Chủ Nhật, 04/08/2019, 08:10 [GMT+7]

Cảnh giác thủ đoạn bắt cóc tống tiền người lao động 'chui' ở Trung Quốc

(Congannghean.vn)-Lợi dụng tâm lý của các gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) bất hợp pháp tại Trung Quốc, các đối tượng gọi điện thoại đe dọa đã bắt cóc nạn nhân để yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc. Đây là phương thức, thủ đoạn phạm tội mới xuất hiện trên địa bàn. Tại Nghệ An, từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 7/2019, cơ quan chức năng tiếp nhận 4 đơn trình báo của người dân tại các huyện Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.

Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự tiếp nhận trình báo của gia đình bị hại
Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự tiếp nhận trình báo của gia đình bị hại

Hình thức lừa đảo mới

Chiều 13/7, bà T.T.H. trú tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu đến Công an huyện Quỳnh Lưu trình báo về việc gia đình bà nhận được cuộc gọi từ số thuê bao nước ngoài, thông báo con trai bà bị bắt cóc tại Trung Quốc và yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc con. Chẳng là con trai bà, anh N.H.K. hiện đang đi XKLĐ bất hợp pháp tại Quảng Đông, Trung Quốc. Trong điện thoại, đối tượng này đe dọa gia đình nhanh chóng gửi tiền chuộc là 200 triệu đồng tiền Việt, nếu không anh K. sẽ gặp nguy hiểm. Kèm theo đó, chúng gửi hình ảnh anh K. đang bị trói tay, bên cạnh có người đứng canh gác. Vừa lo lắng cho con một thân một mình ở xứ người đang gặp nguy hiểm, gia đình lại vô cùng hoảng loạn, chần chừ không dám báo cho cơ quan chức năng vì con của họ đi theo diện XKLĐ “chui”. Tuy nhiên, gia đình quyết định trình báo Công an huyện Quỳnh Lưu để nhờ sự giúp đỡ.

Sau khi tiếp nhận tin báo, phía Công an huyện Quỳnh Lưu, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã liên hệ với lực lượng chức năng Trung Quốc điều tra, xác minh. Đồng thời phối hợp, hướng dẫn gia đình trì hoãn việc chuyển tiền để thương lượng với các đối tượng nhằm khai thác thêm thông tin. Đến ngày 17/7, nhân lúc các đối tượng có sơ hở, anh K. đã trốn thoát được ra ngoài và trở về Việt Nam vào chiều 18/7 trong sự mừng mừng tủi tủi của gia đình.

Trước đó, vào ngày 30/5, Công an huyện Quỳnh Lưu cũng tiếp nhận tin báo tương tự của ông H.H.T. (SN 1966) trú tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu. Theo trình báo của ông T. thì ngày 25/5, con trai ông là H.H.T. (SN 1994) đang lao động bất hợp pháp tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thì bị một nhóm gồm 5 đối tượng người Việt Nam bắt cóc và yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc 250 triệu đồng. Lo sợ cho tính mạng của con trai, ông T. đã chuyển khoản 250 triệu đồng vào tài khoản mà các đối tượng yêu cầu. Sau khi ông T. chuyển tiền, ngày 28/5, các đối tượng đã thả tự do cho nạn nhân. Hiện nay, anh T. vẫn đang ở lại Trung Quốc.

Không chỉ Quỳnh Lưu, tại một số địa phương như Nam Đàn, Diễn Châu cũng xuất hiện tình trạng này. Từ ngày 2/4 - 13/7, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an các địa phương đã tiếp nhận 4 đơn trình báo của các công dân với nội dung có người thân trong gia đình đi lao động tại Trung Quốc, bị một số người Việt Nam bắt giữ, đe dọa. Trong số này, có những trường hợp sau khi gia đình chuyển tiền thì các đối tượng thả tự do cho nạn nhân. Nhiều người vì hoảng sợ, lo lắng nên cũng đã nhanh chóng bỏ về Việt Nam như trường hợp của anh N.H.T. (Diễn Hồng, Diễn Châu). Sau khi bắt anh T., các đối tượng đã yêu cầu gia đình gửi 300 triệu đồng để chuộc người.

Nhiều rủi ro khi XKLĐ “chui”

Những năm gần đây, tình trạng người lao động Việt Nam đi XKLĐ bất hợp pháp ở một số nước trong khu vực đang diễn biến phức tạp. Trước đây, tình trạng này xảy ra tại các huyện miền núi, vùng rẻo cao, nhận thức người dân còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường XKLĐ chính ngạch được thắt chặt với nhiều yêu cầu khắt khe về bằng cấp, có trình độ, học tiếng và phải có kinh phí cho các công ty môi giới nên người lao động tìm đến các cơ sở “chui” nhiều hơn. Chính điều này đã tạo nên làn sóng ồ ạt đi lao động “chui” tại các nước trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan, Lào, Ả rập..., đông  nhất là thị trường Trung Quốc. Thực trạng này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội, mà bản thân người lao động phải luôn đối mặt với vô vàn rủi ro, thậm chí có thể mất mạng.

Trường hợp của gia đình bà N.T.H. (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn), kể từ ngày bà H. nhận được điện thoại đe dọa của các đối tượng ở Trung Quốc bắt cóc vợ của em trai bà đến nay gia đình vẫn chưa có tin tức gì của em dâu. Bà H. có em trai là anh N.C.L. và vợ là N.T.H. làm công nhân tại Quảng Đông, Trung Quốc. Ngày 3/5, chị H. đi làm về thì bị 2 đối tượng là Nguyễn Thị Bình (quê Tân Kỳ, Nghệ An) và Lê Mạnh Chính (quê Chí Linh, Sao Đỏ, Hải Dương) bắt cóc. Anh L. đã liên lạc được với người quen của các đối tượng này tên là Sơn để hỏi thăm tình hình thì người này yêu cầu anh L. đưa 178 triệu đồng để chuộc chị H..

Sau khi gia đình chuyển tiền vào tài khoản như thỏa thuận, anh L. đến gặp đối tượng Sơn để yêu cầu giao người thì đối tượng này cho biết nhóm bắt cóc không đồng ý chuộc nữa. Anh L. cùng một số người lao động đã đưa đối tượng đến Công an tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trình báo nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Hiện nay gia đình vẫn chưa có tin tức gì của chị H.. Các đối tượng bắt cóc cũng không còn liên lạc với gia đình.

Thực tế cho thấy, những người lao động “chui” ở Trung Quốc đang phải đánh cược chính tính mạng của mình. Bởi phần lớn lao động này đều phải vượt biên trái phép qua đường mòn. Khi ở nước ngoài, tiền lương làm việc là do thỏa thuận giữa chủ và người lao động. Người may mắn thì được thanh toán sòng phẳng nhưng cũng rất nhiều người bị đối xử bất công, bớt xén tiền lương, nhiều người tay trắng trở về và đã có trường hợp phải bỏ mạng nơi xứ người. Và có một điểm chung đó là họ phải sống chui lủi, làm việc chủ yếu vào ban đêm, thường xuyên đối mặt với nhiều nguy hiểm như tai nạn lao động, bị lừa tiền, bị bắt cóc…

Chủ động phòng ngừa

Trước tình hình trên, Lãnh đạo Công an tỉnh đã có công văn báo cáo thủ đoạn phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có yếu tố nước ngoài cho Lãnh đạo Bộ Công an, các Cục nghiệp vụ liên quan thuộc Bộ Công an để chỉ đạo hướng dẫn công tác đấu tranh, phòng ngừa.

Để chủ động đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm này, đồng chí Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cũng đã có công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai các nội dung. Trong đó tổ chức thông báo thủ đoạn phạm tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền rộng rãi về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội để nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa, phối hợp điều tra xử lý tội phạm. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân không đi XKLĐ bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là ở Trung Quốc, Đài Loan. Công an các huyện, thành, thị chỉ đạo lực lượng Công an cấp xã tổ chức rà soát, thống kê số công dân địa phương mình đang đi XKLĐ bất hợp pháp tại Trung Quốc (nhất là tỉnh Quảng Đông) để thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm nêu trên cho gia đình của họ và đề nghị trao đổi cho thân nhân đang lao động tại Trung Quốc biết và chủ động có biện pháp tự phòng ngừa, bảo vệ.

Rõ ràng người lao động lường trước được những rủi ro phải đối diện khi sang Trung Quốc làm việc, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn chấp nhận đánh cược với bản thân. Tuy nhiên, người lao động cần tỉnh táo, lựa chọn công việc phù hợp, không nên nghe theo lời các đối tượng xấu, nên tìm đến những công ty XKLĐ uy tín, tin cậy, tránh phải nhận những kết cục đau lòng.

.

Huyền Thương

.