Hiện đang là thời điểm “nước rút” các thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Trong bối cảnh “nở rộ” các trường ĐH, CĐ như thời gian qua, để không lặp lại tình trạng “khát” thí sinh dự thi như đã từng xảy ra ở những mùa tuyển sinh trước, nhiều trường ĐH, CĐ, nhất là các trường ngoài công lập đã có nhiều cách khác nhau nhằm thu hút sự chú ý của thí sính.
Bên cạnh việc tiếp thị, quảng cáo qua các phương tiện thông tin đại chúng, không ít trường còn cử đại diện về tận các trường THPT, dưới hình thức tư vấn tuyển sinh nhằm định hướng, “lôi kéo” thí sinh đăng ký dự thi vào trường mình. Công tác tư vấn tuyển sinh vì thế chưa mang tính định hướng khách quan, hiệu quả, thiết thực.
Trước mỗi mùa tuyển sinh, công tác tư vấn tuyển sinh có vai trò hết sức quan trọng. Tư vấn tuyển sinh có hiệu quả, thiết thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh cuối cấp chọn đúng trường, đúng ngành phù hợp với nguyện vọng, sở thích, năng lực học tập của bản thân và nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội.
Công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh trước mùa thi cần phải hiệu quả và thực chất hơn - Ảnh minh họa
Chọn ngành, chọn trường thi đúng không chỉ là khâu quan trọng ảnh hưởng tới kết quả kỳ thi của mỗi thí sinh mà còn tránh lãng phí thời gian, tiết kiệm được tiền của cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh ở nhiều trường THPT hiện còn gặp không ít khó khăn.
Thực trạng trên đã dẫn tới việc “đói” thông tin tuyển sinh từ các nguồn chính thống. Phần lớn học sinh phải tự mò mẫm, tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác nhau như: Hỏi anh, chị ở các khóa trên, lấy thông tin từ sách, báo, Internet… Đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nhất là với những trường mới mở, “thương hiệu” chưa được khẳng định, tình trạng học sinh mù mờ về thông tin liên quan tới công tác tuyển sinh của những trường này là khá phổ biến.
Trước tình hình trên, bên cạnh việc đẩy mạnh khâu tiếp thị, quảng cáo qua các phương tiện thông tin đại chúng, không ít trường ĐH, CĐ ngoài công lập còn cử đại diện về tận các trường THPT thực hiện tư vấn tuyển sinh nhưng thực chất là hướng thí sinh đăng ký dự thi vào trường mình hoặc “gợi ý” thí sinh đăng ký xét tuyển NV2, NV3 nếu không trúng tuyển vào NV1.
Việc tư vấn tuyển sinh dưới hình thức nêu trên có thể xem là một “kênh” để học sinh các trường THPT có thêm nguồn thông tin trực tiếp về các trường CĐ, ĐH. Tuy nhiên, do đây là hoạt động ít nhiều mang tính thời vụ, tự phát nên thực tế triển khai còn bộc lộ không ít bất cập.
Trước hết, do eo hẹp về mặt thời gian, đại diện các trường ĐH, CĐ phải “chạy sô” ở nhiều trường THPT khác nhau để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng học sinh nên việc “tư vấn” thường chỉ được diễn ra trong thời gian ngắn, chủ yếu được lồng ghép trong tiết chào cờ đầu tuần hoặc xen vào các tiết dạy chính khóa của giáo viên.
Nói là tư vấn tuyển sinh nhưng thực chất, đại diện của các trường ĐH, CĐ đang có nhu cầu “mở mang” nguồn tuyển thường tận dụng khoảng thời gian ít ỏi này để quảng cáo, giới thiệu, chủ yếu là “nói hay, nói tốt” về trường mình. Chẳng hạn như: Điều kiện cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giảng viên hùng hậu, có chất lượng với nhiều giáo sư, tiến sỹ; chế độ học bổng hấp dẫn, miễn giảm học phí hợp lý…
Do chỉ là nguồn thông tin từ một chiều nên mức độ chính xác nhiều khi không được đảm bảo, các thông tin, số liệu thường được làm “đẹp hóa” nhằm mục đích tạo ấn tượng tốt đối với học sinh. Đáng nói là, tình trạng khan hiếm người học ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập diễn ra khá phổ biến dẫn tới việc tư vấn tuyển sinh cho học sinh trở nên tràn lan nhưng không có chiều sâu, không mang tính định hướng khách quan, thiết thực. Tư vấn tuyển sinh quá nhiều dẫn tới hiện tượng nhiễu thông tin, khiến học sinh không biết nghe ai và chọn thi trường nào cho phù hợp.
Thời gian qua, dư luận không khỏi quan ngại trước thực trạng cử nhân tốt nghiệp ra trường không có việc làm đang có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình đó, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh càng có vai trò quan trọng. Mặc dù vậy, tư vấn định hướng học sinh chọn nghề phù hợp cho tương lai là công việc cần được tiến hành sớm và thường xuyên chứ không nên theo trào lưu, cảm tính.
Do đó, trước khi “tạo điều kiện” để đại diện các trường ĐH, CĐ làm công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh trường mình, các trường THPT cần có biện pháp thẩm định đầy đủ mức độ chính xác của những thông tin mà các trường ĐH, CĐ đưa ra. Tránh để học sinh phải tự “bơi” giữa “ma trận” của các lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn.
Tổ chức Đoàn thanh niên, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong các đơn vị trường học cần làm tốt hơn công tác tư vấn, định hướng việc chọn ngành, chọn nghề cho học sinh ngay từ lớp 10, 11. Về lâu dài, công tác phân luồng hướng nghiệp cần được tiến hành đồng bộ, có hiệu quả ngay từ những lớp cuối cấp THCS. Một mặt, vừa góp phần tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như trong thời gian qua, vừa giúp học sinh chuẩn bị sẵn tâm thế để tự tin lựa chọn ngành nghề phù hợp cho tương lai.
Bùi Minh Tuấn
.