(Congannghean.vn)-Dù chưa một lần được gặp Bác nhưng những “họa sĩ nông dân” bình dị và mộc mạc ấy luôn dành tình cảm đặc biệt với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Điều đặc biệt của những họa sĩ không chuyên này là chỉ cần xem qua một thước phim tư liệu, tấm ảnh đen trắng trên mặt báo, hay liên tưởng qua những câu hát, vần thơ về Người, qua đôi bàn tay tài hoa của họ, chân dung của Bác được tái hiện lại một cách sống động.
Vẽ tranh về Bác là niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời
Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi tìm về thăm ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông Nguyễn Bá Linh (67 tuổi) ở xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương. Cũng như bao người nông dân khác, công việc chính của ông là trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài giờ lao động, ông dành phần lớn thời gian vào việc vẽ tranh như một thú vui của tuổi già. Tranh của ông đa dạng về nội dung, thể loại, như tranh cổ động, tranh tái hiện lại hai cuộc chiến tranh..., nhưng số lượng tranh nhiều và đẹp nhất là về đề tài Bác Hồ.
Nhấp vội ngụm chè xanh nóng hổi, ông Linh say sưa kể cho tôi nghe về cơ duyên đến với “nghề” vẽ tranh của mình. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Linh lên đường nhập ngũ.
Ông Nguyễn Bá Linh chia sẻ niềm đam mê vẽ tranh về Bác với phóng viên |
Trong khoảng thời gian tham gia chiến đấu tại chiến trường C (Lào), những lúc hành quân được nghe những câu thơ, bài hát về Bác, trong lòng ông lại “dậy” lên ý tưởng vẽ tranh về Người. Tuy nhiên, mãi đến năm 1973, nguyện vọng ấy mới được thực hiện. Đó là khi ông chuyển về Trung đoàn 512 ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và sau đó được cử đi học vẽ tại Trung đoàn 559 ở tỉnh Quảng Bình.
3 tháng sau, ông trở về phụ trách công tác tuyên truyền, cổ động của Ban chính trị Trung đoàn 512. Lúc bấy giờ, bằng niềm đam mê mãnh liệt cùng khả năng sáng tạo, kết hợp với chất lính cụ Hồ, ông Linh đã vẽ nhiều bức tranh mô phỏng lại quá trình chiến đấu của đồng đội, đặc biệt là những bức chân dung về Bác xuất phát từ niềm tin yêu và kính trọng vô hạn đối với Người.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, năm 1976, ông Linh vẫn tiếp tục “chắp bút” về Bác qua từng nét vẽ chân thực, sống động. Nhờ đôi bàn tay tài hoa, sau đó, ông được mời về làm công tác tuyên truyền, cổ động của Phòng Văn hóa huyện Đô Lương. Nhờ vậy, ông có thêm nhiều thời gian để thỏa sức sáng tạo với niềm đam mê hội họa. Hầu hết những bức vẽ của ông đều về quê hương, đất nước, ký họa và ấn tượng nhất có lẽ là tranh cổ động về Bác.
Năm 1991, ông Linh nghỉ hưu. Thế nhưng, hễ có thời gian rãnh rỗi, ông lại miệt mài vẽ tranh về Bác. Mặc dù chưa từng được nhìn thấy Bác, nhưng qua những hình ảnh trên sách, báo, tivi và những bài thơ viết về Người, với hình dung và trí tưởng tượng đặc biệt của ông, những hình ảnh của Bác được tái hiện một cách vô cùng chân thực và sống động. Điển hình như các bức vẽ “Bác cùng chúng cháu hành quân”, “Bác Hồ qua suối vào hang Pác Bó”… Không thể kể hết những bức tranh về vị cha già đáng kính của dân tộc mà ở đó chất chứa tất cả tình cảm và lòng kính trọng của ông dành cho Người. Với ông, vẽ tranh về Bác là niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời.
Ký họa Bác, lòng con trong sáng hơn
Cũng như ông Linh, ông Võ Đức Thuận ở xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu đã có “thâm niên” hơn 40 năm vẽ tranh về Bác. Nhiều người ví phòng tranh của ông Thuận như một “bảo tàng sống”. Từ lâu nay, nơi đây đã trở thành địa điểm tham quan miễn phí của các em học sinh và người dân ở khắp nơi tìm về đây mỗi khi muốn tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chủ tịch.
Ông Võ Đức Thuận đang hoàn thiện bức tranh “Bác Hồ với lá cờ quyết thắng” |
Sinh năm 1948 ở cố đô Huế, lên 4 tuổi, cậu bé Thuận theo gia đình ra huyện Nam Đàn (Nghệ An) để an cư lạc nghiệp. Học tập, lớn lên trên quê Bác, lại được nhiều người kể chuyện về Người nên hình ảnh của vị lãnh tụ đáng kính luôn khắc sâu trong tiềm thức của Thuận. Năm 17 tuổi, Thuận tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong Nghệ An, ngày đêm mở đường, bắc cầu cho xe ta vào chiến trường miền Nam.
Đến năm 1969, ông được cử đi học lớp phát hành phim ở Hà Nội, sau đó được điều về làm phát hành và chiếu phim ở Rạp 12/9 Nghệ An. Lúc này, ông cùng các đồng chí trong Rạp đi chiếu phim phục vụ các chiến sỹ của ta đang chiến đấu ở các trọng điểm đánh phá của Mỹ trên địa bàn tỉnh. Lúc đó, nhận thấy ông có năng khiếu hội hoạ nên lãnh đạo Rạp cử ông ra làm công tác kẻ, vẽ các panô, áp phích tuyên truyền chính sách của Đảng về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những hình ảnh trong các thước phim tư liệu về Bác được thể hiện sống động trên các panô, áp phích qua bàn tay tài hoa của ông Thuận, thể hiện rõ cái hồn và phong thái ung dung của Hồ Chủ tịch.
Năm 1971, chiến tranh ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ ra sức ném bom, đánh phá nên đoàn chiếu phim của ông phải sơ tán ra huyện Quỳnh Lưu. Quyết định gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất này, tại đây, ông ngày đêm miệt mài với công việc sưu tầm những bức ảnh tư liệu về Bác để phác hoạ chân dung Người. Có những bức vẽ ông phải mất cả tháng trời mới hoàn thành.
Có lẽ, với ông Thuận, trong khoảng thời gian sống trọn với niềm say mê ký hoạ chân dung Hồ Chủ tịch, những đức tính cao quý của Người đã ăn sâu vào nếp nghĩ và việc làm của ông. Với hàng xóm láng giềng gặp khó khăn, ông sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” từ nguồn lương hưu ít ỏi của mình. Ngoài ra, ông còn tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động vì người nghèo tại địa phương và giúp đỡ nhiều bệnh nhân phong trên địa bàn hoà nhập với cộng đồng.
Hiện giờ, dù tuổi đã cao nhưng ông Thuận và ông Linh vẫn ngày đêm miệt mài với những nét vẽ đơn sơ, mộc mạc về Bác. Với hai ông, đây là cách để họ thể hiện lòng kính yêu vô hạn đối với vị lãnh tụ của dân tộc, đồng thời góp sức lưu giữ những hình ảnh về Người trong trái tim của mọi người bằng tài năng và sự sáng tạo của mình.