Vượt 30 cây số đường rừng, đèo dốc, chúng tôi đến bản Kìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Những người dân bản Kìm sống quần tụ trong những căn nhà gỗ đơn sơ, nằm rải theo các sườn dốc. Con suối Nậm Pông chảy ngoằn ngoèo như dải lụa ôm chân những quả đồi.
Bản Kìm có 76 hộ dân với 347 khẩu, chủ yếu làm nghề nông, làm nại trồng khoai sắn. Tất cả sống nhờ vào cây rừng. Bản Kìm là 1 trong 10 bản nghèo nhất trong số 19 thôn bản của xã Châu Phong. Bữa cơm hàng ngày của bà con chỉ nước mắm chấm với rau luộc hái nhặt ven suối. Người nào có chút tài lẻ về chuyện săn bắt thì gia đình thỉnh thoảng có thịt rừng hoặc cá sông.
Trưởng bản, anh Lô Minh Châu mới ngoài 30 tuổi, dáng nhanh nhẹn, thật thà. Anh nói anh rất mừng vì khi nào có đoàn công tác dưới xuôi lên là anh lại có chút nước mắm, cá khô. Rồi anh chí thú nói: “Trưa nay, ta ăn bữa cải rừng chấm nước mắm này nhé!”.
Cổng làng văn hoá bản Hủa Na, xã Châu Hạnh
Theo anh Ngô Minh Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, Trưởng Ban Dự án Thuỷ điện Nậm Pông thì lên bản Kìm lần này anh sẽ kiểm tra lần cuối tiến độ thi công công trình. Hai là anh sẽ xem mấy cái “công trình” được gọi là các công trình nhân văn có từ Dự án Thuỷ điện Nậm Pông. Cụ thể là 3 cái bể nước ở bản Nậm Pông và cái cổng làng văn hoá ở bản Hủa Na, xã Châu Hạnh.
Anh Châu dẫn chúng tôi đi xem 3 bể nước mà bản vừa làm xong. Ba bể nước được đặt ở 3 điểm trung tâm của bản, mỗi bể chứa 5 m3, lúc nào cũng đầy tràn. Nói bể nước tuy nhỏ thật nhưng ý nghĩa của nó đối với bản làng vô cùng lớn. Vì nó thể hiện sự quan tâm của chính quyền huyện, của lãnh đạo Ban Dự án đối với đồng bào bản Kìm. Nói là công trình nhân văn cũng không có gì quá đáng.
Chả là năm ngoái, Dự án Thuỷ điện Nậm Pông do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Gia Hưng thuộc một đơn vị quân đội đầu tư thi công. Bản Kìm nằm trong vùng giải phóng mặt bằng liên quan đến lòng hồ. Do phần đền bù thuộc đất cộng đồng nên theo quy định thì không được tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình thâm nhập thực tế, khảo sát, chứng kiến cuộc sống vất vả của bà con bản Kìm, những người trong Ban Dự án quyết định đưa diện tích đất cộng đồng ấy vào diện được hỗ trợ đền bù.
Một trong 3 bể nước ở bản Kìm, xã Châu Phong
Số tiền được hỗ trợ là 78 triệu đồng. Và Ban Dự án bàn bạc với bản là số tiền được hỗ trợ ấy bản nên làm 1 công trình gì đó. Cụ thể là công trình đường nước sinh hoạt đưa nước từ trên núi về bản. Theo Phó Ban Dự án Thuỷ điện Nậm Pông - Hoàng Trung Thông thì để làm được công trình dẫn nước này, anh phải cùng Trưởng bản Lô Minh Châu họp dân mấy cuộc. Số tiền dự án hỗ trợ chỉ 78 triệu đồng, mà theo tính toán sơ bộ để đưa được nước về bản số tiền phải lên đến gần 600 triệu đồng. Hai bên thống nhất tất cả số tiền ấy dùng mua vật tư.
Còn lại lấy sức dân bù vào. Hộ nào ủng hộ được gì cứ ủng hộ, từ công sức đến từng đoạn cây, gỗ, đến những dụng cụ làm. Nghĩa là tổng huy động. Vậy mà cũng mất gần 2 tháng mới hoàn thành. Một đường ống chiều dài 3,2 km đưa nước từ trên núi về 3 bể chứa tại 3 điểm trung tâm của bản. Nước này không chỉ phục vụ sinh hoạt cho cả dân bản mà 35 hộ của bản khác trong xã cũng đến đây lấy dùng.
Trưởng bản còn cho biết, trước đây khi chưa có 3 bể nước, người dân bản Kìm phải ra suối Nậm Pông gùi nước về đổ chum chờ lắng đục rồi mới nấu ăn. Năm 2005, có Dự án CHF đưa nước về bản Kìm. Nhưng qua khảo sát kinh phí dự kiến lên tới khoảng 250 triệu đồng (tương đương 700 triệu đồng bây giờ) nhưng không làm được vì giao thông khó khăn, kinh phí cao.
Anh Châu nói nay chỉ với 78 triệu đồng nhưng biết huy động sức dân, sự đồng thuận của bà con nên công trình hoàn thành.
Không những việc xây dựng 3 cái bể chứa nước ở bản Kìm, trong Dự án Thuỷ điện này, ở bản Hủa Na, xã Châu Hạnh cũng có số diện tích đất nằm trong diện đất cộng đồng. Tương tự như ở bản Kìm, Ban Dự án cũng họp bàn với lãnh đạo xã Châu Hạnh quyết định hỗ trợ 177 triệu đồng để bản làm 300m đường bê tông, (có chiều rộng 3m, dày 20cm), 1 sân bóng có diện tích 144m2, bờ rào Nhà Văn hoá bản dài 26m, cao 1,5m và 1 cổng chào rất hoành tráng.
Tâm sự với chúng tôi, Phó trưởng Ban Dự án - Hoàng Trung Thông nói rằng tất cả những công trình ấy cũng là vì dân bản, họ nghèo quá. Nếu hỗ trợ cho họ bằng tiền mặt thì sợ họ tiêu mất, không có hiệu quả. Vậy nên, bàn với họ là làm một công trình xây dựng gì đó để lại cho con cháu. Mai này nhắc đến công trình Thuỷ điện Nậm Pông người ta sẽ nhớ đến cổng làng, đến sân bóng, đến đường nước đưa từ trên núi về…
Trần Hoài Ngọc
.