Tôi trộm nghĩ, vấn đề đáng báo động hiện nay không chỉ là chuyện y đức. Nó là chuyện đạo đức nói chung trong xã hội đang bị xuống cấp trầm trọng, trong đó có y đức. Một khi đạo đức bị xói lở, bị đặt xuống hàng thứ yếu thì không thiếu gì những chuyện kinh dị xảy ra. Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Câu hỏi nhức nhối này thật không dễ trả lời...
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng nóng ran lên vì một tin giật gân, rùng rợn: Một bác sĩ làm chết bệnh nhân đến phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở tư của mình đã đang tâm mang xác bệnh nhân ném xuống sông Hồng để phi tang. Người nhà nạn nhân xấu số cùng các cơ quan chức năng đã phải khốn khổ quần thảo suốt hàng chục kilômét đường sông mà cả chục ngày rồi vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân đâu. Cả xã hội phẫn nộ trước sự xuống cấp của y đức mà vụ thẩm mỹ viện vứt xác này là hồi chuông khẩn cấp thứ bao nhiêu gióng lên chẳng rõ. Nhưng làm thế nào để vấn đề y đức được cứu vãn thì nghe chừng tất cả vẫn loay hoay, kể cả Bộ trưởng Bộ Y tế...
Riêng tôi thì trộm nghĩ, vấn đề đáng báo động hiện nay không chỉ là chuyện y đức. Nó là chuyện đạo đức nói chung trong xã hội đang bị xuống cấp trầm trọng, trong đó có y đức. Một khi đạo đức bị xói lở, bị đặt xuống hàng thứ yếu thì không thiếu gì những chuyện kinh dị xảy ra. Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Câu hỏi nhức nhối này thật không dễ trả lời.
Ngày xưa, khi chúng ta còn đang trong thời kỳ bao cấp, khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội cố nhiên là có, nhưng không sâu, không rộng, không có độ chênh nhiều. Lắm khi chỉ là hơn nhau ở nồi cơm không độn, tấm áo không vá, cái xe đạp ít bị chằng buộc lốp bằng những đoạn cao su sù sụ như thể bệnh nhân gãy tay bị bó bột...
Vụ Nguyễn Mạnh Tường đặt ra vấn đề không chỉ là chuyện y đức |
Ra khỏi thời kỳ bao cấp, xã hội như được thay da đổi thịt. Kinh tế phát triển hơn. Nếu như hơn hai chục năm về trước, người ta chỉ lo đến miếng cơm manh áo, lo làm sao có đủ gạo ăn cho cả gia đình để không bị đói đã là hạnh phúc rồi, thì bây giờ lắm người lại chỉ lo làm sao đừng tăng cân, đừng bụng to, đừng béo phì. Gặp nhau, khen nhau dạo này gầy đi, hoặc là vẫn giữ được dáng thanh mảnh là mừng lắm, sướng lắm.
Người Việt Nam, qua những tháng năm ròng rã đói kém, đến thời điểm có tí "của ăn của để" (đúng theo nghĩa đen) thì mừng lắm. Sau đói khổ, hình như tư duy con người ta cũng khác. Cái ký ức kinh hoàng về đói kém vẫn nguyên vẹn nên tư duy của phần đông là cứ phải có "tí tiền của" thì mới ra con người, mới oai, mới là thành đạt.
Nghèo đói về kinh tế ắt hẳn bị khinh rẻ. Phải là không năng động, không giỏi giang, không nhạy bén thì mới không kiếm được tiền chứ! Cho nên, cứ ai nhiều tiền hơn, người ấy ắt được kính trọng hơn, bất biết những người nhiều tiền ấy kiếm tiền bằng cách nào. Thậm chí, biết mà như không. Biết mà vẫn tung hô.
Ví như một loạt các cô diễn viên, người mẫu, ca sĩ. Tài năng thì chưa thấy đâu, vì phần đông dân chúng chưa thấy các cô hát hò, biểu diễn thể hiện tài năng ở đâu, nhưng cứ thấy đùng một cái cô này khoe cái váy đáng giá mấy triệu đô (nhân dân chắc cũng không rành cái khoản đô điếc quy đổi ra tiền Việt là thế nào, nhưng chỉ nghe đến con số mấy triệu là đã thấy kinh rồi), cô kia khoe cái đồng hồ tiền tỉ, cô nữa cái xe, cái nhẫn kim cương, cái biệt thự, cái du thuyền.... với giá mà nếu quy ra tiền Việt thì một công chức nhà nước mẫn cán chỉ lĩnh lương tháng có hết đời ông, qua đời cha, xuống đời con, ngoằng sang đời cháu cũng đừng có mơ chạm tay vào.
Các cô ấy lấy tiền ở đâu ra? Ai mua vé vào xem các cô ấy biểu diễn? Mà biểu diễn ở đâu? Mỗi buổi biểu diễn được mấy đồng tiền cátxê? Có đủ ăn uống, đi lại, váy áo, phấn son (loại bình thường thôi nhá, không tính đến loại nghìn đô trở lên)... không? Chẳng ai biết tường tận các cô lấy tiền đâu. Chỉ thi thoảng cứ thấy đùng một cái, cô thì bị bắt vì làm gái mại dâm và môi giới mại dâm, cô thì có ông chồng hờ buôn lậu, cô thì lên báo úp mở khoe khoang về cái nỗi có đại gia nọ, đại gia kia...
Nghe đâu, có cô gái mại dâm đã than với một nhà báo nọ về nỗi: Sao đời bất công đến thế! Cái lũ mại dâm công khai cả trên mặt báo thì được tung hô, thu cả đống tiền, ăn trên ngồi trốc thiên hạ, thành thần tượng nọ kia của giới trẻ. Còn cái bọn mại dâm đã cố tình kín đáo như chúng em, vì vẫn còn sợ nhục, sợ liên lụy đến người thân... thì ai cũng lên án kịch liệt, lại nay bị truy, mai bị bắt. Báo chí cũng nháo nhào cả lên. Ca sĩ không chồng mà đẻ con cũng lên báo, tuyên bố này nọ về tình mẫu tử thiêng liêng và người đàn ông trong bóng tối của mình. Bao nhiêu cô cứ thế không chồng mà đẻ. Bao nhiêu anh cứ thế làm người ta có chửa rồi lại không nhận con. Thế mà chẳng ai lấy làm phiền lòng.
Nhà báo cứ viết, cứ trân trọng cái gọi là tình mẫu tử, cái gọi là nghị lực làm mẹ đơn thân (xin lỗi, thời các cụ, tội ấy đáng gọt đầu bôi vôi, nhẹ thì mõ dong khắp làng, nặng thì đóng bè trôi sông). Nhưng thời này, các cô ấy vẫn là thần tượng của giới trẻ mới đau lòng! Bao nhiêu các cháu cứ bị ngợp trước cái nhẫn mấy nghìn đô, cái du thuyền mấy triệu đô, cái váy ti tỉ đồng, rồi lại ngợp trước cái váy hở chỗ này, cái áo hở chỗ kia, rồi nghĩ cứ phải tụt hết ra cho thiên hạ nhòm vào mới nhanh nổi tiếng, mới có lắm tiền. Mà khi có lắm tiền thì tha hồ vênh váo, coi thiên hạ như rơm như rác cũng chả sao. Không nhận đến cả bố đẻ mình cũng chả sao. Trong trường hợp ấy, đạo đức nào còn chỗ trú chân nữa?
Kiếm tiền, kiếm tiền bằng mọi giá sẽ trở thành câu khẩu hiệu thúc giục giới trẻ tiến lên. Cho nên, sẽ không lạ lùng gì khi một cậu bé chưa tròn mười tám, để lấy được tiền trong két sắt đã nhẫn tâm đập chết bố đẻ mình, dùng cưa máy cưa xác thành nhiều mảnh, cho vào bao, vứt xuống sông, rồi quay về mang tiền đi ăn chơi... Đạo đức bị giết chết chính ở chỗ đó chứ đâu. Mà khi đạo đức chết rồi, thì phận người mong manh lắm.
Trẻ con ngồi trên ghế nhà trường, bị nhồi sọ đủ thứ kiến thức ghê gớm trên đời nhưng riêng cái món đạo đức xem chừng hơi nhẹ, hơi ít. Thì đạo đức sao được khi thiên hạ cứ ra rả kêu ngành Giáo dục, chỗ này các thầy cô đua nhau dạy thêm, ép trò đi học để lấy tiền; chỗ kia các thầy cô gây sức ép lên phụ huynh bắt buộc các vị phải cư xử "biết điều" nhân dịp này dịp nọ có hơi ho lễ lạt một chút.
Rồi báo chí đưa tin thầy này gạ đổi tình nữ sinh lấy điểm, thầy kia dụ dỗ học trò nữ vào nhà nghỉ... Học trò có thể vào mạng nhoay nhoáy, thông thạo đủ thứ trên đời, nhưng hiếm đứa ngồi tử tế đọc hết cuốn sách văn học kinh điển mà xa xưa cha ông nó say mê. Sờ đến truyện tranh cho trẻ con mẫu giáo cũng toàn thấy bạo lực với khiêu dâm.
Động đến thế giới giải trí là thấy game bạo lực, thấy các cô ca sĩ, diễn viên mắt xanh mỏ đỏ hở hang uốn éo, rên rỉ, quằn quại, thấy các cuộc thi vớ vẩn, lãng xẹt mà giải thưởng khổng lồ. Bọn trẻ không được định hướng một cách nghiêm túc từ nhỏ xem chuẩn giá trị của con người là gì. Chỉ thấy lắm tiền là được tung hô. Chỉ thấy hở hang là được tán thưởng. Như thế, sao mà không "lệch chuẩn đạo đức" cho được.
Bây giờ, hiếm thấy ai mua tặng nhau cuốn sách hay vào các dịp kỷ niệm hay lễ, tết. Đối với học trò, học môn văn là một cực hình. Khi thi đại học, học sinh chỉ nhăm nhăm chọn trường nào, ngành nào mà lúc ra trường phải kiếm được nhiều tiền (dưới sự tư vấn, định hướng rất tích cực của các bậc phụ huynh).
Tiền trở thành thước đo giá trị con người. Các ngành khoa học nhân văn ngày một thu hẹp lại. Các ngành kinh tế lại được đà phát triển như nấm sau mưa. Ngay trước mắt có thể chưa trực tiếp nhìn thấy hệ lụy của việc này, nhưng rồi chỉ sau dăm, mười năm nữa, chúng ta sẽ phải trả giá cho chính chuyện này.
Kinh tế phát triển phải đi liền với sự phát triển của văn hóa và khoa học nhân văn. Nếu không, sẽ có thế hệ bị rơi vào khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng tâm lý, ý thức hệ của châu Âu đầu thế kỷ XX. Chính lúc cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng khoa học công nghệ mang lại những biến đổi vĩ đại cho nền sản xuất, cho đời sống vật chất của con người, mang lại sự "bùng nổ kinh tế" vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX thì cũng là lúc con người nhận ra "những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần".
Sống trong xã hội vật chất mà cả một thế hệ thanh niên bị khủng hoảng tinh thần vì chán ngán, vì cảm thấy trống rỗng, không tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Con người bị biến thành những cỗ máy vô cảm. Bao nhiêu tiền bạc cũng không là cứu cánh cho cuộc sống con người được.
Cho nên, thiết nghĩ, trước khi dạy học sinh những núi kiến thức khổng lồ khiến cho ngay cả các cháu tiểu học cũng còng lưng vì cặp sách quá nặng, hãy dạy các cháu biết yêu thương từ cỏ cây, hoa lá; biết nâng niu cả những con vật xung quanh.
Trước khi cho các cháu tiếp cận với những điều to tát trong thế giới khoa học mênh mông, hãy cho các cháu biết lắng nghe tiếng khóc của những kẻ lầm than, yếu đuối, khổ đau để biết chia sẻ, cảm thông.
Hãy cho các cháu biết thương những phận người không may mắn chứ không phải vênh váo, coi thường.
Hãy tặng cho con cái những cuốn sách chứ không phải những đồng tiền lạnh lẽo trong những ngày kỷ niệm của chúng.
Hãy chỉ cho các cháu cách sống cho thành người chân chính chứ không phải dạy các cháu đánh giá người qua những thứ phù phiếm bên ngoài.
Và khó nhất, nhưng cũng quan trọng nhất, là người lớn chúng ta phải sống đúng, phải định lại một loạt các giá trị như nó vốn có, để lớp trẻ đừng lầm lẫn, đừng hoang mang.
Tất cả mọi hành động ngày hôm nay đều có căn nguyên từ trong quá khứ, nói như nhà Phật là đều có nhân quả cả. Cho nên, nếu cứ loay hoay bàn riêng chuyện y đức hay bàn chuyện ra những bộ luật thế nào để trừng trị nghiêm minh những kẻ phạm tội nghe chừng chỉ là tìm cách để hớt đi phần ngọn. Cái gốc còn sờ sờ ra đó thì cái ngọn có hớt hôm nay, mai lại mọc dài hơn thôi.
Gốc của nó là vấn đề nhân cách, là vấn đề đạo đức của con người…