Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/cac-chien-truong-chia-lua-voi-dien-bien-476457/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/cac-chien-truong-chia-lua-voi-dien-bien-476457/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Các chiến trường chia lửa với Điện Biên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 22/04/2014, 14:42 [GMT+7]

Các chiến trường chia lửa với Điện Biên

Cùng thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta trên khắp cả nước đã tổ chức nhiều trận đánh góp phần chia lửa với chiến trường chính Điện Biên. Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường, chúng ta đã buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng, bị động đối phó và không thể tập trung được lực lượng cho Điện Biên Phủ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu hoạt động chia lửa với Điện Biên Phủ của các chiến trường.
 
Vang dội Liên khu 5
 
Ôn lại những chiến thắng vang dội của quân và dân Liên khu 5 trong Đông Xuân 1953-1954 phối hợp các lực lượng, nhịp nhàng với Chiến dịch Điện Biên Phủ, những cán bộ, nhân viên chúng tôi ở ban tác chiến, phòng tham mưu ngày ấy không thể nào quên vai trò lãnh đạo sắc bén của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5, cùng với những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Chánh, lúc bấy giờ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư liên khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5.
 
Tôi còn nhớ rõ, bước vào thu đông, anh Chánh họp, nhận lệnh của Tổng hành dinh và tầm cuối tháng 11-1953, anh có mặt ở LK5.
 
Những bức điện tối khẩn giữa Bộ Tổng Tư lệnh với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Liên khu 5 tăng lên dồn dập, trong đó có cả điện của Đại tướng gửi riêng anh Nguyễn Chánh.
 
Dần về sau, chúng tôi ở bộ phận trực ban chiến sự đều được biết đầy đủ “Kế hoạch Na-va” và Bộ Tổng Tư lệnh hoàn toàn tán thành kế hoạch tác chiến của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5 trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 phối hợp với chiến trường chính.
 
1. Chiến dịch Át-lăng và cuồng vọng của Na-va
 
Ngược lại dòng lịch sử, sau khi điều đình với Mỹ, tháng 5 năm 1953, Chính phủ Pháp rút Na-va (Henrie Navarre), Tham mưu trưởng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) - viên tướng tài của Pháp, đưa sang nước ta làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp, hòng cứu vãn tình hình Đông Dương đang hấp hối.
 
Na-va vạch một kế hoạch đầy tham vọng và ngạo mạn mang chính tên mình: “Kế hoạch Na-va”, ấn định trong vòng 2 năm, chia làm 2 giai đoạn, sẽ lật ngược tình thế chiến trường, chuyển bại thành thắng.
 
Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 (Liên khu 5), quán triệt tình hình cho đơn vị trước khi thực hiện nhiệm vụ - Ảnh tư liệu
Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 (Liên khu 5), quán triệt tình hình cho đơn vị trước khi thực hiện nhiệm vụ - Ảnh tư liệu
 
Giai đoạn 1, tức thu đông 1953 và xuân 1954, phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tấn công chiến lược ở miền Nam, đánh chiếm các vùng tự do của Liên khu 5 và Khu 9 ở Nam Bộ.
 
Giai đoạn 2, sang thu đông 1954, rút toàn bộ lực lượng cơ động chiến lược ở miền Nam đưa ra miền Bắc, chuyển sang tấn công chiến lược trên chiến trường chính, giành thắng lợi quyết định; buộc ta phải điều đình trong thế lợi cho Pháp.
 
Để thực hiện cuồng vọng trên, Na-va cho mở “Chiến dịch Át-lăng” (Atlante) trên chiến trường Liên khu 5, xem đây là mục tiêu quan trọng bậc nhất có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc tấn công chiến lược ở miền Nam.
 
Do vậy, biết rõ Liên khu 5 lực lượng quân sự còn nhỏ, Na-va đã cho tập trung một lực lượng cơ động chiến lược lớn gồm toàn binh lính Âu-Phi thiện chiến đông gấp hơn 5 lần ta với hơn 40 tiểu đoàn, mở chiến dịch Át-lăng, nhằm nhanh chóng giành thắng lợi để chuyển sang hoạt động ở Quân khu 9.
 
Na-va vạch kế hoạch Át-lăng có 3 bước: Bước 1, từ Khánh Hòa đánh ra, nhanh chóng chiếm tỉnh Phú Yên; Bước 2, từ Phú Yên đánh ra, đổ bộ lên Quy Nhơn, kết hợp cánh quân từ An Khê (tỉnh Gia Lai) đánh xuống, chiếm tỉnh Bình Định; Bước 3, từ Bình Định đánh ra, từ Quảng Nam đánh vào, từ biển đổ bộ đánh lên, kết hợp với lực lượng mạnh nhất, có lợi thế nhất từ Kon Tum đánh xuống, hợp điểm tại thị xã Quảng Ngãi, hoàn thành việc chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5, kết thúc chiến dịch Át-lăng.
 
2. Những quyết định sáng suốt
 
Quả thật, không khí chính trị - xã hội ở Liên khu 5 ngày ấy rất nóng bỏng, căng thẳng, tình hình tư tưởng diễn biến khá phức tạp và trái chiều.
 
Bốn tỉnh vùng tự do Liên khu 5 vừa trải qua một nạn đói khủng khiếp chưa từng thấy, do địch tập trung máy bay, tàu chiến đánh phá ác liệt các làng ven biển từ nam Quảng Nam vào Phú Yên, đốt phá hết nhà cửa, ghe thuyền, mành lưới. Hàng trăm ngàn dân đói đến nỗi ăn cả cây xương rồng và đổ lên Quốc lộ 1 xin ăn. Bộ đội đã phải san sẻ khẩu phần ăn ít ỏi của mình để cứu giúp đồng bào.
 
Trong tay ta chỉ có 2 trung đoàn chủ lực của quân khu là 108 và 803. Nhiều suy nghĩ, lo lắng và nhiều câu hỏi hóc búa được đặt ra: Ta sẽ đối phó chiến dịch Át-lăng như thế nào? Bằng cách nào? Liệu ta có giữ được vùng tự do hay không? Nếu mất vùng tự do, mất hậu phương chiến lược, cuộc kháng chiến của Liên khu 5 sẽ diễn biến ra sao? Có nên phân tán lực lượng chủ lực đối phó các hướng tấn công của địch không? Đặc biệt, khi được biết dưới sự chủ trì của anh Chánh, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5 hoàn toàn nhất trí ý kiến tập trung toàn bộ các đơn vị chủ lực mở chiến dịch trên Tây Nguyên để bẻ gãy cuộc càn Át-lăng, thì nhiều cán bộ cao cấp ở các cơ quan Đảng, chính quyền và trong quân đội không tin và nêu vấn đề tại sao không tập trung lực lượng mạnh của ta đánh bại quân địch ngay từ đầu khi chúng từ Khánh Hòa đánh ra Phú Yên? Có người còn chế giễu: “Ông Chánh bỏ những cánh đồng phì nhiêu, vựa lúa ở đồng bằng để đi giành những rẫy sắn, bắp ở trên núi!?”…
 
Tất cả đều trông chờ vào lời giải và đáp số của một bài toán khó.
 
Trước những giờ khắc quan trọng, căng thẳng và phức tạp, anh Chánh luôn điềm tĩnh, ung dung tính toán lợi hại của các nước cờ. Dưới vầng trán cao rộng và cặp lông mày rất đậm, đôi mắt sáng, hiền dịu của anh luôn ánh lên niềm lạc quan, tin tưởng. Anh cho tổ chức một cuộc họp cán bộ trung, cao cấp chủ chốt của liên khu để quán triệt nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Anh đưa ra những nhận định, lập luận và giải thích:
- Về tình hình chung, địch đã vét và tung hết lực lượng Âu-Phi cơ động chiến lược vào chiến dịch Át-lăng, một số trọng điểm của các chiến trường khác, đặc biệt là đang tổ chức co cụm lớn ở Mặt trận Điện Biên Phủ, chúng có những điểm tạm thời rất mạnh nhưng cũng sẽ bộc lộ hết những điểm yếu rất cơ bản. Đây là canh bạc cuối cùng rất có thể dẫn đến sai lầm về chiến lược, và với ta, thì đây lại là thời cơ lớn có một không hai để tiêu diệt lớn sinh lực chủ yếu của địch, làm cho chúng suy sụp càng nhanh chóng, không gượng dậy nổi, và như thế, có thể sẽ dẫn đến những đột biến của cục diện chiến tranh.
 
Còn trên chiến trường Liên khu 5 chúng ta, địch tập trung sức lực cao nhất cho chiến dịch Át-lăng, hướng mọi sự đối phó của ta vào đó, ắt sẽ sơ hở ở Tây Nguyên. Phân tán lực lượng chủ lực đối phó các hướng hoặc tập trung lực lượng đánh vỗ mặt, đánh theo kiểu “chọi trâu” với địch khi chúng từ Khánh Hòa tràn ra Phú Yên, chính là sa vào mưu kế của địch, lực lượng ta sẽ bị tiêu hao, tổn thất lớn, rơi vào thế bị động. Khi địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần thì tránh đối đầu trực diện. Phải đánh sau lưng, đánh bên sườn mới thắng được địch. Mở cuộc tấn công lớn trên Tây Nguyên là đánh vào nơi sơ hở, chỗ yếu và hiểm yếu của địch. Giành được quyền chủ động trên Tây Nguyên tức là giành được thế đứng trên cao, tạo điều kiện cho thế và lực của ta phát triển mạnh mẽ, vững chắc, chiến dịch Át-lăng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, bị động và thất bại.
 
Một khi chiến trường chính vào cuộc, địch sẽ bị căng kéo, dàn mỏng khắp cả Đông Dương, không còn sức chi viện cho nhau, nhất định sẽ sa lầy tận cổ. Tôi tin rằng, nếu chúng ta giành thắng lợi trong Đông Xuân 1953-1954, sẽ xuất hiện một tình thế chiến lược mới, tác động đến toàn cục cuộc kháng chiến, có lợi cho ta.
 
Tuy nhiên, tất cả đang tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của ta. Kinh nghiệm xương máu cho thấy, khi xuất hiện thời cơ lớn, thì nỗ lực chủ quan phải càng vượt bậc và mang ý nghĩa quyết định. Lúc này, còn chần chừ, e ngại, sẽ rất nguy hại.
 
Liên khu 5 chúng ta tuy là chiến trường phụ nhưng là một hướng chiến lược rất quan trọng, có tác động trực tiếp nhanh chóng đến chiến trường chính, khi mà địch tập trung một lực lượng lớn chưa từng thấy các đơn vị lính Âu-Phi ở địa bàn chúng ta.
 
Bộ Tổng Tư lệnh đã hoàn toàn đồng ý kế hoạch tác chiến Đông Xuân của Liên khu 5. Hơn lúc nào hết, lúc này chúng ta phải kiên định lòng tin đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Trước vận hội trọng đại này, chúng ta phải động viên tích cực toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ làm hết sức mình cho chiến cuộc Đông Xuân giành thắng lợi to lớn nhất, phối hợp một cách có hiệu quả nhất với chiến trường chính, xem đây là trách nhiệm cao cả của mỗi người với đồng bào Liên khu 5 và với Mặt trận Điện Biên Phủ…
 
Tiếp theo sau đó, anh Chánh bắt tay chỉ đạo, làm việc rất cụ thể với các cán bộ và bộ phận hữu quan về các vấn đề lớn: Mở ngay một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng quán triệt nhiệm vụ Đông Xuân 1953-1954, chú ý uốn nắn tư tưởng cho bộ đội không “đánh giặc theo mùa” như trước đây, đánh một trận rồi trở về hậu phương nghỉ ngơi, mà lần này đánh dài ngày, đánh liên tục trên Tây Nguyên, chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh; Đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong vùng địch tạm chiếm, buộc chúng quay lưng đối phó, không rút được quân để chi viện cho tuyến trước; Việc bẻ gãy các cánh quân của chiến dịch Át-lăng giao cho các đơn vị địa phương, tăng cường thêm lực lượng chủ lực địa phương cho Phú Yên để phối hợp tiêu hao lớn sinh lực địch trong bước 1 khi chúng từ Khánh Hòa đánh ra; Cho bộ đội chủ lực tập trung luyện tập đánh công-kiên lớn; Động viên, tổ chức lực lượng hậu cần nhân dân lớn phục vụ dài ngày cho chiến dịch; Đẩy mạnh các hoạt động của du kích liên tục ở Tây Nguyên, nhất là ở mặt trận chính của ta, tém hết các đơn vị lính biệt kích của địch về các đồn, bốt của chúng, bảo đảm bí mật tuyệt đối cho bộ đội, dân công ta vào vị trí tập kết quân an toàn trước giờ nổ súng đánh trận then chốt mở màn chiến dịch; đồng chí Nguyễn Đôn, Tham mưu trưởng Liên khu 5 ở sở chỉ huy cơ bản, chỉ huy các hoạt động quân sự ở hậu phương. Còn anh Chánh, lên sở chỉ huy tiền phương trực tiếp chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên.
.

Nguồn: QĐND