Vì tình yêu học sinh
Bản Thăm Thẩm có 18 hộ gia đình, là một trong những bản khó khăn và xa nhất của xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Địa hình đi lại hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, nhưng ở nơi đó có vợ chồng thầy giáo trẻ từ miền xuôi lên đây bám bản gieo chữ, họ là Kha Văn May và Kim Thị Minh.
Phải mất hơn hai tiếng đồng hồ chạy xe máy, qua những cung đường đá gồ ghề, trơn trượt nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi, một bên là vực sâu, nếu không cẩn thận có thể bị rơi xuống vực bất cứ lúc nào, chúng tôi mới tới được bản Thăm Thẩm gặp vợ chồng thầy giáo Kha Văn May.
Thầy giáo Kha Văn May (SN 1978) tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương, trong một gia đình nông dân, đông anh em. Sau khi học xong THPT, anh May lên Kỳ Sơn theo học lớp giáo dục phổ thông sư phạm. Ở lớp học này, anh đã gặp và yêu chị Kim Thị Minh (SN 1980) học cùng trường ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Sau khi tốt nghiệp, anh May tình nguyện vào xã Nhôn Mai. Anh được phân công cắm bản ở Huồi Cọ, năm 2003 được phân về Thăm Thẩm, bản xa nhất của xã Nhôn Mai.
Thầy giáo May kể về những ngày đầu lên Nhôn Mai: “Lúc đầu mới lên đây gặp rất nhiều khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, nguy hiểm, từ đường chính vào đến điểm trường Thăm Thẩm phải đi bộ hết 1 ngày đường mới đến nơi, bản làng heo hút, nghèo nàn, điện không có, điều kiện sống hết sức khó khăn, phân hiệu trường chỉ là một căn lều tạm bợ, các em học sinh ăn mặc rách nát trong cái lạnh của mùa Đông vùng biên. Bà con ở đây là người Mông, Khơ mú rất hiền lành giúp tôi dựng lán trại tạm bợ ở trường, những ngày nghỉ dạy, tôi phải xuống từng nhà để thăm bà con và vận động các em đến trường”.
Gia đình nhỏ của thầy giáo Kha Văn May
Lúc này chị Minh, vợ anh đang dạy ở Kim Tiến, sau khi bà con chuyển đi nơi ở mới nhường đất cho Thủy điện Bản Vẽ, chị cũng tình nguyện lên Nhôn Mai với chồng. Vì là phụ nữ, chị được dạy ở trường chính, nhưng thương chồng vất vả, những lúc ốm đau không người chăm sóc, chị viết đơn xin với Ban giám hiệu được chuyển đến Thăm Thẩm cùng chồng “cắm bản” gieo chữ cho các em học sinh ở bản làng heo hút này.
Chị Minh chia sẻ: “Tôi làm đơn xin vào đây với chồng, cho dù xa xôi hẻo lánh đến mấy cũng chịu được. Có hôm đi dạy tôi phải cõng cả đứa con nhỏ đến trường, có hôm phải thuê người trông cháu mới yên tâm giảng dạy. Biết hoàn cảnh các em học sinh ở đây rất khó khăn, nên muốn cùng chồng giúp đỡ các em có điều kiện học hành”.
Ở Nhôn Mai, khí hậu khắc nghiệt, không có điện, mọi điều kiện sống hết sức khó khăn đối với các thầy, cô giáo mỗi khi “cắm bản”, vậy mà mười năm nay anh May, chị Minh vẫn kiên trì bám trụ gắn bó với bà con dân bản. Nhiệt tình xóa mù chữ cho các em nhỏ ở nơi xa xôi hẻo lánh này, nên vợ chồng anh được bà con trong thôn rất tin yêu và dựng cho ngôi nhà tranh, sinh hoạt cùng bà con.
Mong tương lai tươi sáng
Điểm trường Thăm Thẩm nằm chênh vênh trên ngọn núi cao, dù là thầy cô “cắm bản”, nhưng hàng ngày vợ chồng anh phải leo dốc hơn 15 phút mới đến trường. Nhìn các em học sinh nơi đây theo chân thầy, cô giáo đến lớp, mà trong lòng chúng tôi cảm thấy ấm áp. Dù xa xôi hẻo lánh nhưng sức học của các em vẫn không thua gì nơi khác. “Từ đầu năm đến giờ ở đây không có em nào bỏ học” - Thầy May vui mừng cho biết.
Học sinh điểm trường Thăm Thẩm chỉ có 16 em từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp 1 + 2 có thầy Và Bá Chái phụ trách, lớp 3 + 4 do thầy May phụ trách, lớp 5 do cô Minh phụ trách. Nhìn đám học trò lèo tèo vài đứa mà lòng thầy cô giáo như thắt lại, nhiều đêm ngủ, giữa núi rừng nghe tiếng gà gáy sáng mà nỗi nhớ nhà càng tăng lên gấp bội.
Có những lúc cả hai vợ chồng nhớ nhà, cậu con trai lớn của anh chị là Kha Quế Dương năm nay đang học lớp 5 phải gửi bà ngoại ở thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Tranh thủ ngày nghỉ, hai vợ chồng đi bộ từ Thăm Thẩm xuống đến xã Châu Thôn hết một ngày đường mới có xe lai về thị trấn. Những lúc về nhà thấy con đòi theo cha mẹ, anh chị phải nói dối con: “Lên trên đấy không có cơm ăn đâu, cha mẹ phải ăn rau rừng đó, con không chịu được đâu”. Nói như vậy con trai anh chị mới chịu ở lại với bà ngoại.
Bữa cơm của các thầy giáo cắm bản
Nói về chuỗi ngày gian nan của vợ chồng thầy giáo “cắm bản” Kha Văn May, có kể cả ngày cũng không hết. Con đường vào với điểm trường đầy gian nan, nếu chạy xe máy bình thường cũng mất hơn 2 giờ đồng hồ, thức ăn phải nhờ người dân mua. Nếu trời mưa bà con không ra được trung tâm xã, hai vợ chồng phải ăn măng, củ chuối rừng hoặc đến nhà người dân xin rau ăn tạm.
Dù khó khăn vất vả là thế nhưng vợ chồng thầy giáo Kha và các em học sinh đã cùng nhau vượt qua tất cả, nhiều em học sinh của thầy cô đã học đến cấp 2, cấp 3 như em Mong Văn Nghệ, Và Y Dâu, có em còn được học ở trường nội trú tỉnh như Và Bá Giống. Đó là một kỳ tích của vợ chồng anh Kha cũng như các em học sinh ở ngôi trường còn nhiều gian nan này.
“Ngày nay bà con người Khơ mú, người Mông đã ý thức được việc học của con em mình nên chúng tôi không còn phải vất vả đi vận động như trước đây nữa” - Cô Kim Thị Minh chia sẻ. Những ngày đầu mới lên công tác ở bản vùng cao này mỗi năm chỉ có 9 - 10 học sinh, năm nay được 16 em là đông lắm rồi, việc các em đến lớp thường xuyên cũng làm cho công việc dạy học của vợ chồng thầy Kha thêm phấn khởi.
Gắn bó với núi rừng, với bà con dân bản và các em học trò nghèo đã 10 năm nay, anh Kha, chị Minh đang thấy rõ những nét đổi thay trong ý thức của bà con dân bản. Và họ hy vọng vào một tương lai không xa, những em học trò của họ như Mong Văn Nghệ, Và Bá Giống, Và Y Dâu sẽ quay về dạy tiếp những thế hệ sau.
Lương Đậu
.