Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, danh mục thuốc được BHYT chi trả dự kiến sẽ bao gồm 836 hoạt chất (tương đương 1.052 loại thuốc) ở đầy đủ các nhóm bệnh lý.
Trong đó có 41 thuốc hoàn toàn mới được đưa vào đề nghị BHYT thanh toán. Đây đều là các thuốc mới, điều trị các bệnh lý tim mạch, ung thư, xương khớp, có chi phí điều trị cao và có chỉ định khá rộng. Trong đó có các loại thuốc mới điều trị ung thư đại tràng, ung thư vú giai đoạn sớm, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, điều trị vẩy nến có chi phí điều trị lên tới 200 - 800 triệu đồng/năm, những thuốc này được Quỹ BHYT chi trả 50% chi phí.
Các loại thuốc bị loại khỏi danh mục hoặc giảm tỷ lệ chi trả đều là các thuốc mới, chi phí cao (từ 40 - 100 triệu đồng/tháng điều trị), nếu để quỹ BHYT chi trả 100% như trước sẽ khó đảm bảo cân đối quỹ. Việc danh mục thuốc BHYT lần này quy định cụ thể bệnh nào thì được thanh toán và thanh toán bao nhiêu... nhằm tăng cường kiểm soát việc lạm dụng thuốc.
Nhiều loại thuốc điều trị ung thư, tim mạch, xương khớp... có chi phí lớn đang được quỹ BHYT thanh toán 50 - 100% sẽ được xem xét xếp vào nhóm 34 loại thuốc có giới hạn chỉ định với một số bệnh khiến nhiều người cho rằng, danh mục mới “siết” quyền lợi người có thẻ BHYT.
Phát thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Như Ý |
Trước thông tin này bà Hương cho hay: “So với danh mục hiện hành, danh mục mới đã giảm cả về số lượng hoạt chất và số lượng thuốc được chi trả (danh mục thuốc được BHYT chi trả hiện có 900 hoạt chất với 1.143 thuốc). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về lĩnh vực BHYT, tài chính của một số nước cho rằng, danh mục thuốc BHYT chi trả hiện nay của chúng ta quá rộng, trong đó hạn chế nhiều loại thuốc biệt dược (ví dụ như generic).
Do đó, khi xây dựng danh mục thuốc mới này, chúng tôi đã loại ra khỏi danh mục nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc ngừng đăng ký lưu hành hoặc thuốc trùng nhau về hoạt chất, thuốc hỗ trợ điều trị...”.
Theo Bộ Y tế, điểm mới của danh mục này là hướng đến các thuốc có hiệu quả trong điều trị với giá thành phù hợp. Trước đây, khi xây dựng danh mục thuốc BHYT, thường bổ sung theo nhu cầu, nhưng hiện nay việc bổ sung hay loại trừ ra khỏi danh mục một số thuốc sẽ theo nguyên tắc tiếp cận trên chi phí và hiệu quả điều trị để cân nhắc đến khả năng chi trả của người bệnh cũng như khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Về việc một số thuốc điều trị ung thư, điều trị bệnh khớp đều là các thuốc mới, đắt tiền bị đưa ra khỏi danh sách hoặc giảm tỷ lệ chi trả từ quỹ BHYT xuống còn 50%, bà Hương nhận định: “Theo tôi, việc cắt giảm này khó có thể làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân ung thư, bởi hiện danh mục thuốc BHYT chi trả có đến 57 thuốc điều trị ung thư, đủ đáp ứng yêu cầu điều trị thông thường. Đơn cử như thuốc gefitinib (dạng uống, điều trị ung thư phổi) có chi phí hơn 36 triệu đồng/tháng, thuốc erlotinib dạng uống điều trị ung thư phổi có chi phí hơn 40 triệu đồng/tháng điều trị, thuốc sorafenib (điều trị ung thư tế bào) chi phí tới 118 triệu đồng/tháng... Bên cạnh đó, Thông tư 09 cũng quy định quỹ BHYT thanh toán cho thuốc chống ung thư ngoài danh mục. Do đó quyền lợi của người bệnh luôn được các nhà hoạch định chính sách ưu tiên hàng đầu”.