Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/tham-lua-mot-bai-tho-xuc-dong-ve-tinh-cam-giua-hau-phuong-voi-tien-tuyen-572187/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/tham-lua-mot-bai-tho-xuc-dong-ve-tinh-cam-giua-hau-phuong-voi-tien-tuyen-572187/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thăm lúa một bài thơ xúc động về tình cảm giữa hậu phương với tiền tuyến - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 23/12/2014, 09:02 [GMT+7]

Thăm lúa một bài thơ xúc động về tình cảm giữa hậu phương với tiền tuyến

(Congannghean.vn)-Trong số những tác phẩm viết về đề tài hậu phương và tiền tuyến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung là bài thơ chân thực, xúc động, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bao thế hệ người yêu thơ. Ra đời trong những ngày chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 đang bước vào thời kỳ cao điểm, bài thơ đã diễn tả sinh động nỗi niềm nhớ thương tha thiết của người vợ đảm đang, thủy chung ở hậu phương luôn hướng về người chồng đang anh dũng chiến đấu chống giặc nơi tiền tuyến.
 
Nhà thơ Trần Hữu Thung (1923 - 1999) thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sinh ra tại xã Diễn Minh, huyện  Diễn Châu, mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng và gió đã ảnh hưởng phần nào tới đặc điểm phong cách thơ của ông. Từ ngôn ngữ, hình ảnh đến giọng điệu trong thơ Trần Hữu Thung đều mộc mạc, chân chất mà nồng đượm nghĩa tình. Bài thơ Thăm lúa được sáng tác năm 1950, ngay từ khi ra đời đã được phổ biến rộng rãi, đạt Giải thưởng thơ tại Liên hoan thanh niên thế giới năm 1953 và được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông suốt một thời gian dài.    
 
Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ tái hiện quang cảnh quen thuộc của đồng quê với những hình ảnh, màu sắc, âm thanh, đường nét gần gũi, quen thuộc: Mặt trời càng lên tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn cỏ/ Sương lại càng long lanh. Giữa khung cảnh đồng quê yên bình, thân thương, gần gũi ấy, người vợ nơi hậu phương đồng thời là nhân vật trữ tình trong bài thơ xuất hiện với tư thế của một người phụ nữ nông dân hồn hậu, khỏe khoắn: Đứng chống cuốc em trông/ Em thấy lòng khấp khởi…
 
Vẻ đẹp của cánh đồng lúa trong buổi bình minh là “nhịp cầu” để người vợ bộc lộ nỗi nhớ thương đối với người chồng đang cầm súng đánh giặc ngoài mặt trận. Cũng trên cánh đồng lúa quê hương, trong một buổi sáng tinh sương, người vợ đã từng tiễn chồng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc trong lưu luyến, bịn rịn: Bởi vì em nhớ lại/ Một buổi sáng mai ri/ Anh tình nguyện ra đi/ Chiền chiện cùng cao hót/ Lúa cũng vừa sậm hột/ Em tiễn anh lên đường…
 
Những kỷ niệm buổi nào chợt ùa về trong tâm tưởng, từ ánh mắt, cử chỉ, hành động, những lời dặn dò việc đồng áng cùng thái độ trìu mến của người chồng buổi lên đường vốn in sâu trong miền ký ức, nay hiện lên rõ mồn một: Chiếc xắc mây anh mang/ Em xách mo cơm nếp/ Lúa níu anh trật dép/ Anh cúi sửa vội vàng…/ Ruộng mình quên cày sáo/ Nên lúa chín không đều/ Nhớ lấy để mùa sau/ Nhà cố làm cho tốt.
 
Trong hồi ức của người phụ nữ, buổi tiễn đưa chồng lên đường cứu nước đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc không thể mờ phai. Điều đáng trân trọng là, trong buổi tiễn đưa, người vợ dù rất thương nhớ chồng nhưng không hề tỏ ra bùi ngùi, bi lụy làm lung lạc bước chân và tinh thần “tình nguyện” ra đi của chồng. Ở đây, người vợ hẳn đã thấu hiểu được mục đích, ý nghĩa cao đẹp trong hành động lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc của người chồng.
 
Niềm vui sướng, hạnh phúc xen lẫn tự hào của người vợ chiến sĩ như càng được nhân lên khi qua những lá thư từ tiền tuyến gửi về, người vợ biết chồng đang lập công diệt giặc thù. Bản thân người vợ nơi hậu phương, “một nắng hai sương” với ruộng đồng cũng đang gặt hái được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, làm yên lòng người ra trận: Anh đang mùa thắng lợi/ Lúa em cũng chín rồi/ Lúa tốt lắm anh ơi/ Giải thi đua em giật…
Hồi ức về những kỷ niệm ngày nào ùa về trong tâm tưởng cũng là lúc nỗi nhớ, tình yêu người vợ dành cho chồng càng trào dâng tha thiết, mãnh liệt.
 
Với cách diễn đạt dung dị, tự nhiên mà tinh tế, sâu lắng, nhà thơ đã diễn tả thành công những cung bậc tình cảm của người vợ nhớ chồng: Chuối đầu vườn đã lổ/ Cam đầu ngõ đã vàng/ Em nhớ ruộng nhớ vườn/ Không nhớ anh răng được. Tình cảm nhớ thương, mong ngóng của người vợ xa chồng trải dài cùng những chặng thời gian mùa vụ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người vợ tần tảo, đảm đang ở hậu phương vẫn luôn hướng về chồng nơi tiền tuyến với tình yêu thương nồng nàn, thủy chung cùng niềm tin sắt son vào ngày quê hương, đất nước sạch bóng quân thù, ngày gia đình sum vầy, đoàn tụ: Mùa sau kề mùa trước/ Em vác cuốc thăm đồng/ Lúa sây hạt nặng bông/ Thấy vui vẻ trong lòng/ Em trông ngày chiến thắng.
 
Cùng với một số bài thơ khác ra đời cùng thời thể hiện sinh động tình cảm quân dân cá nước như: Nhớ (Hồng Nguyên), Bộ đội về làng (Hoàng Trung Thông), Việt Bắc (Tố Hữu)…bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung đã diễn tả sinh động nỗi nhớ, niềm thương của người vợ đảm đang, thủy chung ở hậu phương luôn hướng tới người chồng đang cầm chắc tay súng diệt thù nơi tiền tuyến. Sức hấp dẫn, lan tỏa của bài thơ không chỉ bởi nội dung xúc động, chân thực mà còn bởi cách diễn đạt với hình ảnh, ngôn từ gần gũi, mộc mạc, giản dị.
 
Đặc biệt, nhà thơ đã vận dụng sáng tạo hình thức thể thơ dặm - vè vốn được dùng khá phổ biến trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh. Với sự thành công về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, Thăm lúa của Trần Hữu Thung xứng đáng được xếp vào một trong số 100 bài thơ hay nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại thế kỷ XX.
.

Bùi Minh Tuấn

.