(Congannghean.vn)-Để khắc phục hạn chế, yếu kém trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, GD&ĐT của cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng đã thực sự có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhờ làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, các em học sinh đã chủ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình |
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chế tài xử lý các vi phạm trong giáo dục còn yếu, không đủ sức răn đe; việc thực hiện kết luận thanh tra còn chậm, không triệt để; chưa chú trọng việc theo dõi, xử lý sau thanh tra; chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhất là việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính giáo dục.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, một trong những nhiệm vụ đang được Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện là hoàn thiện 2 dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trình Quốc hội xem xét thông qua; đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cho quá trình triển khai Nghị quyết.
Tại Nghệ An, trong 5 năm qua, thực hiện nghiêm túc, quán triệt các nội dung trong Nghị quyết 29, ngành GD&ĐT Nghệ An đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT. Đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đổi mới căn bản công tác quản lý GD&ĐT chú trọng quản lý chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động tham gia đóng góp của toàn xã hội... Nghệ An là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai chương trình Sữa học đường.
Sau 5 năm, tỉnh cũng đã công nhận thêm 228 trường đạt chuẩn quốc gia (nâng số trường chuẩn từ 52,95% năm 2013 lên 68,66% năm 2018); 866 trường được kiểm định đánh giá chất lượng phổ cập giáo dục đạt thành tích đột phá; chất lượng giáo dục phổ thông được khẳng định vững chắc; kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế liên tục xếp thứ 3 tốp đầu cả nước...
Đối với giáo dục phổ thông, trong thời gian qua, theo tinh thần Nghị quyết 29, với sự thay đổi về phương pháp giảng dạy, mô hình trường học, đội ngũ giáo viên… đã góp phần rèn luyện tư duy, kỹ năng cho học sinh và phát triển được phẩm chất, năng lực của học sinh, định hướng nghề nghiệp… Trong quá trình thực hiện đổi mới, quan điểm về lựa chọn nghề đã bước đầu thay đổi. Nếu như trước đây, 90% học sinh Nghệ An tốt nghiệp THPT sẽ vào đại học, cao đẳng nhưng đến nay, tỉ lệ này là 60% - 40% (60% vào đại học và 40% đi học nghề). Nhờ công tác định hướng nghề nghiệp tốt, các em học sinh đã chủ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực của mình, có việc làm và thu nhập ổn định.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngày 25/10 vừa qua, bên cạnh những ghi nhận, đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên; sắp xếp quy mô trường lớp; tỉ lệ huy động nhà trẻ chưa đạt mục tiêu; hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội hóa giáo dục vào đầu tư bổ sung cơ sở vật chất các nhà trường chưa cao, còn có biểu hiện manh mún, nhỏ lẻ và lãng phí; công tác quản lý thu chi còn nhiều tồn tại.
Trong những năm tới, nhằm phát triển, nâng cao hơn nữa sphẩm chất và năng lực người học, đồng chí Lê Minh Thông yêu cầu toàn ngành Giáo dục cần phải thực hiện 4 nhiệm vụ đột phá: Thứ nhất, triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đảm bảo khoa học, phù hợp với địa phương và hiệu quả đối với người học. Thứ hai, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực người học. Thứ ba, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý trường học. Và cuối cùng, cam kết chất lượng GD&ĐT của từng cấp học, bậc học và cơ sở giáo dục theo chuẩn phát triển phẩm chất, năng lực người học.
“Đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Với một nghị quyết lớn như Nghị quyết 29-NQ/TW, để đi vào cuộc sống và nhìn thấy được kết quả rõ ràng thông thường cần phải 10 năm. Nhìn nhận về đổi mới giáo dục cần thấu đáo, toàn diện và không thể sốt ruột. Có nhiều việc cần phải giải quyết ngay trước mắt, nhưng nhiều việc phải lâu dài. Nhiều việc đã làm nhưng chưa thể hiện được kết quả”, đó là một trong những nội dung nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội thảo khoa học với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT: Thành tựu và thách thức”. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của ngành Giáo dục cùng sự chung tay của toàn xã hội, sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 29 thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai Nghị quyết 29 trong giai đoạn tiếp theo với những giải pháp hiệu quả cao hơn, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
.