Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201704/linh-dac-cong-thanh-hue-thap-lua-ky-uc-qua-nhung-hien-vat-chien-tranh-735198/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201704/linh-dac-cong-thanh-hue-thap-lua-ky-uc-qua-nhung-hien-vat-chien-tranh-735198/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lính đặc công thành Huế 'thắp lửa' ký ức qua những hiện vật chiến tranh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 30/04/2017, 09:00 [GMT+7]

Lính đặc công thành Huế 'thắp lửa' ký ức qua những hiện vật chiến tranh

(Congannghean.vn)-Những ngày cuối tháng 4, Bảo tàng Quân khu 4 đón những vị khách đặc biệt - những cựu chiến binh với ngực lấp lánh huân, huy chương. Họ là những người lính đặc công đã từng có những năm tháng chiến đấu vô cùng khốc liệt với những lần đột nhập, luồn sâu đánh hiểm trong lòng địch, giúp quân đội ta làm nên nhiều trận đánh lừng lẫy khiến kẻ địch phải khiếp sợ. Hôm nay, họ đến Bảo tàng Quân khu 4 để làm một nhiệm vụ  vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng, đó là trao tặng hiện vật chiến tranh - những chiến lợi phẩm mà họ thu được của quân đội Mỹ trong các trận chiến.

Hội Cựu chiến binh đặc công trao tặng hiện vật chiến tranh cho Đại tá Nguyễn Công Thành, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4
Hội Cựu chiến binh đặc công trao tặng hiện vật chiến tranh cho Đại tá Nguyễn Công Thành, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4

Trao tặng hiện vật chiến tranh

Dẫn đầu đoàn cựu chiến binh là ông Ngô Văn Hoằng, cựu lính đặc công C3 Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) cùng 5 đồng đội hiện đang sinh sống ở TP Vinh. Sự lạc quan, hào sảng của họ xua tan đi cái nắng nóng oi ả của chảo lửa thành Vinh những ngày đầu hạ. Ký ức về những trận đánh của tiểu đoàn đặc công cách đây hơn 40 năm được tái hiện qua lời kể của những người cựu binh như vừa mới ngày hôm qua.

Cựu chiến binh Ngô Văn Hoằng cho chúng tôi xem chiếc thắt lưng ông thu được tại mặt trận B5 và kể rằng chiếc thắt lưng này đã được ông sử dụng để gài súng, lựu đạn trong những trận chiến về sau. Do được lưu giữ, bảo quản cẩn thận nên ngoại trừ việc bị phai màu theo thời gian thì chiếc thắt lưng vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài chiếc thắt lưng còn có thùng đạn 105 ly, cây nhiệt đới (thiết bị gián điệp Mỹ), quả đạn M79, bộ điểm hỏa mìn định hướng Cơ-lây-mo và một số bài báo, tài liệu viết về trận đánh cuối cùng vùng ven đô Hương Thủy ngày 19/3/1975, góp phần xứng đáng vào đại thắng mùa xuân năm 1975.

Những hiện vật này hầu hết đều là các thiết bị chiến tranh thuộc loại hiện đại, tối tân của Mỹ lúc bấy giờ. Nhiều chiến lợi phẩm thu được của Mỹ được các đặc công Việt Nam sử dụng để đánh lại kẻ thù. Những hiện vật này được ông Hoằng cùng ông Lê Hữu Tòng, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy, chỉ huy chiến dịch Trị - Thiên ngày 19/3/1975 và ông Hoàng Văn Bé tìm được và lưu giữ cẩn thận, trưng bày tại nhà ông Bé ở TP Huế. Được biết, căn nhà của ông Bé như một kho tàng lưu giữ những hiện vật chiến tranh và kỷ vật từ chiến trường năm xưa họ từng vào sinh gia tử.

Hội Cựu chiến binh đặc công TP Vinh thành lập từ năm 1997. Tròn 20 năm, nơi đây trở thành mái nhà chung của những người lính đặc công quả cảm, oai hùng năm xưa, là cầu nối gắn kết nghĩa tình đồng đội và tổ chức các hoạt động tình nghĩa. Những năm qua, Ban liên lạc đã thường xuyên duy trì các hoạt động thăm, tặng quà các gia đình liệt sỹ, các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, qua đời…; tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ về đất mẹ. Chiến tranh đã lùi xa nhưng họ vẫn sáng ngời phẩm chất người lính đặc công anh hùng.

Ông Ngô Văn Hoằng chia sẻ: “Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Bảo tàng Quân khu 4 hiện đang trưng bày hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng tôi quyết định hiến tặng các hiện vật này với mong muốn Bảo tàng Quân khu 4 lưu giữ, bảo quản và trưng bày để phục vụ công tác giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, giúp các cháu hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử khốc liệt nhưng hết sức hào hùng của dân tộc. Đó không đơn thuần là vũ khí, khí tài chiến tranh mà còn là chiến công, sự mưu trí, quả cảm của những người lính đặc công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Tiếp nhận những hiện vật quý giá gắn với cuộc đời binh nghiệp của những người lính đặc công, Đại tá Nguyễn Công Thành, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 trân trọng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của các cựu chiến binh và cho rằng, hành động này sẽ tạo sự lan tỏa trong các thế hệ cựu chiến binh khác, để họ tiếp tục trao tặng cho Bảo tàng những hiện vật quý, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Sống sót giữa vòng vây quân thù

Cho đến bây giờ, cựu đặc công Ngô Văn Hoằng vẫn nhớ như in những ngày tháng 3 lịch sử mùa Xuân 1975 ở vùng ven đô Hương Thủy. 42 năm đã trôi qua nhưng những vết thương trên da thịt người thương binh vẫn còn nhức buốt mỗi khi trái gió trở trời. Chiến tranh đã khiến ông từ 1 thanh niên trai tráng thành 1 thương binh 3/4 với tỉ lệ thương tật 45%, một mắt của ông bị hỏng không thể nhìn thấy. Thế nhưng, ông vẫn lấy đó làm may mắn bởi tiểu đội có 9 người thì duy nhất mình ông sống sót, còn những người khác đã hy sinh trong trận chiến ngày 18/3/1975. Nghĩ đến đó thôi, vết thương trong ngực ông lại đau nhức nhối.

Trung úy đặc công Ngô Văn Hoằng trao đổi với phóng viên về trận đánh cuối cùng trong đời binh nghiệp của mình
Trung úy đặc công Ngô Văn Hoằng trao đổi với phóng viên về trận đánh cuối cùng trong đời binh nghiệp của mình

Sau Tết Ất Mão, quân và dân ta chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975. Bấy giờ ở Hương Thủy địch có các căn cứ quân sự lớn và hệ thống phòng thủ các cao điểm, hệ thống đồn bốt dày đặc theo tuyến Quốc lộ 1A. Pháo binh ngày đêm bắn phá, lùng sục, phục kích gài mìn càn quét. Ngoài các đại đội bộ binh, hành lang, lực lượng vũ trang của huyện có đại đội 3 đặc công. Cũng phải nói qua về nhiệm vụ của lính đặc công - những người được huấn luyện cách đánh đặc biệt, đó là “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”.

Theo lời của đặc công Hoằng thì khi vào trận, lính đặc công không được phép mặc quần áo dài mà chỉ mặc duy nhất chiếc quần xà lỏn, tùy từng tình huống để ngụy trang địch, khi thì ở dưới ruộng, khi trong rừng sâu, lúc dưới nước để tiến sát vào trung tâm của địch nghiên cứu, nghe nhìn từng mục tiêu, chọn đúng trọng điểm của địch để tiêu diệt. Dù đánh độc lập hay hiệp đồng cùng bộ binh, pháo binh, xe tăng đều khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

Cựu chiến binh Ngô Văn Hoằng kể: “Sáng 18/3, mũi đặc công C3 do tôi làm Tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ đánh tiểu đoàn dù. Lúc này, tôi và đồng chí Lộc, Tiểu đội phó bí mật tiếp cận khu vực ruộng nước, 7 đồng chí còn lại ẩn nấp ở ruộng cạn. 9 giờ sáng, 4 trực thăng của địch đổ quân xuống xả súng làm 7 lính đặc công hy sinh. Trước tình thế đó, 2 chúng tôi quyết định chôn hết tài liệu xuống ruộng, chỉ mang theo 1 khẩu súng AK 30 viên đạn, 1 quả lưu đạn rồi băng qua các cánh đồng nhằm thoát khỏi vòng vây của địch. Khi chạy sang cánh đồng thứ 3 thì đồng chí Lộc bị bắt. Mình tôi chạy trốn khắp cánh đồng từ 10 giờ trưa đến gần 5 giờ chiều. Biết quân địch không thạo ruộng nước nên tôi cứ chạy vào những chỗ nước cho đến khi trời nhá nhem tối, không còn sức để chạy nữa, tôi nằm xuống nước ngâm mình dưới đó, tay cầm chắc khẩu súng AK. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ không thoát được nên cầm chặt khẩu súng vẫn còn nguyên 30 viên đạn, nghĩ bụng mình mà chết thì ít nhất 25 tên địch cũng phải bị bắn hạ. Tôi nằm im nín thở nghe bước chân của kẻ thù mỗi lúc một gần hơn. Đột nhiên khi gần đến phía tôi, bất ngờ quân địch rẽ làm hai hướng chia nhau đi tìm mà không hề hay biết tôi đang nằm gần ngay dưới chân chúng. Tôi may mắn sống sót”.

Kể đến đó, một con mắt lành lặn của người cựu binh già bỗng đỏ hoe. “Chờ bóng quân thù đi xa, tôi quay trở lại nơi những người đồng đội hy sinh và chôn cất họ. Những cánh đồng bị cày xới bởi bom đạn và máu những người lính đặc công nhuộm đỏ. 9 anh em trong đó có người là đồng hương cùng dấn thân vào một trận đánh nhưng chỉ một mình tôi - Tiểu đội trưởng sống sót. Cho đến tận bây giờ, trong những giấc ngủ, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng đạn xé tai của kẻ thù và tiếng đồng đội thét vang trong trận chiến cuối cùng. Tất cả hy sinh khi tuổi thanh xuân còn phơi phới...”.

Từ ngày 24 - 25/3/1975, quân ta đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền và giành thắng lợi hoàn toàn. Hương Thủy được giải phóng sau hơn 20 năm chống Mỹ - ngụy. Với thắng lợi này, quân giải phóng đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, mở toang cánh cửa để tiếp tục phát triển cuộc tiến công về phía Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

.

Huyền Thương

.