(Congannghean.vn)-Công tác ở những miền quê, ở nhiều cấp học, ngành học, ở các cương vị công tác khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung là: Phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy, sáng tạo, yêu nghề, yêu thương học trò và cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng” người. Đồng thời, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp để nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường, cho ngành, được học trò, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng…
Cô giáo dạy ngoại ngữ giỏi, trách nhiệm và tâm huyết với nghề
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - ngôi trường nổi tiếng với bề dày thành tích trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Nổi bật với nhiều tấm gương giáo viên dạy giỏi, yêu, tâm huyết và tận tụy với nghề, trong đó có cô giáo Trần Thị Minh Nguyệt (SN 1965), Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, giáo viên dạy bộ môn Tiếng Nga của trường.
Cô Trần Thị Minh Nguyệt (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo |
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm tại Liên bang Nga, cô Nguyệt được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Lê Mao. Năm 2003, cô được chuyển về dạy và gắn bó với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đến nay. Bằng tâm huyết, tình yêu nghề, trong quá trình dạy học, cô luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, tích cực đổi mới phương pháp dạy học; những bài giảng đều được cô đầu tư công sức và nghiên cứu soạn giáo án phù hợp, sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê học tiếng Nga cho các em học sinh. Vì vậy, mỗi tiết dạy của cô luôn dễ hiểu, lôi cuốn và hấp dẫn đối với các em học sinh.
Đặc biệt, với trình độ chuyên môn vững và lòng yêu nghề, cô Nguyệt được Ban Giám hiệu nhà trường tín nhiệm giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội tuyển học sinh giỏi môn Tiếng Nga của trường dự thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. 16 năm chủ nhiệm và dạy bộ môn Tiếng Nga, cô Trần Thị Minh Nguyệt đã bồi dưỡng được rất nhiều em học sinh đạt các giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, trong vòng 3 năm (từ năm học 2014 đến năm 2019), cô đã bồi dưỡng 50 em học sinh giỏi tỉnh, 12 em học sinh giỏi quốc gia (từ giải Nhất cho đến giải Khuyến khích). Đặc biệt, trong 2 năm 2016 và 2017, cô đã bồi dưỡng được 2 em học sinh lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Olympic Quốc tế tiếng Nga tại Liên bang Nga.
Không chỉ dạy giỏi, nhiệt tình công tác, tận tụy với học sinh, cô giáo Trần Thị Minh Nguyệt còn là một giáo viên đam mê nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, cô Nguyệt thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp và tham gia nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có 2 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh vào năm 2014 và 2015; 2 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở vào năm 2015 và 2019. Các giải pháp, sáng kiến trên đều được vận dụng hiệu quả trong các bài giảng cho học sinh đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, cùng với nhà trường, cô luôn quan tâm, phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em tiếp tục cố gắng vươn lên trong học tập.
Với sự nỗ lực đó, cô Trần Thị Minh Nguyệt luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh. Trong 5 năm liên tục, được xếp loại giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có 3 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (2014 - 2015, 2017 - 2018, 2018 - 2019) và đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh (2014 - 2015). Cô cũng vinh dự được UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Nữ Hiệu trưởng gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng sâu, vùng xa
Nói về cô giáo Phạm Thị Nga (SN 1967), Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Khê, huyện Con Cuông, các đồng nghiệp đều có chung nhận xét: Người quản lý vừa có tài, vừa có đức, tận tụy, tâm huyết và hết mình với công việc. Tính đến nay, cô Nga đã có 31 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, trong đó đa số thời gian nhận nhiệm vụ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Từ một cô giáo dạy trẻ của Nông trường Bãi Phủ (năm 1988) rồi lần lượt trải qua các đơn vị công tác với các chức vụ Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng các trường mầm non ở vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông như: Trường Mầm non Mường Quạ, Trường Mầm non Lục Dạ, Trường Mầm non Môn Sơn 2…, đầu năm học 2019 - 2020, sau gần 20 năm lăn lộn ở các trường vùng biên giới, cô Nga được điều chuyển về Trường Mầm non Yên Khê, giữ chức vụ Hiệu trưởng.
Cô Phạm Thị Nga vinh dự trở thành 1 trong 24 giáo viên trong toàn tỉnh được nhận Giấy khen tại Lễ nhận thưởng Quỹ “Phát triển tài năng giáo dục” lần thứ 16 vừa qua |
Luôn tâm niệm trường là ngôi nhà thứ hai gắn bó của mình, nên mặc dù làm công tác quản lý giáo dục ở địa bàn khó khăn, song với tinh thần trách nhiệm, năng lực, cô Nga luôn quan tâm sâu sát các điểm trường, dõi theo từng lớp học, luôn suy nghĩ, trăn trở để tìm cách đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của trẻ; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và trong chăm sóc, giáo dục trẻ để đưa chất lượng thực chất ngày càng đi lên. Đặc biệt, cô luôn nhắc nhở các giáo viên trong trường rằng, việc chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu.
Với cô Nga, quãng thời gian nhiều kỷ niệm nhất vẫn là những năm tháng gắn bó với Trường Mầm non Môn Sơn 2, một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện Con Cuông với 2 điểm trường lẻ Khe Búng và Cò Phạt ở đầu nguồn khe Khặng, cách xa điểm trường chính hơn 20 km. Đây là 2 điểm trường mà 100% (mỗi năm có hơn 70 trẻ) là con em đồng bào Đan Lai, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đường sá đi lại rất khó khăn. “Bình thường muốn đến được 2 điểm trường này phải di chuyển bằng xuồng, mất khoảng 2 giờ mới đến nơi; còn mùa nước cạn thì chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy, đường đi rất dốc, phải rất trầy trật, vất vả thì mới đến nơi. Những khi mưa bão, lũ lụt, núi sạt lở, chắn ngang lối đi, chúng tôi phải cuốc bộ vào điểm trường lẻ”, cô Nga chia sẻ.
Cuộc sống của đồng bào Đan Lai còn nghèo, bà con chưa có điều kiện quan tâm việc học hành của con cái, trên cương vị Hiệu trưởng nhà trường, cô đã cùng các giáo viên trong trường chia nhau về các gia đình Đan Lai để vận động phụ huynh cho con em tới trường (nay hầu như 100% các em đều đã đến trường). Hàng năm, bên cạnh vận động giáo viên trong trường trích tiền lương để mua quần áo, quà bánh cho các cháu thì cô Nga còn tham mưu Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương trong việc quan tâm hơn tới các cháu mầm non khi kêu gọi các chương trình quyên góp, từ thiện…
Bên cạnh công tác quản lý, cô Phạm Thị Nga còn sở hữu nhiều sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có sáng kiến kinh nghiệm bậc 3 và 2 đề tài sáng kiến kinh nghiệm bậc 4. Các sáng kiến kinh nghiệm của cô chủ yếu hướng tới vấn đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm; nâng cao thể trạng và khả năng sáng tạo cho trẻ vùng khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của cô Phạm Thị Nga, trước đây, Trường Mầm non Môn Sơn 2 luôn là tập thể lao động xuất sắc, 5 năm liên tục nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh…