(Congannghean.vn)-Những ngày diễn ra triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, TP Vinh như một “chảo lửa” bởi nhiệt độ luôn ở mức 40oC, thế nhưng, những đoàn người vẫn “đội nắng” xếp hàng vào tham quan triển lãm. Trong đó chủ yếu là thiếu niên nhi đồng mang trên vai khăn quàng đỏ thắm, những tấm áo xanh tình nguyện của học sinh, sinh viên. Tất cả đều rất hào hứng trước những tấm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Những buổi triển lãm như thế đã giáo dục học sinh, sinh viên và nhân lên tình yêu biển đảo, yêu quê hương, đất nước; nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Em Nguyễn Hoài Anh, học sinh Trường THCS Hà Huy Tập cho biết: “Những tư liệu và hiện vật được trưng bày trong triển lãm là những chứng cứ lịch sử vô giá khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thông qua những buổi tham quan này giúp chúng em nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm bảo vệ biển, đảo quê hương; đồng thời nhân lên niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong mỗi học sinh”.
Thế hệ trẻ đến với triển lãm trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa |
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ. Ngành giáo dục là đơn vị đi đầu trong việc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo trong học sinh, sinh viên nhằm bồi dưỡng, khắc sâu tình yêu biển đảo và để các em thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước. Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mở rộng giáo dục chính khóa và tuyên truyền ngoại khóa cho học sinh cả nước về tiềm năng biển đảo và nhiệm vụ của các thế hệ người dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trên cơ sở này, các trường học trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về biển đảo, chủ quyền biển đảo trong giáo viên, học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đưa nội dung về biển, đảo vào giảng dạy trong chương trình THPT môn Địa lý, Lịch sử; lồng ghép các hoạt động ngoài giờ lên lớp; nhiều ngôi trường còn đầu tư xây dựng mô hình, sa bàn biển đảo, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong khuôn viên nhà trường.
Trong những năm qua, ngành giáo dục Nghệ An cũng đã quan tâm, chú trọng tới công tác giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Ngoài các giờ học về biển, đảo trong môn Địa lý, Lịch sử, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các buổi tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường. Ngành cũng đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức giáo dục chủ quyền biển đảo thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, giờ hát quốc ca đầu tuần; tham gia các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo; các cuộc vận động ủng hộ Trường Sa, Hoàng Sa.
Năm 2014, cuộc thi “Tìm hiểu chủ quyền biển, đảo Việt Nam” trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Nghệ An đã thu hút 133.958 lượt người tham gia trong vòng 6 tuần tổ chức. Trong cuộc thi này, ngành giáo dục Nghệ An là đơn vị dẫn đầu về số lượng người tham gia cũng như chất lượng bài thi, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Nhiều giáo viên cũng rất tâm huyết với vấn đề này nên đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, có nhiều cách dạy hay, sáng tạo để thắp lên tình yêu biển đảo trong các em.
Giáo dục chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng và phải được đầu tư dài hơi, thế nhưng nội dung này mới chỉ được đưa vào giảng dạy ở chương trình THPT trong sách giáo khoa Địa lý lớp 12. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Đáng lẽ nội dung này phải được đưa vào từ bậc tiểu học chứ đợi đến lớp 12 là quá muộn. Một khó khăn nữa là chúng ta không có kinh phí đầu tư để bổ sung tài liệu tuyên truyền hàng ngày. Không phải trường nào cũng có kinh phí để xây dựng các mô hình, sa bàn, các hoạt động ngoại khóa, vì vậy, việc tuyên truyền mới chỉ bằng miệng chứ chưa có đổi mới, sáng tạo”.
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị phải coi trọng hơn nữa việc đưa vào sách giáo khoa vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước, trong đó có bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ biên giới trên đất liền và hải đảo. Sắp tới, ngành giáo dục sẽ đưa vấn đề chủ quyền biển đảo vào giảng dạy từ bậc phổ thông đến đại học, chúng ta cũng đang chuẩn bị xây dựng bộ sách giáo khoa mới. Hy vọng rằng, ngành giáo dục sẽ có nhiều cách làm, giải pháp để đưa nội dung biển, đảo đến gần hơn với thế hệ trẻ chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở những bài giảng khô cứng.
.