(Congannghean.vn)-Nghệ An là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, có dòng sông Lam hiền hòa, bồi đắp phù sa cho quê hương giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây là cái nôi sản sinh nhiều nhà cách mạng lỗi lạc, có nhiều đóng góp cho dân tộc được sử sách ghi danh. Trong đó, không thể không nhắc đến cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn. Ông chính là người góp phần đặt nền móng xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Người Anh cả của ngành Công an
Theo sử sách ghi lại, năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước, đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh (sau này lấy tên là Trần Quốc Hoàn) đã tham gia tổ chức học sinh phản đế. Trước đó, đồng chí cũng tích cực tham gia phong trào đòi xóa án tử hình cụ Phan Bội Châu (1925), dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926), đấu tranh đòi quyền lợi cho dân tộc. Đến tháng 3/1934, 18 tuổi đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Với khí tiết kiên trung, sục sôi ý chí đấu tranh cách mạng, đồng chí được tổ chức tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đến cuối năm 1934, đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh bị thực dân Pháp bắt giam, kết án 8 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Năm 1936, trong khi đang bị Pháp quản thúc ở Hà Tĩnh, đồng chí đã trốn ra Hà Nội, tham gia hoạt động trong mặt trận dân chủ, công tác ở Ban quản trị Báo Bạn dân, Thời Thế, Hà Thành Thời báo.
Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chúc Tết các gia đình CBCS Công an chi viện cho An ninh miền Nam ngày 24/1/1965 (Ảnh tư liệu) |
Từ năm 1937 - 1939, theo chỉ đạo của Đảng, đồng chí rút vào hoạt động bí mật, tham gia Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giữ chức vụ Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Đông Dương TP Hà Nội. Đến năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, kết án 6 năm tù giam và 20 năm quản thúc, đày đi nhà tù Sơn La. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tham gia hoạt động cách mạng, được giao nhiều nhiệm vụ, trọng trách lớn.
Từ năm 1953, đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an cho đến năm 1981. Vào năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được cử làm Trưởng ban Dân vận Trung ương. Đến ngày 3/9/1986, do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trút hơi thở cuối cùng, để lại sự tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Với những đóng góp to lớn của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung và ngành Công an nói riêng đều biết tới ông trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên - người Anh cả đặt nền móng xây dựng lực lượng CAND. Không thể kể hết những công lao, đóng góp của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với đất nước và ngành Công an, đó thật sự là một tài sản vô giá. Những người đã từng tiếp xúc, làm việc với cố Bộ trưởng đều có chung cảm nhận về một người Anh cả mẫu mực, với lối sống giản dị, có tâm và tầm nhìn chiến lược trong công việc.
Trong cuốn sách “Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn” (NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2005), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài viết “Nhớ anh Trần Quốc Hoàn” đề ngày 25/11/2004, nhận xét: “Trong 28 năm anh Hoàn phụ trách ngành Công an, giữa tôi và anh Hoàn đã có sự phối hợp hiệp đồng rất tốt. Tôi thường trao đổi với anh, Quân đội và Công an là anh em sinh đôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ. Anh Hoàn đã có công rất lớn trong việc xây dựng, lãnh đạo lực lượng Công an làm tròn nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.
Quê hương biết mấy tự hào
Chiều cuối năm, đi dọc theo con đê Tả Lam chạy dài ngút mắt về hướng thượng nguồn, qua cầu đường sắt Yên Xuân, chúng tôi ghé thăm xã Nam Trung, huyện Nam Đàn trong tiết trời lất phất mưa xuân. Mạn phía Bắc cầu Yên Xuân phục vụ tuyến đường sắt Bắc - Nam được xây dựng từ thời Pháp thuộc chưa đầy 1 km, 1 chiếc cầu bê tông vĩnh cửu đang được khẩn trương thi công để trong thời gian tới sẽ xóa bỏ thế “độc đạo” giữa 9 xã của huyện Nam Đàn với 5 xã của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Dù đường sá tạm bợ hay xa xôi, cách trở, những ngày này, nhiều đoàn cán bộ, lãnh đạo cấp cao của ngành Công an và nhiều đoàn khách Trung ương đã vượt qua một hành trình dài, có mặt tại xã Nam Trung để dâng nén hương tưởng vọng lên cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại Nhà tưởng niệm đồng chí.
Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An vệ sinh khuôn viên Nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn |
Ngày nay, vẫn bên bờ sông Lam thủa ấy, trên địa bàn xã Nam Trung đã xuất hiện nhiều ngôi nhà cao tầng, đường làng, ngõ xóm được đầu tư nâng cấp, đời sống nhân dân từng bước “thay da đổi thịt”. Người dân nơi đây vẫn rất đỗi tự hào mỗi khi nhắc tới cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.
Điều đặc biệt là, vùng đất này vẫn còn lưu giữ nhiều dấu ấn thời niên thiếu của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và cả những dòng chữ ghi cảm tưởng của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Nhà nước khi về thăm quê hương đồng chí. Hiện nay, đất nước đã có nhiều đổi thay nhưng những bài học về công tác giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của ông sẽ mãi được khắc ghi.
Ngày 12/3/2011, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị - Thứ trưởng Bộ Công an, nay là Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang về thăm quê hương của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã viết: “…Chúng tôi vô cùng biết ơn những công lao to lớn của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là những đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND Việt Nam. Đồng chí đã để lại cho các thế hệ CBCS CAND Việt Nam những di sản hết sức quý báu, đó là hệ thống lý luận nghiệp vụ Công an; những kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, sáng tạo trong chỉ đạo, chỉ huy; tầm nhìn xa trông rộng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng…và những đức tính cao đẹp của người lãnh đạo giản dị, sâu sắc, quyết đoán, gần gũi và thương yêu cán bộ, chiến sỹ. Chúng tôi nguyện kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của đồng chí và các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập và rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCH, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.