Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một nội dung hiện được đông đảo phụ huynh quan tâm. Tuy vậy, nhiều phụ huynh kỳ vọng vào việc giáo dục nội dung này trong nhà trường mà chưa hiểu rằng người dạy con hay nhất vẫn là cha mẹ.
Những năm gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, xuất hiện những vụ án giết người, cố ý gây thương tích mà đối tượng gây án là học sinh. Trên các trang mạng xã hội chúng ta cũng chứng kiến các em học sinh vẫn mặc đồng phục trên người mà nhảy vào đánh, đấm, tát bạn của mình và buông ra những lời lẽ thiếu văn hóa.
Bên cạnh đó là sự bùng phát hiện tượng học sinh phổ thông hút thuốc lá, uống rượu, quan hệ tình dục sớm... Thậm chí, thời gian qua, xảy ra những sự việc đau lòng như nhiều học sinh đã không tự làm chủ được bản thân trước áp lực cuộc sống, áp lực tình cảm, áp lực học hành... nên đã có những hành động dại dột (tự tử, tự làm đau bản thân).
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống. Các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như: mâu thuẫn với bạn bè, kết quả học tập kém...
Vậy kỹ năng sống là gì? Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là "khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày". Kỹ năng sống được chia thành 2 loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với 10 yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận phê phán, ra quyết định, giao tiếp hiệu quả và thương thuyết.
Thực tế, việc giáo dục kỹ năng sống không phải không được quan tâm. Ngành giáo dục cũng đã có những động thái trong việc cố gắng đưa kỹ năng sống vào trường học. Bắt đầu từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo cùng các tài liệu hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở phổ thông. Tuy nhiên, hoạt động này chưa thực sự hiệu quả. Bởi hiện nay chưa có chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể, thiết thực; các giáo viên phổ thông hiện nay phải kiêm nhiệm, chưa kể, bản thân họ cũng chưa sở hữu một số kỹ năng được yêu cầu dạy cho học sinh. Mặt khác, đối với các trường và thầy cô, dạy văn hóa vẫn là việc chính, nhà trường đánh giá chất lượng học sinh dựa vào kết quả thi các môn Văn, Toán, Lý, Hóa… Còn phụ huynh và học sinh cũng biết học kỹ năng sống là thiết thực nhưng không phục vụ cho mục đích thi cử nên phần lớn không chú trọng lắm.
Ảnh minh họa |
Việc dạy cái gì, dạy như thế nào cũng là điều cần phải bàn. Bởi nội dung kỹ năng sống rất nhiều nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định những nội dung nào là trọng tâm cần được ưu tiên để triển khai ngay. Ví dụ như kỹ năng bơi, sơ cứu khi có thương tích xảy ra, sử dụng điện... thì phải ưu tiên triển khai càng nhiều càng tốt.
Ở một khía cạnh khác, nắm bắt nhu cầu xã hội, các trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho trẻ dần mọc lên ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn với nhiều hình thức dạy: bằng những buổi dã ngoại cho các bé mẫu giáo, những ngày cắm trại, sinh hoạt hè hoặc mùa hè quân ngũ… Tuy chưa thể đánh giá kết quả của việc học qua các trung tâm này, nhưng cho thấy các bậc phụ huynh ngày nay cũng rất quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho con.
Song qua thực tế phản ánh từ phía phụ huynh, học sinh cho thấy, thời gian đào tạo 1 khoá của các trung tâm này thường chỉ kéo dài trong vòng 7 đến 10 buổi học. Mặt khác, giáo trình học mỗi nơi một kiểu, một cách dạy khác nhau.
Thêm vào đó, nhiều cha mẹ chỉ biết bỏ tiền cho con học vì nghe nói kỹ năng sống rất cần thiết, rất hay đối với trẻ mà không biết nó cần thiết, nó hay như thế nào. Có những bậc cha mẹ ngộ nhận rằng chỉ cần cho con đi học lớp học kỹ năng sống hay sau những “học kỳ quân đội” trong thời gian ngắn là đã hình thành được kỹ năng sống cho con. Đây là một sai lầm bởi việc giáo dục kỹ năng cho con cần có kế hoạch, từ từ, không được nóng vội. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống sẽ không có kết quả nếu chỉ làm ở nhà trường mà không làm ở nhà.
Thực tế, không khó để nhận thấy rằng ở Việt Nam nhiều gia đình đang bao bọc, “xót” trẻ quá đáng, trẻ tới 10 tuổi cha mẹ vẫn phải làm giúp vệ sinh cá nhân hàng ngày, ăn thậm chí còn phải có người đút... Hay ở trường, cô giáo dạy không được vứt rác bừa bãi mà phải cho vào thùng rác nhưng ngay trước mặt con, nhiều phụ huynh vẫn vứt rác bừa bãi...
Kỹ năng sống của mỗi người được hình thành qua quá trình học tập, lĩnh hội và trải nghiệm trong cuộc sống. Do đó, nhà trường, ngành giáo dục cần có kế hoạch đầu tư lâu dài và triển khai một cách bài bản, cụ thể đến từng giáo viên. Và các bậc phụ huynh cần nhận thức được rằng gia đình chính là cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng, tạo điều kiện thực hành tốt nhất cho kỹ năng sống của các em thuần thục.
.