Đã thành thông lệ, vào ngày 16/9 âm lịch hàng năm, người dân Nam Thái nói riêng và những người con quê hương của huyện Nam Đàn cũng như du khách thập phương nói chung lại nô nức tìm về với Di tích Đền Vua Mai để tưởng nhớ, ôn lại công đức Vua Mai Hắc Đế cùng với các tướng lĩnh của ông trong thắng lợi cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập (722-726).
Mai Hắc Đế và huyền thoại lịch sử
Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái - Nam Đàn. Sử nhà Đường còn gọi là Mai Huyền Thành - quê ở thôn Mai Phụ, nay thuộc xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sau mẹ ông dời nhà lên ở vùng Ngọc Trừng (thuộc xã Nam Thái, huyện Nam Đàn ngày nay).
Mai Thúc Loan nhà nghèo, phải làm nghề kiếm củi rồi đi ở đợ cho nhà giàu, chăn trâu, cày ruộng. Ông rất khỏe và sáng dạ, người đen trũi, nổi tiếng giỏi vật cả một vùng. Là người con chí hiếu, Mai Thúc Loan phụ giúp cho thân mẫu làm lụng, vào rừng kiếm củi. Thế rồi, cuộc đời bất hạnh lại ập đến khi thân mẫu của ông bị cọp vồ chết, phải cam phận trong cảnh đời mồ côi.
Sử cũ ghi lại rằng, năm 713, Mai Thúc Loan có mặt trong đoàn phu đi cống vải (trái vải - một loại vải rất ngon ở chân núi Đại Huệ) cho Đường Huyền Tông. Dọc đường, dân phu vô cùng khổ cực. Là người có sức khỏe, nhanh nhẹn, giỏi võ lại tài năng, chí lớn, Mai Thúc Loan vận động dân phu nổi dậy giết bọn quan, lính áp tải, rồi dùng trái “lệ chi” làm lễ ăn thề. Mọi người cùng nhau tuyên thề “Dốc chí phục thù, giết hết bọn giặc để cứu nước” và tôn Mai Thúc Loan làm chủ soái.
Tôn tạo di tích nơi sinh Vua Mai tại Cồn Chẹn (xóm 1 - Nam Thái)
Với sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, chiếm được phủ thành An Nam, giải phóng cả nước, xây dựng và bảo vệ được chính quyền độc lập trong gần 10 năm (713 - 722). Đặc biệt Mai Thúc Loan đã xưng đế - vua Mai Hắc Đế, biểu thị tinh thần độc lập, ý thức chủ quyền quốc gia sánh ngang với hoàng đế phương Bắc. Đất nước được giải phóng, Mai Thúc Loan được ba quân tôn lên làm Vua.
Ông kéo quân về thành Vạn An và lấy thành Vạn An làm Quốc đô. Vua có nước da đen, nên được gọi là Mai Hắc Đế. Hơn một ngàn năm Bắc thuộc, vùng đất Nam Đàn là một trong số các địa danh được ghi vào lịch sử dân tộc như là quê hương, nơi phát tích của một cuộc khởi nghĩa oanh liệt do Mai Thúc Loan lãnh đạo chống lại quân quan nhà Đường (713-722).
Lúc ông mất, nhân dân đã xây dựng mộ tại núi Đụn Sơn, hậu cứ của nghĩa quân và là nơi ông trút hơi thở cuối cùng (nay thuộc xã Vân Diên). Đồng thời, người dân cũng lập đền thờ để thờ phụng ông tại Vệ Sơn, trung tâm chỉ huy chiến đấu của ông thuở trước, nay thuộc thị trấn Nam Đàn. Để ghi nhớ công lao người mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục ông, nhân dân đã xây mộ tại núi Dẻ, xã Nam Thái - Nam Đàn.
Đổi thay trên vùng quê cách mạng
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Mai Thúc Loan, hàng năm Đảng bộ, chính quyền huyện Nam Đàn đều tổ chức lễ hội Vua Mai quy mô lớn và long trọng nhất với các hoạt động sôi nổi. Ngoài ra, nhân dân Nam Đàn còn tổ chức nhiều kỳ lễ trọng như: Giỗ thân mẫu Vua Mai 14/7 âm lịch, giỗ Vua Mai vào 16/9 âm lịch, giỗ Mai Hoàng Hậu 15-7 âm lịch.
Vào những thời điểm này, du khách muôn phương về đây trẩy hội kín cả một vùng. Các tục, trò diễn, trò chơi dân gian, dần dần trở thành nét văn hóa, phong tục tốt đẹp từ ngàn đời nay của người dân Nam Đàn như đấu vật, đua thuyền, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên; thưởng thức những loại hình ca hát từ thuở xưa: Ca trù, ví phường vải, chèo, tuồng, giao duyên...
Chủ tịch UBND xã Nam Thái (Nam Đàn) Trần Văn Tiến cho biết: Năm nay hướng đến ngày giỗ vua Mai, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và bà con quanh vùng cùng các nhà hảo tâm đã phát động quyên góp, ủng hộ xây dựng các công trình tâm linh thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa vua Mai Hắc Đế. Đến thời điểm hiện nay, số tiền công đức quyên góp đã lên đến trên 180 triệu đồng. Từ số tiền này, Ban vận động đã tổ chức xây dựng khu nhà Hạ tại Chùa Yên Thịnh.
Vừa qua, trong các ngày 3, 4/10 để chuẩn bị đón tiếp đoàn con cháu, hậu duệ của họ Mai do Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá uỷ quyền dẫn đầu vào thực tế, khảo sát vị trí đặt bia dẫn tích, tại nơi sinh ra vua ở Cồn Chẹn (thuộc xóm 1 - Nam Thái) đã xuất hiện một con trăn hoa về quấn quanh khu vực bậc lên chùa. Cứ liệu này đã tôn thêm vẻ trang nghiêm, tâm linh cho di tích lịch sử văn hóa liên quan đến Vua Mai cũng như cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.
Từ vùng quê giàu truyền thống văn hóa - cách mạng, hôm nay, Nam Thái - Nam Đàn đã có một diện mạo nông thôn mới với các công trình được đầu tư. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm, kênh mương được đầu tư cơ bản, khang trang. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã cơ bản đạt 10/19 tiêu chí về nông thôn mới. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 5%; thu nhập nông dân ổn định với bình quân từ 10-12 triệu đồng mỗi người/năm.
Các phong trào xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sạch, đẹp; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được hưởng ứng mạnh mẽ, với 6/8 xóm được công nhận danh hiệu văn hóa. Các thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao từng bước được người dân thực hiện đồng bộ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng không ngừng được tăng cường, giữ vững. Là đơn vị 5 năm liền được công nhận Đơn vị Quyết thắng trong phong trào thi đua Vì ANTQ.
Tự hào quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Thái đang quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước để góp nên bức tranh đầy khởi sắc của một địa phương năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới; phấn đấu trở thành một trong những xã đi đầu trong mọi phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện và tỉnh nhà.
Đến với cụm di tích vua Mai Thúc Loan vào những ngày này, thắp nén hương thơm lên tiên tổ khiến cho mỗi chúng ta tự hào về vùng quê văn hóa, được ôn lại cuộc khởi nghĩa anh dũng của bậc tiên liệt, lại càng hiểu hơn giá trị của sức mạnh toàn dân trước họa xâm lăng để mỗi một công dân nơi đây có thêm ý chí, nghị lực cùng chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương ngày thêm giàu mạnh.
Xuân Thống
.