Làm vì niềm đam mê
Nhà ông nằm khuất sâu trong một con ngõ nhỏ của xóm 7, hai bên đường là những lùm cây cỏ mọc lên đan xen quấn chặt với nhau, con đường nhỏ với đá gồ ghề lởm chởm trở nên khó đi hơn. Đang bận với công việc trộn hỗn hợp đá, cát, xi măng… nhưng ông vẫn niềm nở mời khách tới thăm với ánh mắt thân thiện.
Vừa phân trần ông vừa nói: “Mấy xã gần đây có đặt ở chỗ tôi đúc cho mấy bức tượng Hải Thượng Lãn Ông để ở trạm xá, vậy là cứ hết xã này rồi đến xã kia đến đặt làm, thành ra tay chân lúc nào cũng lem luốc, bận rộn thế này đây”.
Ông Tế trước là cán bộ sống trong thời kỳ bao cấp nên cũng không lấy gì làm dư giả, trong khi đó nhà lại có đến 9 người con khiến cho cuộc sống của gia đình ông lúc đó càng gặp nhiều khó khăn hơn. Sau đó, ông bỏ ngang công việc bắt đầu cuộc mưu sinh để nuôi các con. Khó khăn đủ đường nhưng với tình yêu nghệ thuật khiến ông không ngừng học hỏi say mê sáng tạo.
Năm 1964, ông bắt đầu thực hiện những tác phẩm nghệ thuật của mình. Vậy là mỗi khi đi đâu hay làm gì hễ có cành cây, khúc gỗ hay gốc tre nào có thế đẹp hay có thể tạo được hình dáng thì ông lại đưa về nhà rồi mày mò đục đẽo, gọt giũa cho đến khi nào ưng ý mới thôi.
Ông Tế bên tác phẩm “Bác Hồ trên đài sen”
“Mỗi tác phẩm làm ra đều có một ý nghĩa sâu sắc đó không chỉ là tâm huyết của mình đối với nghệ thuật tạo hình mà quan trọng hơn là tính nhân văn trong mỗi tác phẩm mà mình đã dày công làm ra” - ông Tế cho biết.
Để chứng minh cho những điều vừa nói, ông giới thiệu cho chúng tôi những tác phẩm nghệ thuật của mình mặc dù không học qua trường lớp nào về nghệ thuật hay điêu khắc. Nào là chân dung Bác Hồ ngồi trên đài sen với phong thái thế nào, chân dung người mẹ trẻ với di chứng của chất độc da cam khiến cho hai đứa con sinh ra cũng không thể thoát khỏi thứ chất độc chết người đó, hay chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ với nỗi đau khi mất đi 9 người con, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Phải làm thế nào để vừa thể hiện nỗi đau đến quặn lòng của mẹ nhưng cũng nói lên sự kiên cường, bất khuất, hy sinh thầm lặng… Quả thật mỗi tác phẩm đều có cái hồn riêng.
Mong đóng góp chút sức nhỏ của mình
Giờ nhìn vào trong nhà ông không có chỗ nào là không có những bức tượng chân dung, chim muông hay hoa lá mà ông đã dày công để tạo ra. Và điều quan trọng hơn đó là mỗi tác phẩm đều có những ý nghĩa khác nhau mà ông muốn gửi gắm vào đó. Dù là đã kín cả nhà, có đồ vật không biết để chỗ nào nên ông đành đưa ra bày ở góc thềm. Cũng có nhiều người biết tới tay nghề của ông nên tìm đến xem rồi hỏi mua với giá cao nhưng có rất ít thứ ông bán đi mà chủ yếu là cho hay tặng bạn bè và phần nhiều là ông giữ lại cho riêng mình.
Nói về điều đó ông cho biết: “Có thể bây giờ người ta thấy thích những tác phẩm nghệ thuật của mình, nhưng đến một lúc nào đó khi thấy những đồ vật đẹp hơn, độc hơn người ta sẽ vứt nó đi, còn với mình thì những thứ đó là vô giá vì đó là tâm huyết, là sự miệt mài đến quên ăn quên ngủ và có khi phải đổ máu mới có được”.
Không chỉ làm trên chất liệu gỗ, mà ông còn có thể đúc những bức tượng bằng xi măng rất đẹp và công phu. Như chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chân dung lương y Hải Thượng Lãn Ông, tượng Phật, tượng Chúa… Tất cả đều có hồn ở trong đó làm cho những bức tượng sinh động đến lạ thường. Biết được tay nghề của ông nên ngày càng có nhiều cơ quan hay đền chùa tìm đến để nhờ đúc tượng. Mới đó thôi, chân dung Hải Thượng Lãn Ông do ông mày mò nghiên cứu và tự đúc cho trạm y tế xã đã hoàn thành.
Và điều ông ấp ủ bấy lâu nay là mong sao những tác phẩm chân dung về mẹ Thứ hay Bác Hồ, người mẹ và hai đứa con với nạn nhân của chất độc da cam… sẽ được để ở bảo tàng giúp nhiều người được biết và hiểu thêm. Cũng như mong muốn được hiến tặng cho tổ chức nào đó để đem ra đấu giá nhằm giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, có như vậy những tác phẩm của ông càng có ý nghĩa hơn.
Đức Chung
.