát được chất lượng tất cả các lô hàng sản xuất khác nhau của từng loại sản phẩm lưu hành trên thị trường.
Trước tình hình kháng thuốc ngày càng trầm trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc 2013-2020, theo đó, phối hợp với Bộ NN&PTNT hoàn thiện hệ thống văn bản về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, để khắc phục việc sử dụng bừa bãi; hướng dẫn sử dụng kháng sinh hợp lý trong chữa bệnh, kháng sinh phải do thầy thuốc kê đơn, thay vì bán tự do trong các hiệu thuốc như hiện nay. Các cơ sở y tế phải thành lập BCĐ kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Công tác thanh, kiểm tra các hoạt động này cần phải tăng cường.
Các đại biểu cũng cho rằng,bên cạnh việc xử lý các hiệu thuốc bán kháng sinh không có đơn, rất cần phải tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị, sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng kháng thuốc ngày càng nguy hiểm hiện nay.
.