Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201604/ky-niem-41-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-3041975-3042016-ky-uc-cua-nhung-nguoi-chi-vien-cho-an-ninh-mien-nam-674959/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201604/ky-niem-41-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-3041975-3042016-ky-uc-cua-nhung-nguoi-chi-vien-cho-an-ninh-mien-nam-674959/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ký ức của những người chi viện cho An ninh miền Nam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 30/04/2016, 09:21 [GMT+7]
KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975 - 30/4/2016)

Ký ức của những người chi viện cho An ninh miền Nam

(Congannghean.vn)-Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhằm tăng cường cho An ninh miền Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Ty Công an Nghệ An đã 3 lần chi viện cho chiến trường miền Nam 495 đồng chí và 223 đồng chí được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và Lào. Đã có 63 CBCS Công an Nghệ An anh dũng hy sinh, trong đó 50 đồng chí hy sinh vì sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cứ vào dịp 30/4 hàng năm, những người đã cống hiến một phần xương máu trên chiến trường miền Nam lại bâng khuâng khi hồi tưởng về những năm tháng vào sinh ra tử, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Đại tá Hồ Văn Hiến
Đại tá Hồ Văn Hiến

Đến khối 8, phường Hồng Sơn, TP Vinh, hỏi nhà Đại tá Trần Xuân Châu, cán bộ Công an hưu trí, hầu hết người dân ở đây đều biết. Thế nhưng, ít ai biết rằng, Đại tá Trần Xuân Châu đã một thời tham gia chiến đấu trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, chảo lửa miền Trung vào thời kỳ oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc  Mỹ. Đã 41 năm trôi qua nhưng khi trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng ác liệt nơi chiến trường, ông vẫn nhớ như in những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa. “Ngày đó tôi 23 tuổi, mang hàm Trung sỹ, mới cưới vợ được 6 tháng. Khi Bộ Công an có chủ trương tăng cường chi viện cho An ninh miền Nam, vì muốn góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tôi đã tình nguyện lên đường, dẫu biết rằng thời điểm đó, chiến tranh diễn ra khốc liệt nhất, đặc biệt là tại chiến trường Bình - Trị - Thiên”, Đại tá Trần Xuân Châu chia sẻ.

Sau 2 tháng vượt hàng trăm khe suối nơi rừng sâu núi thẳm, tháng 6/1972, ông cùng đồng đội đặt chân đến hậu cứ an ninh A Lưới của chiến trường Bình - Trị - Thiên. “Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng hậu cứ, nắm tình hình hoạt động của địch, các hoạt động của ngụy quyền và bọn phản động, đồng thời gây dựng mạng lưới bí mật hoạt động trong lòng dân. Đặc biệt, để phục vụ cho việc ký kết Hiệp định Paris năm 1972, chúng tôi được tăng cường xuống vùng đất trọc cắm cờ giải phóng, vứt bỏ cờ 3 que của địch để phân biệt đất của ta với đất của địch”, Đại tá Trần Xuân Châu nhớ lại. Sau đó, ông được phân công về vùng Phong Điền, bảo vệ vùng đất của cách mạng.

Sau khi Thừa Thiên - Huế giải phóng, ông được cấp trên tín nhiệm giao đảm nhiệm chức Phó Công an phường Phú Hiệp; một thời gian sau, ông làm Phó Công an phường Vĩnh Lộc. “Lúc này mới được giải phóng nên tình hình an ninh rất phức tạp. Chúng tôi phải tập trung xuống cơ sở làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, phân loại đối tượng, quản lý chặt các phần tử cực đoan, bảo vệ chính quyền cách mạng; đặc biệt là quản lý nghiêm ngặt các đối tượng ngụy quyền núp bóng người dân lương thiện”, Đại tá Châu cho biết. Tháng 7/1975, ông trở về công tác tại Ty Công an Nghệ An. Ông trải qua các chức danh Đội trưởng Đội Hình sự, Phó trưởng, Trưởng Công an huyện, Trưởng các phòng nghiệp vụ cho đến ngày nghỉ hưu. Dù ở lĩnh vực, vị trí công tác nào, Đại tá Trần Xuân Châu cũng luôn nêu cao trách nhiệm của người chỉ huy một thời vào sinh ra tử để đồng đội noi theo.

Lãnh đạo Ty Công an Nghệ An chụp ảnh lưu niệm với CBCS                                                                                         trước khi lên đường chi viện cho An ninh miền Nam
Lãnh đạo Ty Công an Nghệ An chụp ảnh lưu niệm với CBCS trước khi lên đường chi viện cho An ninh miền Nam

Cùng lên đường vào chiến trường Bình - Trị - Thiên với Đại tá Trần Xuân Châu thời đó có Đại tá Trần Quang Dung, cán bộ Công an hưu trí, hiện trú tại phường Đội Cung, TP Vinh. Đại tá Dung nhớ lại: “Cưới vợ được 15 ngày, tôi chia tay gia đình lên đường vào chiến trường Bình - Trị - Thiên theo chỉ đạo của Bộ Công an. Đây được ví là chảo lửa miền Trung, nhưng hầu hết CBCS được tăng cường chi viện thời đó có tuổi đời còn rất trẻ, từ 21- 23 nên khí thế, tinh thần chiến đấu rất cao”. Từ phà Danh vào đến tuyến lửa Bình - Trị- Thiên phải đi bộ hàng tháng trời trong điều kiện “đói ăn, khát uống” nhưng CBCS của Ty Công an Nghệ An được tăng cường luôn tìm cách khắc phục mọi khó khăn nên đã đặt chân đến hậu cứ an ninh Thừa Thiên - Huế trong thời gian sớm nhất.

“Tại đây, nhiệm vụ chính của tôi và đồng đội là bảo vệ, canh giữ bọn ác ôn bị bắt, nhốt trong rừng sâu và đấu tranh khai thác sơ bộ trước khi đưa ra miền Bắc. Có lần tôi điều khiển xe Gat 69 chở cán bộ xuống cơ sở nằm vùng, xây dựng mạng lưới hoạt động cách mạng bí mật nhưng trên đường quay về hậu cứ thì bị địch phát hiện. Chúng bắn đạn vào xe; rất may, lực lượng quân đội của ta kịp thời phát hiện, chống trả và tiêu diệt địch nên chúng tôi thoát khỏi sự vây ráp”, Đại tá Trần Xuân Dung hồi tưởng lại.

Sau ngày giải phóng, ông được điều về tham gia lực lượng tiếp quản TP Huế, phát động phong trào khơi dậy niềm tin của nhân dân đối với cách mạng, quân giải phóng miền Nam; đồng thời đảm nhận công tác đảm bảo giao thông, trật tự, làm thủ tục chuyển đổi từ xe của Ngụy sang xe của lực lượng giải phóng. Về Nghệ An, ông học Đại học Cảnh sát nhân dân và giữ nhiều chức vụ trong lực lượng Công an Nghệ An.

Ngoài Đại tá Trần Quang Dung và Đại tá Trần Xuân Châu, có một vị Đại tá Công an được nhiều người biết đến sau khi ông tăng cường cho An ninh miền Nam, Tây Nguyên trở về, hiện đang sống cùng con cháu tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Đó là Đại tá Hồ Văn Hiến, nguyên Phó trưởng ban Cảnh sát Công an tỉnh Nghệ Tĩnh, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra. Ông cũng là cán bộ lãnh đạo cấp phòng, ban đầu tiên của Công an tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ được phong cấp hàm Đại tá. Tháng 11/1964, Đại tá Hồ Văn Hiến là một trong những cán bộ của Ty Công an Nghệ An lên đường tăng cường cho An ninh miền Nam. Sau 4 tháng vượt Trường Sơn theo đường mòn Hồ Chí Minh, ông được đưa đến Ban An ninh khu 5 thuộc chiến khu Quảng Nam, sau đó được phân công về Ban An ninh K9 - bản doanh của Thị ủy Pleiku, sống cảnh “màn trời chiếu đất”. “Lúc này địch vây ráp rất căng, càn phá, bắt bớ dân chúng, không cho tiếp xúc với cách mạng. Dù vậy, tôi vẫn đưa ra tiêu chí: Phải dựa vào dân, xây dựng phong trào cách mạng trong dân để đánh địch”, Đại tá Hồ Văn Hiến nhớ lại.

Khi đã quen với lối sống sinh hoạt và phương thức hoạt động trong vùng kiểm soát, ông  được cử về làm công tác an ninh ở địa bàn phía Nam thị xã Pleiku gồm các ấp Lệ Cần, An Mỹ, Phú Thọ để xây dựng cơ sở tại vùng địch, nắm tình hình quân sự của địch và ngụy quyền để cung cấp thông tin cho Tiểu đoàn 408, tỉnh Gia Lai và Bộ Công an chỉ đạo tấn công chính trị; đồng thời phải bắt sống hoặc tiêu diệt những tên ác ôn ngoan cố để bảo vệ cơ sở cách mạng, tạo điều kiện cho nhân dân làm chủ từng vùng.

Đại tá Hồ Văn Hiến kể lại: “Ngày 11/10/1972, tôi và đồng chí cán bộ binh vận về cơ quan báo cáo tình hình và nhận kế hoạch mới. Khi ra đến đồi phía bắc An Mỹ, chúng tôi bị địch phục kích bắn bị thương nhưng vẫn cố gắng băng bó vết thương cho nhau rồi bò ra khỏi vùng phục kích của địch”. Tháng 6/1973, ông là thị ủy viên, phó ban An ninh Thị ủy thị xã Pleiku, được UBND cách mạng tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ tấn công chính trị, xây dựng cơ sở vùng địch tạm chiếm, xây dựng cơ sở cách mạng, tạo ấp Phú Thọ thành bàn đạp tiến vào thị xã Pleiku.

“Đến ngày 17/3/1975, sau khi địch bỏ các căn cứ quân sự để tháo chạy về Phú Bổn, nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là kêu gọi địch đầu hàng, hạ vũ khí, ra trình diện, khai báo với chính quyền cách mạng để được hưởng sự khoan hồng. Song song với đó, phối hợp với lực lượng Quân sự đối phó với thế lực thù địch lợi dụng sơ hở để phá hoại chính quyền cách mạng, trấn áp bọn lưu manh côn đồ; đồng thời làm tốt công tác giữ gìn trật tự công cộng, đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu, xây dựng, củng cố chính quyền sau ngày giải phóng”, Đại tá Hồ Văn Hiến cho biết.

Tại Hội nghị biểu dương về thành tích chống Mỹ cứu nước do Ty Công an Nghệ An tổ chức năm 1967, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về dự đã đánh giá cao hiệu quả công tác chi viện cán bộ cốt cán của Ty Công an Nghệ An cho An ninh miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng Đại tá Trần Xuân Dung, Đại tá Trần Xuân Châu và Đại tá Hồ Văn Hiến vẫn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ vững ANTT ở nơi cư trú.

.

Hữu Trọng

.