Xót cho ngôi đình hơn 100 tuổi
Không có cây bồ đề, đình đã sụp Hiện tại, rễ của hai cây bồ đề đã quấn gần kín bức tường phía trước chánh điện, đâm sâu xuống đất. Một số rễ chạy dài theo các rường của mái đình, tạo thành những giá đỡ song song để phần mái, cột đã mục đến tám phần mười không bị sụp xuống. “Không có hai cây bồ đề thì đình chắc chắn đã bị sụp rồi” - cả ông Đời lẫn anh Bền đều lặp đi lặp lại với chúng tôi. |
Đình Tân Đông nằm giữa cánh đồng mênh mông, bên cạnh sân bóng đá của xã bị bỏ hoang, cỏ lấp chân người. Chúng tôi đến đây khi mùa gió chướng từ biển thổi vào đất liền rất mạnh. Từng đợt gió đông quay quắt, bụi con đường chính ngang ấp Gò Táo thổi tung trên những đống bêtông của cổng đình vừa bị húc đổ.
“Người ta húc đổ cổng đình để mở thêm đường đó” - ông Phan Văn Đời, người tự nguyện giữ cho ngôi đình không bị bỏ hoang từ mấy chục năm nay, buồn rầu giải thích khi có người hỏi thăm.
Cổng đình gãy đổ, bức bình phong sạm đen rêu mốc, phần võ ca (phần nhà phía trước, nơi thường làm sân khấu và các nghi thức cúng lễ) và hậu hiền (phần phía sau chánh điện) đã không còn, chỉ còn phần chánh điện (nơi đặt bàn thờ sắc lệnh vua ban cho một ngôi đình) nương theo rễ cây bồ đề quấn chằng chịt. Ngay trên cửa chính của chánh điện vẫn còn số năm 1907 được khắc nổi chen giữa hoa văn đặc trưng của kiến trúc đình thời Nguyễn.
Ông Đời năm nay đã 75 tuổi, vẫn nhớ như in cái thời ngôi đình còn đầy đủ. Đó là những dịp lễ kỳ yên (16-2 âm lịch), thượng điền (16-5 âm lịch), hạ điền (16-8 âm lịch) và lễ cầu Ông (16-11 âm lịch)..., từ chiều, người ở cách đó hơn chục cây số cũng lội bộ đến giành chỗ để xem hát tuồng, thành khẩn theo từng nghi thức cúng bái. “Mỗi lần lễ tổ chức hai ngày, dân làng họp nhau lại nấu ăn linh đình phần hậu hiền, mời các đoàn hát bội ở khắp nơi về kèn trống liên tục suốt đêm...” - ông Đời kể.
Rồi giọng ông chùng xuống: “Thời kháng chiến chống Pháp, đình Tân Đông là nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng. Đến giai đoạn đánh Mỹ, đình Tân Đông bị biến thành nơi giam giữ, trấn áp các gia đình có con em tham gia cách mạng. Trong hai năm đầu hòa bình lập lại, chẳng ai nghĩ đến chuyện cúng bái”.
Ngôi đình lần đầu bị bỏ hoang sau bao nhiêu năm làm tụ điểm văn hóa chính của vùng, cho đến năm 1978, ông Đời bàn với vợ giết thịt hai con gà đem ra hương khói lại. Sau đó mấy năm người dân mới định kỳ đến cúng bái vào các dịp lễ.
“Bó tay” vì không kinh phí
Anh Nguyễn Công Bền - cán bộ văn hóa xã Tân Đông - cho biết năm 1907 chỉ là năm trùng tu ngôi đền này. Theo anh, ngôi đền phải có từ thời vua Minh Mạng (1791-1841) bởi trước đây những người già trong làng vẫn còn thấy được tờ sắc “thành hoàng bổn cảnh”, nhằm khôi phục uy danh của vị Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), người từng góp công lớn trong công cuộc phục ngôi của vua Gia Long và xây dựng miền Nam. Tờ sắc này đã bị mất vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Trước khi ngôi đình hoang tàn, ba cây bồ đề vốn mọc từ trên nóc phần chánh điện khoảng 30 năm trước đã kịp trổ rễ xuống ôm một phần mái. Cũng khoảng năm 1990, một cây bồ đề phía bên phải đã bị một số người đến gỡ về... làm cảnh. May sao những người dân quanh đó phát hiện kịp thời nên còn giữ được hai cây còn lại.
Có khung rễ bồ đề, đình chưa sập. Nhưng những người có trách nhiệm với ngôi đình như anh Bền hay những người đã gửi hết tâm linh vào ngôi đình như ông Đời vẫn hiểu rằng mùa mưa gió năm tới, ngôi đình may lắm còn lại bức tường mặt tiền của chánh điện. Bởi các cột, rường to hơn thân người, phần nóc mái nhiều nơi đã rã mục hoàn toàn, không còn kết nối. Mái đình thủng lỗ chỗ, hai cửa sổ phụ hai bên đã bị đục trống hoác. Cả ba bàn thờ ở giữa chánh điện chỉ còn hai là nguyên vẹn, đầy đủ họa tiết hoa văn, còn bàn thờ phía tả đã bị đập phá từ lâu, vừa được người dân dùng gạch xây lại sơ sài.
Cả phần đình nép dưới chùm rễ bồ đề rêu phong, chỉ còn tấm sắc lệnh nền đỏ chữ vàng mới được đưa vào hai năm trước là còn tươi màu. “Đó là các tấm sắc lệnh mới được chúng tôi làm thay vào để tổ chức ngày lễ trao bằng di tích cấp tỉnh vào tháng 12-2010” - anh Bền cho hay. Ngày trao bằng di tích cấp tỉnh, người ta lại tổ chức ăn uống nơi phần võ ca chỉ còn trơ lại nền đất. Người dân ấp Gò Táo cả mừng khi nghĩ rằng ngôi đình đã được Nhà nước quan tâm, chắc chắn sẽ tiếp tục bền bỉ với thời gian.
“Nhưng kinh phí để trùng tu ngôi đình lại đầy đủ như xưa phải là tiền tỉ, hay ít nhất việc gia cố để đình không bị sập cũng phải gần 600 triệu. Mà di tích cấp tỉnh thì huyện lo, chứ ngân sách của tỉnh không thể cân đối để hỗ trợ được phần này. Huyện đã có chủ trương cho xã Tân Đông vận động mạnh thường quân đóng góp giữ đình. Muốn đề xuất lên thành di tích quốc gia thì cũng phải còn đầy đủ, chứ đằng này sắp sập rồi...” - ông Phạm Văn Bé, phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết.
Trong khi đó, anh Bền cho hay những người tâm huyết với ngôi đình này chủ yếu là người dân quanh vùng ấp Gò Táo. Hai năm qua, xã đã đi vận động hết thảy cũng chỉ mới được một vài người hứa ủng hộ với tổng số tiền vỏn vẹn khoảng 20 triệu đồng. “Bó tay, đành để mấy cây bồ đề chống đỡ chứ không biết làm gì hơn” - anh Bền buột miệng.
Ông Đời và người cháu của mình vẫn thay phiên nhau thắp vài cây nhang, phủi chút bụi nơi tấm sắc lệnh vừa mới được công nhận là di tích lịch sử. “Tui đã yếu rồi, giờ vài ngày mới ra thắp hương được một lần, nếu không có cách nào khác thì đành hi vọng ngôi đình sẽ không sụp trước mình vậy” - hai vợ chồng ông Đời nhìn nhau nghẹn ngào.
Sẽ kiểm tra, đánh giá
Ông Nguyễn Ngọc Minh - giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang - cho biết: “Việc cấp giấy chứng nhận di tích cấp tỉnh cho đình Tân Đông nhằm giữ lại ngôi đình tránh việc bị người dân vào đó xâm phạm, phá hoại. Tỉnh cũng nghe nói về việc ngôi đình này đang xuống cấp, nhưng hiện không đủ kinh phí để tu bổ lại. Trên địa bàn Tiền Giang còn rất nhiều di tích cấp tỉnh cũng đang xuống cấp như vậy nên tạm thời chúng tôi chưa thể cân đối ngân sách để trùng tu. Nếu tình trạng ngôi đình Tân Đông xuống cấp quá trầm trọng và việc tu sửa trở nên cấp bách như vậy thì chúng tôi sẽ cho người tới kiểm tra, đánh giá để có kế hoạch tu sửa ngôi đình trong thời gian sớm nhất”.