(Congannghean.vn)-Trước giờ vào học hay sau giờ tan trường, tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT diễn ra rất phổ biến, với các lỗi chủ yếu như: Điều khiển xe đạp, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm (MBH), vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, dàn hàng ba, hàng tư... Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và đề ra các giải pháp nhưng tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT vẫn ở mức cao.
Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, 10 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 210 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 144 người, bị thương 165 người. So với năm 2015, tình hình TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) vi phạm lại có dấu hiệu gia tăng.
Công an TP Vinh tổ chức cho học sinh Trường THPT Hà Huy Tập ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ |
Theo thống kê của Công an TP Vinh, 10 tháng đầu năm 2016 có 781 trường hợp HSSV vi phạm. Trong đó có 132 trường hợp điều khiển xe môtô không đội MBH, không có giấy phép lái xe; 70 trường hợp điều khiển xe máy điện không đội MBH, không có chứng nhận đăng ký xe; 300 trường hợp điều khiển xe đạp điện không đội MBH, chở người ngồi trên xe không đội MBH; 369 trường hợp ngồi sau xe môtô, xe máy, xe đạp điện không đội MBH. Tính đến ngày 15/11, Công an TP Vinh đã lập biên bản xử lý 851 trường hợp học sinh; phạt cảnh cáo 1.360 trường hợp; nhắc nhở 554 trường hợp.
Thực tế cho thấy, tình trạng HSSV vi phạm trật tự ATGT không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân các em mà còn ảnh hưởng, cản trở đến người tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Các vụ TNGT xảy ra ở đối tượng HSSV rất thương tâm bởi các em còn rất trẻ. Thế nhưng, chỉ vì thói quen và thiếu ý thức khi tham gia giao thông và thiếu kiến thức pháp luật nên các em vẫn thờ ơ, thậm chí là cố tình vi phạm.
Để nâng cao ý thức cho HSSV, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biển, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ với nhiều hình thức như tổ chức tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa, các hoạt động ngoại khóa, ký cam kết. Những buổi tuyên truyền mang tính đổi mới để thu hút sự chú ý, tham gia của các em học sinh.
Có thể kể đến các hoạt động tập huấn kỹ năng lái xe an toàn cho HSSV vừa được Bộ GD&ĐT phối hợp với Honda Việt Nam tổ chức; các chương trình giao lưu văn nghệ với những tiểu phẩm sân khấu hóa; cuộc thi “Thanh niên với văn hóa giao thông” trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An sau 4 tuần phát động đã có hàng trăm nghìn lượt người tham gia, trong đó chủ yếu là học sinh ở các trường THPT trên toàn tỉnh…
Thời gian qua, Tỉnh đoàn Nghệ An đã triển khai Đề án Đoàn thanh niên tham gia giữ gìn trật tự ATGT với nhiều mô hình như: “Cổng trường an toàn”, “Đoạn đường thanh niên tự quản”; các đội hình thanh niên, sinh viên thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT…
Công an Nghệ An là một trong những đơn vị tích cực triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho HSSV. Đây cũng là một nội dung được Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đưa vào nội dung chương trình công tác và chú trọng thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, Đoàn Thanh niên đã tổ chức 27 buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, Chi đoàn Phòng CSGT đường bộ, đường sắt và Chi đoàn Công an TP Vinh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biển pháp luật và hướng dẫn đăng ký xe máy điện cho học sinh tại 12/12 trường THPT trên địa bàn thành phố. Công an TP Vinh đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 7.580 học sinh ở tất cả các trường học.
Bên cạnh các hình thức tuyên truyền thì việc đưa nội dung về ATGT vào giảng dạy chính thức cũng là giải pháp tích cực không chỉ giúp học sinh được tiếp xúc với các kiến thức bổ ích mà còn góp phần nâng cao nhận thức, tiến tới xây dựng môi trường học đường ngày càng thân thiện, an toàn.
Để giảm thiểu, ngăn ngừa tình trạng vi phạm ở học sinh thì vai trò của gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Cũng cần phải nói thêm rằng, học sinh liên tục tái diễn hành vi vi phạm là do chưa có hình thức xử phạt nghiêm minh. Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra các hình thức xử lý học sinh vi phạm trật tự ATGT như hạ hạnh kiểm, buộc thôi học có thời hạn… Tuy nhiên, văn bản này đã gây phản ứng, tranh cãi của dư luận. Dù vậy, việc siết chặt kỷ luật, đặc biệt là trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông là điều cần thiết để các em bảo vệ chính mình cũng như cộng đồng.