Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201512/doi-nghe-si-phia-sau-anh-den-san-khau-655092/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201512/doi-nghe-si-phia-sau-anh-den-san-khau-655092/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đời nghệ sĩ phía sau ánh đèn sân khấu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 31/12/2015, 11:00 [GMT+7]

Đời nghệ sĩ phía sau ánh đèn sân khấu

(Congannghean.vn)-Đằng sau các vở kịch hay, những câu hát ngọt ngào của các nghệ nhân Đoàn dân ca Nghệ An (nay là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), ít ai biết được hàng ngày, họ đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi phải sống tạm bợ trong những căn phòng cũ kỹ, chật hẹp.

“Khu ổ chuột” giữa lòng thành phố

Chúng tôi tìm đến Rạp hát Bến Thủy - trung tâm biểu diễn nghệ thuật của thành Vinh một thời, hiện là nơi ở của các nghệ nhân Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Khác với sự lung linh của ánh đèn sân khấu mỗi đêm, giữa TP Vinh phồn hoa, tấp nập, nơi này chẳng khác gì “khu ổ chuột” khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ.

Rạp hát Bến Thủy cũ nay là nơi chuyên mua bán, sửa chữa xe ôtô, các xưởng cơ khí chen lấn nhau, giữa sân là những chiếc xe cũ kỹ nằm phơi nắng, phơi mưa. Không khí ảm đạm của chiều đông càng làm tăng sự lạnh lẽo và hoang vắng của nơi một thời được ví như cái nôi nghệ thuật này.

Rạp hát Bến Thuỷ cũ được xây dựng từ năm 1972, giờ đã xuống cấp trầm trọng và có vẻ như muốn đổ sập bất cứ lúc nào, nhưng lại là nơi trú ngụ của hơn 10 hộ gia đình nghệ nhân, với gần 50 con người. “Kiến trúc” của “khu ổ chuột” được các nghệ sĩ “sáng tạo” theo kiểu cơi nới, cải tạo lại các phòng cũ của Rạp hát. Ngoại trừ khu tập thể dành cho 4 hộ gia đình, các phòng còn lại đều được gán tạm bợ xung quanh Rạp hát, tựa lưng vào nhau để tránh đổ sập mỗi khi mưa bão về.

Một buổi tập luyện để chuẩn bị công diễn của các nghệ sĩ
Một buổi tập luyện để chuẩn bị công diễn của các nghệ sĩ

Căn phòng của gia đình nghệ sĩ Minh Thanh rộng chưa đầy 30 m2, vừa là chỗ ngủ, bếp ăn và cả phòng khách. “Phòng chưa đến 30 m2 nhưng là nơi trú ngụ của 4 con người. Ngày mới đến ở, phòng chỉ 10 m2 nhưng vì quá chật chội nên chúng tôi đã cơi nới thêm. Giờ con cái lớn rồi nhưng cũng không có phòng riêng để sinh hoạt”, chị Minh Hiền, vợ nghệ sĩ Minh Thanh cho biết. Nghệ sĩ Minh Thanh có thâm niên gần 20 năm công tác tại Trung tâm Bảo tồn và Phát duy di sản dân ca xứ Nghệ nhưng đến nay, lương của anh mới chỉ hơn 3 triệu đồng.

Bản thân chị Hiền lại không có công ăn việc làm ổn định. Để bám trụ ở thành phố với 4 miệng ăn mà chỉ dựa vào đồng lương của chồng nên cuộc sống vô cùng chật vật. Chị Hiền chia sẻ: “Ngày trước tôi học ngành mầm non  nhưng không xin được việc làm. Nhờ trời phú cho giọng hát hay nên 2 vợ chồng tích cóp tiền mua đàn Organ để đi làm thêm. Khi thì hát thuê cho đám cưới, lúc lại tham gia tổ chức các sự kiện. Chồng đánh đàn, còn vợ hát, cũng kiếm thêm thu nhập nên cuộc sống bớt cơ cực hơn”.

Sau mỗi lần cháy hết mình trên sân khấu để cống hiến cho khán giả các vở kịch hay, những làn điệu dân ca ngọt ngào, các nghệ nhân lại quay về với căn phòng cũ kỹ, chật hẹp. Nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn đè nặng lên đôi vai của họ nhưng tình yêu nghệ thuật chính là động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn, vất vả để bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của quê hương.

Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, các nghệ sĩ lại tranh thủ đi làm thêm như đi hát, đánh đàn thuê, làm MC đám cưới…, kiếm thêm thu nhập để tồn tại và có thể tiếp tục theo đuổi đam mê. Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Thị Lài và Nguyễn Ngọc Phong là những nghệ nhân đánh đàn tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, công tác đã gần 7 năm nay nhưng lương của hai anh chị cộng lại chưa đến 5 triệu đồng, không đủ để nuôi 4 miệng ăn.

Cháy hết mình vì nghệ thuật

Từ quê ra chăm cháu để các con có thời gian đi diễn, mẹ của nghệ sĩ Nguyễn Thị Lài tâm sự: “Thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng chưa đến 5 triệu đồng nên không đủ chi tiêu ở thành phố. Ở quê, tôi làm được vài sào ruộng nên hỗ trợ thêm cho các cháu ít gạo. Cuộc sống vất vả lắm”. Căn phòng chỉ khoảng 20 m2 nhưng mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trong đó.

Để có chỗ ở cho mẹ, anh Phong phải làm thêm gác xép. 5 con người hàng ngày chen chúc trong căn phòng chật chội, bí bách. “Nhiều lúc tôi nghĩ hay là khuyên chồng bỏ nghề bởi con cái mỗi ngày một lớn, giá cả ngày càng tăng, đến tháng nhận hơn 3 triệu đồng tiền lương mà ứa nước mắt. Tháng nào thêm vài đám hiếu hỉ thì phải lo đi vay mượn. Thế nhưng máu nghệ thuật  đã ngấm vào người nên không từ bỏ được. Tài sản đáng giá nhất trong gia đình tôi chính là Giấy khen và Bằng khen các loại”.

“Khu ổ chuột” của nghệ sĩ ở Rạp hát Bến Thủy
“Khu ổ chuột” của nghệ sĩ ở Rạp hát Bến Thủy

Thực tế, nếu không tận mắt chứng kiến khu nhà này thì chắc không ai có thể ngờ được đây là nơi sinh sống của các nghệ nhân - những người đã hy sinh gần cả cuộc đời cho nghệ thuật. Trên sân khấu, họ toả sáng, cháy hết mình với vai diễn để đem lại cho khán giả những tiết mục đặc sắc. Nhưng khi rời khỏi ánh đèn sân khấu, họ lại tất bật đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Người mới vào Trung tâm được khoảng  5 - 7 năm, người có thâm niên cũng đã vài chục năm nhưng hơn chục gia đình ở đây chưa ai có tấc đất cắm dùi.

Sau khi dân ca ví, giặm được UNESSCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, các nghệ nhân cũng khấp khởi chờ đợi chế độ đãi ngộ tốt hơn, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thay đổi. Hiện tại, lương của họ vẫn “ba cọc ba đồng”, mỗi lần đi lưu diễn ở các huyện miền núi, tiền bồi dưỡng không đủ chi phí, thậm chí nhiều khi họ còn phải tự bỏ tiền túi.

“Dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, anh chị em trong Đoàn rất vui mừng bởi công sức của mình đã được ghi nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của quê hương để mang những câu hò, điệu ví đến mọi miền Tổ quốc. Nhưng tâm nguyện của các nghệ sĩ là mong được các ban, ngành quan tâm, có chế độ đãi ngộ hợp lý hơn, để chúng tôi có thế cống hiến hết sức mình cho nghệ thuật”, nhạc công Đỗ Sỹ Lương chia sẻ.

.

Phương Thủy

.