Đã hơn 55 năm trôi qua, kể từ lần được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong dịp Bác về thăm quê, ông Chu Mạnh Tấn dù đã ở tuổi gần đất xa trời nhưng kỷ niệm về giây phút vinh dự, thiêng liêng được gặp, được bảo vệ Bác Hồ vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông.
Tôi đến gặp ông Tấn trong một ngôi nhà khá khang trang ở khối 14, xã Nghi Phú, TP Vinh. Ông Chu Mạnh Tấn, tên thật là Nguyễn Mạnh Tấn, quê ở Đông Hưng, Thái Bình. Ở tuổi 87 nhưng ông Tấn vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong ký ức của ông, có những câu chuyện ông kể cho tôi nghe vẫn còn dang dở vì trí nhớ đã sa sút đi nhiều, nhưng riêng chuyện về Bác Hồ thì ông vẫn nhớ như in.
Từ nhỏ, ông Tấn nổi tiếng là thông minh, học giỏi nhất làng, ngoài ra ông học thông, viết thạo tiếng Pháp. Năm 19 tuổi, ông Tấn lên đường nhập ngũ, đóng quân ở huyện Tiên Hưng, Thái Bình, thuộc Đại đội 54, Quân khu 4. Cùng năm đó, ông được kết nạp vào Đảng. Vào quân ngũ một thời gian không lâu, năm 1946, ông là Chính trị viên Đại đội Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và là Bí thư Chi bộ.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn (đứng ngoài cùng bên phải) chụp chung với Bác trong chuyến Bác Hồ về thăm quê năm 1957
Là một chính trị viên, ông là tấm gương sáng về lối sống và đạo đức mẫu mực cho các đồng đội, ông là trung tâm đoàn kết và là người có uy tín trong đơn vị. Sau này, ông được phong hàm Thượng úy, được bổ nhiệm giữ chức vụ trong Ban Giám hiệu nhà trường và là Chủ tịch hội đồng binh sỹ. Ông được giao nhiệm vụ tuyển quân ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh để tiếp viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những năm đó, ông đi vào các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để tuyển quân và chịu trách nhiệm huấn luyện tân binh ở Yên Thành. Nhớ lại lần được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác, ông Tấn bồi hồi: “Hôm đó, ngày 12/6/1957, tôi đang ở đơn vị thì có cán bộ ngoài Trung ương về báo tin Bác sẽ về thăm quê và giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác, chuẩn bị các công tác để đón Bác về.
Lần đầu tiên được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ tôi vô cùng vinh dự và xúc động. Không phải ai cũng có được niềm vinh dự lớn này nên tôi ý thức được nhiệm vụ của mình cũng như của cả đơn vị. Tôi mừng lắm nhưng cũng lo nhiều, mừng vì sắp được gặp Bác bằng xương bằng thịt, lo vì không biết làm sao để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Người”.
Ngay ngày hôm đó, các kế hoạch bảo vệ Bác Hồ được triển khai, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ chuẩn bị đường sá và mọi công tác nhằm đảm bảo an toàn, thuận lợi cho Bác. Ông Tấn cho công binh đến rà mìn đoạn đường từ Nam Đàn đến xã Kim Liên, tất cả các trục đường chính được lực lượng công binh rà soát cẩn thận, kỹ càng, rà đến đâu ông bố trí cho lực lượng bộ đội cải trang bảo vệ đến đó.
Công việc này được tiến hành trong vòng 4 ngày. Các công tác an ninh cũng được nhanh chóng hoàn thành, ông Tấn còn nhớ, đợt đó ông được giao một khẩu súng lục có nhiệm vụ luôn luôn ở bên cạnh Bác Hồ để bảo vệ.
Sáng 16/6/1957, ông cùng các đồng chí trong đơn vị ra quốc lộ đón Bác. Giây phút chờ đợi bao nhiêu lâu nay đã thành hiện thực. Nhìn thấy Bác, ông Tấn vỡ òa xúc động, lòng thổn thức, bồi hồi dâng lên niềm tự hào nhưng ông nhanh chóng trấn tĩnh lại, không quên đi nhiệm vụ chính của mình. Đoàn của ông Tấn theo sát bên đoàn xe ôtô của Bác. 8 giờ, xe chở Bác Hồ đỗ trong sân vận động xã.
Ông Tấn và tác giả
Bác từ từ bước xuống xe, mỉm cười nhìn quanh một lượt rồi vẫy tay chào mọi người. Bác ân cần hỏi han từng người. “Gặp Bác, tôi cứ ngỡ mình đang nằm mơ. Bác Hồ ở ngoài đẹp lắm, da hồng hào, miệng luôn nở nụ cười. Bác rất giản dị, hôm đó Người mặc bộ quần áo kaki màu trắng, chân đi dép cao su. Trong lúc Bác chào mọi người, Bác quay sang chỗ tôi, vỗ vai rồi bắt tay tôi hỏi tôi tên gì, quê ở đâu rồi nhắc nhở, động viên anh em chúng tôi phải phấn đấu làm việc thật tốt” - Ông Tấn xúc động.
Nghe tin Bác Hồ về thăm quê, bà con trong xã chạy ùa ra sân vận động đón Bác, hai tiếng gọi thân thương “Bác Hồ, Bác Hồ về thăm quê” cứ thế reo vang. Gặp Bác từ già, trẻ, gái, trai không giấu được niềm xúc động, nhiều cụ già gặp Bác sau hơn 50 năm xa cách đã không cầm nổi nước mắt. Rồi Bác rảo bước về nhà mình - ngôi nhà ba gian.
Trước bàn thờ tổ tiên và những kỷ vật gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu của mình vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, Bác trầm ngâm, khoé mắt ngấn lệ. Dù đã xa nhà hơn 50 năm nhưng Bác vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ trong ngôi nhà. Bác nhận ra chiếc cổng tre nhà mình đã được mọi người sửa lại và đặt ở nơi khác, chiếc bàn thờ cũng đã được làm mới.
Bác nói với bà con rằng, ngày xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân, chỉ dùng hai miếng gỗ đóng vào hai bên cột cho chắc chắn thôi. Sau khi thăm ngôi nhà thời thơ ấu của mình, Bác đi một vòng thăm bà con xóm làng xem sự thay đổi của quê hương.
Lúc này cũng là lúc ông Nguyễn Mạnh Tấn bắt đầu lo sợ. Bởi những con đường chính dự kiến Bác Hồ sẽ đi qua đã được lực lượng công binh kiểm tra kỹ càng thì Bác lại không đi mà Bác lại chọn những con ngõ nhỏ, vòng vèo vốn đã theo dấu chân Người thuở thơ ấu. Ông Tấn bắt đầu lo lắng, căng thẳng nhưng vẫn hết sức giữ bình tĩnh không để biểu lộ ra ngoài làm mọi người phải lo lắng.
Mỗi đoạn đường Bác đi qua bình an, ông Tấn lại thở phào nhẹ nhõm. Trưa hôm đó, chính quyền địa phương xã Kim Liên có chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho Bác và mời Bác ở lại dùng cơm nhưng Bác kiên quyết từ chối. Bác bảo rằng, Bác là người con xa quê đã hơn 50 năm, giờ được về thăm quê Bác muốn đi thăm hỏi, trò chuyện thật nhiều với bà con.
Bác còn nói rằng, người ta đi xa lâu ngày thì mừng mừng tủi tủi còn Bác thì mừng chứ không tủi, vì khi ra đi nước nhà còn nô lệ, bây giờ về nước nhà đã được độc lập, tự do. Nói rồi Bác đọc hai câu thơ: “Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”...
Hơn 55 năm đã trôi qua, màu thời gian đã hằn lên mái tóc và những nếp nhăn của người lính già nhưng kỷ niệm về lần được bảo vệ Bác Hồ vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông. Đối với ông, đó là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời và câu chuyện này vẫn được ông Tấn kể lại cho các thế hệ con cháu với tất cả niềm tự hào.
Huyền Thương
.