(Congannghean.vn)-“Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”, câu hát nghe sao da diết, bồi hồi. Với những người xa quê hương, vào dịp Tết lại đau đáu, canh cánh hướng về gia đình, về những người thân yêu với mong muốn được sum vầy, đoàn tụ.
Từ nơi xa xứ gọi điện về cho gia đình, cảm nhận không khí nơi quê nhà vào những ngày cuối năm nhộn nhịp, tất bật. Tết cổ truyền đang đến gần, ai ai cũng rộn ràng, háo hức thì tại đất khách quê người, mọi người lại có cảm giác bồi hồi, ao ước được trở về bên gia đình thân yêu. Được cùng bố mẹ, anh em sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, được quây quần bên gia đình ăn bữa cơm tất niên ấm cúng, cùng đón giao thừa, xem bắn pháo hoa, mang lời chúc tốt đẹp đến với mọi người. Còn gì tuyệt vời hơn là được xắn tay làm bánh chưng. Tối, bên ánh lửa bập bùng canh nồi bánh đang dần chín tới, nhấm nháp chén trà trò chuyện đến thâu đêm.
Tết này là năm thứ 2 Nguyễn Đức Hành (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) không được về quê ăn Tết bên người mẹ thân yêu của mình. Ngày Hành sang Đức theo học tại Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dortmund, cha anh bị bệnh nặng. Sang chưa tròn 1 tháng, anh nhận hung tin cha mất sau cơn bạo bệnh. Quỳ gối gục xuống giữa giảng đường, Hành tưởng chừng như mọi thứ sụp đổ. Tết năm đầu xa nhà lại nghe tin cha mất, anh hụt hẫng và trống trải. Như cảm thấy có lỗi, anh vùi đầu vào học, nhớ về quê hương, nhớ về mẹ qua những lời nhắn nhủ, những cuộc điện thoại để được thấy ấm lòng hơn. Hành tâm sự: Tết bên này không có bánh chưng. Thông thường vào đêm giao thừa, các bạn cùng tụ tập bắn pháo hoa, cùng nấu những món ăn Việt Nam. Ngày hôm sau, cùng rủ nhau đi lễ chùa cầu bình an. Dẫu vậy, nhưng vẫn không nguôi nhớ nhà và nhớ về Tết cổ truyền dân tộc. Anh chị ở xa, Tết năm nay lại một mình mẹ vò võ. Thương mẹ lắm, muốn về nhưng nghĩ đến học tập lại cố gắng gượng và an ủi lòng mình.
Với những sinh viên xa nhà thì vậy, với những người vì cuộc sống mưu sinh xa nhà lại trăn trở, âu lo. Cuối năm, đi làm cũng chỉ mong có một khoản tiền nho nhỏ để đưa về cho bố mẹ sắm Tết. Ngặt nỗi, ở xa đành ngậm ngùi ở lại, chỉ mong gia đình ở nhà đón một cái Tết ấm no, bình an. Chị Trần Nữ Hoàng (Nghi Thái, Nghi Lộc) cùng chồng sang Nga đã tròn 5 năm. Để con ở nhà cho ông bà ngoại chăm, hai vợ chồng mưu sinh bằng việc làm nhân viên bán hàng quần, áo tại TP Mátxcơva. Tại đây, đón Tết là những bữa tiệc ăn uống, gặp mặt anh em đồng hương. “Nhiều lúc nhớ con da diết, cũng có năm mình về thì chồng ở lại. Cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh, đi lại khó khăn nên đành phải để con ở nhà cho bố mẹ. Tết năm nay, hai vợ chồng không về cùng con đón Tết, buồn và nhớ con nhiều lắm”, chị Hoàng chia sẻ.
Không như ở Đức, ở Nga, tại Hàn Quốc thu hút rất nhiều bạn trẻ Việt Nam. Số lượng người Nghệ An xuất khẩu lao động tại đây chiếm con số đáng kể. Xứ Kim Chi này, người Hàn đón giao thừa trước người Việt 2 giờ đồng hồ. Nhưng với người Nghệ An thì vẫn giữ nếp ở quê nhà: Đón giao thừa theo giờ Việt Nam. Cùng nhau trưng bày mâm ngũ quả, mâm xôi gà, lập bàn thờ có ảnh Bác Hồ, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Và vui nhất là quây quần bên nhau đùm bánh chưng. Tuy vậy, khi nhắc đến Tết quê hương ai cũng bồi hồi.
Anh Trần Quốc Tuấn quê xã Trung Sơn, huyện Đô Lương xa quê hương đã 5 năm. Năm nay, anh mới lấy vợ người Quảng Bình, cũng làm bên đó. Tưởng Tết này đưa vợ về quê đón Tết cùng gia đình, nhưng cũng vì công việc, đi lại khó khăn nên anh đành lỗi hẹn. Mỗi dịp Tết về lại nhớ nhà, theo anh Tuấn, càng ở lâu lại càng nhớ nhà hơn. Nhất là vào dịp Tết, thèm cái cảm giác được cùng anh trai đi mua đào, được gói bánh chưng, quây quần bên bữa cơm tất niên và đêm giao thừa cả gia đình xem hài Tết, cùng ngắm pháo hoa và nâng ly chúc mừng năm mới. Tết là dịp để anh em, bạn bè, làng xóm sát lại gần nhau. Cứ trưa mồng 1 là ai ai cũng đi ra đường đến từng nhà dành cho nhau lời chúc mừng tốt đẹp trong năm mới. Dường như, không khí Tết nơi quê nhà đã hằn sâu trong tâm trí anh. Đêm giao thừa năm nào anh cũng gọi điện về cho mẹ để biết ở nhà đón Tết như thế nào, rồi cập nhật Facebook xem không khí đón Tết ra sao…
Mỗi người một hoàn cảnh, vì công việc, vì học hành đành phải rời xa quê hương. Tết đến, Xuân về, dẫu ở nơi xa nhưng những người con xứ Nghệ vẫn luôn hướng về quê hương với một mong ước được sùm vầy bên gia đình, được đón một cái Tết đoàn viên.
.