Nếu bạn trẻ nhất quyết phải vào đời bằng mảnh bằng đại học, tất nhiên đại học gì cũng được thì tôi tin, nguyện vọng đó của bạn chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Bạn học giỏi các môn học, đương nhiên bạn có quyền thi vào các trường tốp đầu.
Bạn học khá, bạn sẽ lựa chọn vào các trường tốp giữa hoặc cuối. Còn nếu sức học trung bình, khi cánh cửa các trường công lập khép lại, sẽ có rất nhiều cánh cửa các trường ngoài công lập rộng mở đón bạn.
Hình minh họa: Lê Tâm |
Theo cách nói bây giờ, nhiều người cho rằng chúng ta đang "phổ cập đại học", như thể trong hồ sơ xin việc nếu không có tấm bằng đại học thì đó là một người kém cỏi. Nhiều bạn không hề yêu thích chuyên ngành mình được học mà đơn giản chỉ là học cho bằng bạn bằng bè, học vì sĩ diện của gia đình và bản thân. Nên nhớ rằng, để đáp ứng với một công việc nào đó, bằng cấp chỉ là một điều kiện nhỏ, bởi nhà tuyển dụng cần ở bạn nhiều kỹ năng khác mà những kỹ năng này phần nhiều do bạn tự tích lũy.
Trở lại vấn đề các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL). Tính đến thời điểm này, cả nước có 235 trường đại học (chưa tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh), trong đó có 60 trường ĐHNCL, chiếm 25,5%. Một con số không hề nhỏ. Nó cho thấy, các trường ĐHNCL đã và đang có vị trí nhất định trong đời sống xã hội và được nhiều người quan tâm, nhất là vào mùa thi cử.
Vậy các trường ĐHNCL có những ưu điểm nổi bật gì?
Trước hết, cơ sở vật chất trường ĐHNCL thường khang trang và hiện đại hơn so với công lập. Một phần vì vốn do dân nên trường hoàn toàn có quyền quyết định đối với việc thay mới, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng bổ sung các tòa nhà mới phục vụ học tập.
Thứ hai, nhằm mục đích thu hút được nhiều sinh viên, có thể tăng sức cạnh tranh với các trường công lập, các trường ĐHNCL ngoài trang thiết bị hiện đại, còn nỗ lực để thay đổi chương trình học theo hướng thực tế hơn, phù hợp với nhu cầu xin việc sau này.
Thứ ba, trường công lập thi tuyển rất gắt gao thông qua kỳ thi quốc gia. Trường ĐHNCL thì có thể thông qua xét tuyển học bạ và điểm thi THPT để tiếp nhận thí sinh đầu vào. Đây cũng là điểm khác nhau cơ bản giữa trường công và trường tư.
Tất nhiên, các trường ĐHNCL cũng có những hạn chế nhất định mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Đó là học phí cao và cơ hội xin việc làm khó khăn hơn. Thường thường, sinh viên các trường ĐHNCL phải đóng học phí một năm gấp nhiều lần so với các trường công lập và theo quan niệm của nhiều nhà tuyển dụng, chất lượng đào tạo ngoài công lập chưa tốt nên sinh viên ra trường còn nhiều lỗ hổng về kiến thức.
Tôi nêu vấn đề trên không hề có ý so sánh, đề cao công lập hay ngoài công lập, bởi điều chúng ta cần nhất vẫn là chất lượng đào tạo. Song, rõ ràng tại thời điểm này, hệ thống các trường đại học là quá "dày đặc" và đau xót hơn, không ít trường không có đủ chỉ tiêu cho mỗi mùa tuyển sinh. Vậy những trường còn nhiều hạn chế như thế có nhất thiết tồn tại không?
Vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học phải tham gia kiểm định, những trường nào xét thấy không trụ nổi thì nên "khai tử" một cách tự nhiên, không kéo dài thời kỳ "chết" lâm sàng. Do đó, để xã hội thừa nhận chất lượng thì tất cả các trường từ trường công lập đến trường ngoài công lập đều phải được đánh giá, kiểm định bằng một thước đo chung. Đây là một việc làm cần thiết, nhìn thẳng vào thực tế để từ đó, các trường có những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu thế chung.
Năm 2017 sẽ được coi là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GD-ĐT thành lập 4 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, kiểm định theo bộ tiêu chuẩn chung, kết thúc việc thẩm định vào tháng 6-2018 và sẽ có những đánh giá khách quan, chính xác.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, tuy vẫn còn một số quan điểm chưa nhất trí với việc áp dụng bộ tiêu chuẩn mới, nhưng có thể xem đây là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Nếu cầu toàn, đòi hỏi bộ tiêu chuẩn và quy trình phù hợp hơn nữa, thì chúng ta sẽ mất nhiều thời gian trong khi yêu cầu cấp bách là cần củng cố ngay chất lượng đào tạo của ngành.