Treo tranh dân gian ngày Tết vốn là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam, tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, nét đẹp này dần tàn lụi.
Buồn vui làng hàng mã Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có tuổi nghề hơn 500 năm đang bị mai một dần. Trong thời gian 1945-1991, không còn một người dân Đông Hồ nào duy trì nghề này. Sau hơn 40 năm làng tranh vắng lạnh, tới năm 1991, hai gia đình ông Nguyễn Đăng Chế và ông Nguyễn Hữu San (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) khôi phục lại việc làm tranh Đông Hồ. Hiện tại, nhà ông San có hai người con đang nối nghiệp làm tranh. Nhà ông Chế có 10 thành viên thuộc ba thế hệ tham gia làm tranh. Để khôi phục lại nét đẹp làng nghề truyền thống, ông Chế thuê mảnh đất rộng 5.500m2 của xã, xây dựng nhà trưng bày, xưởng sản xuất tranh. Các công ty du lịch, đoàn khách nhỏ lẻ trong và ngoài nước cũng thường liên hệ tới xem tranh tại nhà hai nghệ nhân còn lại của làng Hồ. Một số trường học ở các vùng lân cận tổ chức cho học sinh tới tham quan, học in tranh.
Song ông Chế cho biết, do nền kinh tế đi xuống, trong vài năm trở lại đây, khách du lịch chủ yếu đi xem, không mấy người mua tranh. Mỗi năm gia đình ông Chế in hàng vạn bản tranh, hầu hết để trưng bày hoặc mang ra Hà Nội bán cho người trong nước. Chợ tranh nổi tiếng ở đình làng Hồ đã biến mất từ mấy chục năm trước, người dân Đông Hồ từ lâu đã bỏ thú chơi tranh. "Giờ chẳng người nào hỏi mua tranh. Dọc phố chợ này, người ta chuyển sang mua bán hàng mã hết", ông Chế nói. Làng tranh Đông Hồ đã thành làng hàng mã. Từ hơn 20 năm trước, hầu hết các hộ dân trong làng đều chuyển sang nghề này. Trong khi nghề làm tranh đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều thời gian thì với hàng mã, mỗi ngày một người có thể làm được 4-5 sản phẩm, cho thu nhập khoảng 150-200 nghìn. Với nhu cầu tiêu thụ hàng mã ngày càng lớn, người dân làng Hồ càng chạy sô sang mua bán sản phẩm này.
Làng tranh Đông Hồ chuyển sang nghề làm hàng mã |
Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 23 tháng Chạp, dọc các đường ngõ xã Song Hồ tràn ngập hia giày, mũ áo, xe đạp, nhà lầu bằng giấy . Gần chợ Hồ, một số xe tải tới lấy hàng đậu dọc đường. Cửa hàng Truy Hà, một cơ sở sản xuất hàng mã lớn nhất làng Hồ, tấp nập người đến mua buôn lẫn mua lẻ. Hàng mã ở đây được làm quanh năm, khách đặt thường xuyên nên chủ cơ sở này phải thuê thêm 3, 4 người làm thêm dài hạn. Chị Hà chia sẻ: "Hàng mã thì chỉ để đốt, làm đến đâu đốt đến đấy. Chứ một bức tranh có thể treo quanh năm suốt tháng, đến bao giờ mới mong bán được nhiều".
Gia đình chị Hà cũng không có lệ mua tranh dân gian về treo tết. "Nhà treo đầy hàng mã thế này, lấy đâu ra chỗ treo tranh nữa". Dù chỉ là nhân công, nhưng với gia đình chị Nguyễn Thị Xuyên (thôn Đông Khê, xã Song Hồ), làm hàng mã đã trở thành nguồn thu thập chính. Ngoài việc trồng lúa, nhà chị Xuyên đã làm nghề này được khoảng 19 năm, với tiền công hơn 100 nghìn đồng/ngày. Hỏi tới nghề tranh dân gian, chị Xuyên tỏ vẻ xa lạ: "Từ khi về làm dâu, tôi đã thấy bố mẹ chồng làm hàng mã chứ chưa từng biết tới việc làm tranh. Nhà tôi cũng chẳng bao giờ treo tranh hay mua lịch in tranh Đông Hồ". Để tiếp cận thị trường, những nghệ nhân còn lại của làng Hồ đã sản xuất loại lịch tháng có in tranh dân gian trên giấy dó. Tuy nhiên sản phẩm này cũng không được nhiều người dân ngay trong vùng biết đến.
Tranh ra phố bị ế ẩm
Cùng với dòng tranh Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống cũng ngày một vắng bóng. Hiện dòng tranh này chỉ còn một nghệ nhân, ông Lê Đình Nghiên (65 tuổi, phố Cửa Đông, Hà Nội). Hiện sức khỏe ông Nghiên đã đi xuống, người con trai duy nhất kế tục nghề lại chưa thạo việc. Học để gìn giữ nghề là cả một chặng đường lâu dài, công phu, trong khi đó thú chơi của người Hà Nội đã thay đổi, làm tranh dân gian không còn phù hợp để mưu sinh. Giá tranh Hàng Trống khá cao so với sức mua của người dân. Một bức tố nữ (155 x 60 cm), tứ quý hoa quả hoặc ngư tiều canh độc (38 x 155cm) có giá khoảng 1,5 triệu đồng, bức tam phúc đa lộc thọ (70 x 1550 cm) có giá 450 nghìn đồng,… Người mua không dám… chơi sang, còn người làm lại không đủ tâm huyết với nghề công phu, tỉ mẩn này. Để làm được một bức tranh Hàng Trống, từ công in đến công đóng nẹp phải mất 3-4 ngày. Với những bức nhiều chi tiết như Tứ Phủ, Ngũ hổ, tranh truyện Chiêu Quân cống Hồ, Hán Sở tranh hùng,… thời gian hoàn thành còn dài hơn thế.
Trước đây, bên cạnh việc treo Tết, tranh dân gian còn là sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, sản phẩm này ngày càng vắng bóng trên các con phố cổ Hà Nội. Hỏi mua tranh Hàng Trống tại những khu phố chuyên bán đồ lưu niệm như Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bè,… chủ các cửa hàng đều lắc đầu nói không có. Một vài cửa hàng còn bán tranh Đông Hồ song mức tiêu thụ không cao.
Chủ một hàng lưu niệm tại 39 Tràng Tiền cho hay bộ tranh Đông Hồ chị lấy về mấy tháng nay mới bán được 2-3 bức. Tranh bán chậm nên các cửa hàng cũng không treo bày. Khách du lịch không được quảng bá về tranh dân gian Việt Nam nên chủ yếu mua bưu thiếp, ảnh chụp, túi thêu làm đồ lưu niệm. Một số cửa hàng chỉ bán tranh Đông Hồ theo bộ với giá 250 - 350 nghìn đồng, tùy theo bộ tranh gồm 10, 15 hay 20 bức, nên không nhiều khách bỏ tiền ra mua.
"Tranh dân gian bán cho khách trong nước chẳng mấy ai mua, nếu có thì đều là người Huế. Người nước ngoài họ có biết đến tranh Đông Hồ, hay Hàng Trống đâu mà mua", chủ hiệu Thuy Nga gallery (43A Hàng Bè) chia sẻ. Một du khách nước ngoài, ông Alan Eiser (California, Mỹ) chia sẻ ông từng đến Việt Nam nhiều lần, thường mua đồ tại các shop hàng lưu niệm truyền thống của Việt Nam nhưng ông không biết tranh Đông Hồ, hay Hàng Trống do chưa từng nghe shop nào quảng bá.
Trước thực trạng thị trường tranh dân gian ngày càng tàn lụi, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai dự án xây dựng bảo tàng lưu trữ tranh Đông Hồ tại Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ông Nguyễn Đăng Chế cho biết dự án sẽ được thực hiện vào năm 2014. Vừa qua, tổ chức Pháp EFEO đã cho ra mắt bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam gồm 473 phiên bản của tác giả người Pháp Maurice Durand.
Giáo sư sử học Phan Huy Lê cũng bày tỏ băn khoăn về việc bảo tồn tranh dân gian Việt. Ông cho biết: "Cách đây hơn chục năm, trong chuyến công tác ở Tây Bắc, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà đồng bào dân tộc nơi đây, nhất là dân tộc Tày treo tranh Đông Hồ ngày Tết. Nhưng gần đây không còn nữa, tranh dân gian dùng để làm sản phẩm du lịch ở Hà Nội cũng hiếm dần". Theo Giáo sư Lê, việc bảo tồn tranh dân gian đòi hỏi nhiều tổ chức cùng vào cuộc, phải có kế hoạch cụ thể, trong đó, việc khôi phục tục treo tranh ngày Tết và đưa tranh dân gian vào lĩnh vực du lịch là hai hướng đi cần lưu ý.
.