Ban Phát triển chương trình mới vừa có kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ngay trong năm học 2018-2019 đối với lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Năm 2018, chỉ triển khai đại trà chương trình mới đối với lớp 1
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Ban phát triển chương trình GDPT mới, trong quá trình lấy ý kiến xã hội về dự thảo chương trình GDPT mới, đã có nhiều ý kiến lo lắng về khả năng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai chương trình mới từ đầu năm học 2018-2019. Đây là những lo lắng rất có cơ sở bởi thời gian chuẩn bị cho sự thay đổi là tương đối ngắn, sẽ khó đạt kết quả tốt.
Năm 2018, mới chỉ áp dụng đại trà chương trình mới đối với lớp 1, còn các lớp đầu cấp khác sẽ lùi lại để có đủ thời gian chuẩn bị. |
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, Ban Phát triển chương trình GDPT mới đã có kiến nghị Bộ GD&ĐT triển khai chương trình mới theo từng bước, cụ thể như sau: Trong năm học 2018-2019, cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10...
Đến năm học 2022-2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. Như vậy, các địa phương sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Liên quan đến lý do đề xuất triển khai đại trà chương trình mới đối với lớp 1, Ban phát triển chương trình cho biết: Trên thực tế, chương trình lớp 1 mới sẽ không có những thay đổi lớn so với chương trình hiện hành. Tất nhiên, với lớp 1 hiện nay thì có một tồn tại là vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện được dạy học 2 buổi/ngày.
Do đó, dự thảo cũng có quy định là năm đầu tiên các địa phương phải tạo điều kiện để tất cả lớp 1 được học 2 buổi/ngày, những năm sau sẽ khắc phục dần để đến khi triển khai đến lớp 5 thì tất cả học sinh tiểu học đều được học 2 buổi/ngày.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu giảm số môn và thời lượng các môn học
Cũng theo Ban phát triển chương trình GDPT mới, việc trong những ngày qua, có những ý kiến cho rằng, số lượng và thời lượng các môn học trong chương trình mới không giảm so với chương trình hiện hành là không chính xác.
Dẫn chứng cho điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: Về số lượng môn học ở lớp 1 và lớp 2 trong chương trình mới là 8 môn, trong khi đó chương trình hiện hành là 10 môn. Tương tự, ở lớp 3, chương trình mới là 9 môn, giảm 1 môn so với 10 môn của chương trình hiện hành. Ở lớp 6, lớp 7 và lớp 8, lớp 9, số môn học ở chương trình mới cũng giảm 5 môn, so với 16 môn của chương trình hiện hành. Duy nhất lớp 4 và lớp 5, số lượng môn học vẫn giữ nguyên 11 môn, giống như chương trình hiện hành.
Thay đổi lớn nhất tập trung vào cấp THPT, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, theo chương trình mới, lớp 10 có 13 môn học và 2 hoạt động giáo dục; lớp 11 và lớp 12 có 9 môn học và hoạt động giáo dục. Trong khi đó, chương trình hiện hành có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục ở tất cả các lớp.
Trong các môn học và hoạt động giáo dục, môn Giáo dục thể chất được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh chủ yếu là thực hành, luyện tập. Thực chất, chỉ có 6 môn có lý thuyết và thực hành là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn định hướng nghề nghiệp tự chọn.
Về thời lượng các môn học, Ban phát triển chương trình cho biết: Theo số liệu của tổ chức giáo dục quốc tế OECD, trong độ tuổi từ 7 đến 15, tương đương từ lớp 1 đến lớp 9, trung bình mỗi học sinh học 7.390 giờ. Còn theo dự thảo chương trình tổng thể của Việt Nam, từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi học sinh học nhiều nhất 6.957 giờ, kể cả thời gian tự học dành cho học sinh tiểu học và thời gian học các môn tự chọn. Điều này cho thấy, chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành và thậm chí, còn thấp hơn chương trình của các nước.
“Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến phê bình, Ban Phát triển chương trình dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định Quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Điều này cũng nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình mới. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần” - GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.