(Congannghean.vn)-Trải qua hơn 5 thập kỷ, vượt qua khó khăn, đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong đã nỗ lực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của địa phương.
Trao chứng nhận đền Chín Gian là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Khởi sắc nơi miền Tây Bắc
Cách đây 55 năm, trong bối cảnh đế quốc Mỹ đang tìm mọi cách mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô cả nước, nhận thức được vị trí chiến lược và tầm quan trọng của địa bàn miền Tây Nghệ An, trong đó có vùng đất Phủ Quỳ với việc xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19/4/1963, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52-CP về việc chia lại địa giới các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu thành 7 huyện, trong đó Quỳ Châu được chia thành 3 huyện mới: Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.
Khi mới thành lập, huyện Quế Phong có 6 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Châu Hùng, Châu Long, Châu Thôn, Châu Kim, Cắm Muộn và Thông Thụ. Nơi đây là vùng đất biên cương, núi cao, cách xa trung tâm huyện Quỳ Châu cũ. Những ngày đầu mới thành lập, huyện chưa có cơ sở hạ tầng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị; đồng bào các dân tộc vô cùng khó khăn trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, tình trạng mù chữ; các loại dịch bệnh, nhất là sốt rét thường xuyên đe dọa sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Dải đất biên cương cũng là địa bàn hoạt động của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân 2 nước Việt - Lào trên tuyến biên giới.
Nhận thức sâu sắc cơ hội phát triển và khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện nhà đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng cơ ngơi mới; qua đó, đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, không chỉ để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử phát triển của huyện mà còn dành được sự tin yêu, kỳ vọng của các huyện trong tỉnh và nhân dân cả nước. Vinh dự cho đồng bào các dân tộc huyện nhà, vào ngày 12/4/1966, Bác Hồ gửi thư khen ngợi đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong đã hoàn thành trước thời hạn 1 năm kế hoạch 5 năm của Chính phủ về công tác bổ túc văn hóa và xóa nạn mù chữ cho toàn dân.
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân Quế Phong đã nhanh chóng cùng nhân dân trong tỉnh khắc phục khó khăn, tạo nên những thành quả quan trọng trong sự phát triển của huyện nhà. Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, bộ mặt Quế Phong đã thực sự thay da đổi thịt, tốc độ phát triển kinh tế luôn duy trì ở mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật ngày càng được nhân rộng, hệ thống chính trị đoàn kết, quốc phòng - an ninh được giữ vững, nhiều tiềm năng, lợi thế ngày càng được phát huy hiệu quả.
Nổi bật như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đúng hướng, khai thác 3 thế mạnh là sản xuất lúa nước để ổn định an ninh lương thực; đẩy mạnh phát huy lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc và các vật nuôi đặc sản của địa phương; khai thác sử dụng quỹ đất trồng rừng theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là phát triển cây dược liệu gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, với các mô hình có hiệu quả đã được khẳng định như: Mô hình phân nén dúi sâu, sản xuất lúa chất lượng cao Japonica, cây chanh leo, cây mía, chè hoa vàng, các loại cây dược liệu... Nhờ biết nắm bắt và triển khai các cơ chế chính sách của tỉnh và Trung ương, huyện đã đẩy mạnh khuyến khích kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển.
Phối hợp triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung ương và tỉnh. Đến nay, huyện đã có đường nhựa đến 14/14 xã, thị trấn; 14/14 xã, thị trấn được sử dụng điện lưới Quốc gia và phủ sóng điện thoại di động; các dự án nhà máy thủy điện đã hoàn thành đi vào hoạt động, không những góp phần đảm bảo điện năng mà còn giúp phát triển năng lượng điện cho các tỉnh và nước bạn Lào.
Các lĩnh vực giáo dục - y tế - văn hóa có nhiều tiến bộ, gắn với việc tích cực triển khai thực hiện hiệu quả đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng với nhiều tiềm năng mới được khai thác như: Làng Thái cổ và quần thể du lịch thác 7 tầng, quần thể cây phây sừng được công nhận là cây di sản...
Công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững; các hoạt động đảm bảo an ninh biên giới, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết gắn bó Việt - Lào tiếp tục được củng cố, gìn giữ và phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện có nhiều tiến bộ. Đảng bộ huyện được Tỉnh ủy Nghệ An công nhận đạt danh hiệu vững mạnh vào các năm 2011 và 2013. Năm 2013, huyện Quế Phong được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn giá trị văn hóa
Huyện Quế Phong - nơi không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà con người nơi đây rất cần cù, sáng tạo trong lao động, chân thành và mến khách. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quế Phong vẫn là mảnh đất giàu tiềm năng, với khát vọng vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Ngược dòng lịch sử, trên vùng đất Châu Kim xưa, đền Chín Gian đã tồn tại trong suốt 700 năm qua từ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Đền có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, là ngọn lửa thiêng quy tụ tình cảm, tâm thức của đồng bào Thái vùng tây bắc Nghệ An nói chung, nhân dân huyện Quế Phong nói riêng. Năm 2004, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện Quế Phong khóa XVIII và thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc huyện nhà, đền Chín Gian đã được khôi phục. Với tấm lòng của các nhà hảo tâm, con em Quế Phong trên mọi miền Tổ quốc, cán bộ và nhân dân huyện nhà cùng các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đã đóng góp xây dựng ngôi đền được khang trang như ngày hôm nay.
Năm 2005, UBND tỉnh cho phép huyện Quế Phong tổ chức lễ hội với quy mô cấp huyện. Đến năm 2009, đền Chín Gian được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, trải qua 13 kỳ lễ hội, lễ hội đền Chín Gian ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương từ mọi miền đất nước về dâng hương và trẩy hội. Lễ hội đền Chín Gian hàng năm được tổ chức gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt đó, ngày 13/6/2016, lễ hội đền Chín Gian đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đền được kiến trúc theo kiểu nhà sàn - một nét đặc trưng của đồng bào Thái, chia làm 9 gian tương ứng với nơi thờ tự của 9 mường. Đây là nơi thờ Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời), Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản, lập mường) và các vị thần linh.
Về với đền Chín Gian, chúng ta thành kính thắp nén hương tri ân tưởng nhớ công đức của cha ông đã dày công xây bản lập mường, cầu xin tổ tiên linh thiêng phù hộ độ trị cho mưa thuận, gió hòa, con cháu luôn được an lành, hạnh phúc; thắp nén tâm hương kính dâng lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Du khách sẽ được hòa mình trong tiếng cồng chiêng, khắc luống; những điệu nhuôn, xuối, lăm, khắp và các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong. Hướng về cội nguồn, chúng ta nâng niu, trân trọng 1 di tích lịch sử văn hóa với những thành quả tốt đẹp, góp phần giáo dục truyền thống quê hương đất nước, ý thức bảo vệ di sản văn hoá của dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá trong cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ.