Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22883-noi-bac-ho-hoc-chu-thoi-nien-thieu-395280/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22883-noi-bac-ho-hoc-chu-thoi-nien-thieu-395280/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi Bác Hồ học chữ thời niên thiếu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 12/09/2012, 09:00 [GMT+7]
22883

Nơi Bác Hồ học chữ thời niên thiếu

Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp” (NXB Nghệ An - Trung tâm văn hóa Đông Tây) năm 2003 của tác giả Bá Ngọc, có đoạn nói về địa danh này: “…Ở quê nhà, Nguyễn Sinh Cung được bà ngoại gửi học chữ Hán ở Xóm Vang, làng Hữu Biệt, cách Hoàng Trù 3km, học với thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh trong nhà thờ họ Phan Trọng.” Xóm Vang, làng Hữu Biệt chính là xóm 2, xã Nam Giang, Nam Đàn hiện nay.

Còn trong cuốn “Địa danh Hồ Chí Minh” (NXB Thanh Niên, 2008) của Mai Thời Chính cũng có địa danh Vang là “Tên xóm thuộc làng Hữu Biệt, cách Hoàng Trù 3km (nay thuộc xã Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An). Sau khi bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu qua đời (ngày 10-2-1901), Nguyễn Sinh Cung học chữ Hán tại quê xóm Vang”.

Và trong các tác phẩm khác viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhắc đến địa danh xóm Vang là nơi Bác Hồ bắt đầu việc học chữ của mình. Ông Trần Minh Siêu - tác giả của nhiều đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người chuyên nghiên cứu về Bác Hồ cũng khẳng định về giai đoạn mà Bác Hồ học chữ tại xóm Vang.
 
Sau khi mẹ mất, bố đưa Nguyễn Sinh Cung từ Huế về quê, sống nương nhờ vào bà ngoại, còn ông Nguyễn Sinh Sắc lại tiếp tục vào kinh thi Hội. Một lần, Nguyễn Sinh Cung vào lớp học của cử nhân Vương Thúc Độ chơi và hỏi nhiều về những chữ nghĩa ông Độ viết trên xà nhà. Thấy cậu bé lễ phép, thông minh, lanh lợi, ông Độ đã gặp bà ngoại Nguyễn Sinh Cung là cụ Kép khuyên nên cho theo học lớp của thầy Hoàng Phan Quỳnh làng Hữu Biệt.
 
Toàn cảnh nhà thờ Bà Vang, còn gọi là nhà thờ Phan Trọng - nơi Bác Hồ
học tập thời niên thiếu
 
Học ở đây, Nguyễn Sinh Cung sớm bộc lộ là người học trò nhanh trí, có tư tưởng bác ái. Sau một thời gian, thầy giáo Quỳnh thuyết phục cụ Kép cho Nguyễn Sinh Cung ở lại trong nhà để vừa làm bạn với 2 trò là con thầy Quỳnh, vừa tiện bề học tập.
 
Ở lớp của thầy giáo Quỳnh một thời gian (khoảng từ tháng 2/1901 đến tháng 9/1901 - Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Trung tâm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - NXB Thông tin lí luận, 2008) thì cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, Nguyễn Sinh Cung theo bố về sống tại làng Sen, tạm xa bà ngoại, xa các bạn ở làng Chùa và lớp học của thầy Cử Hoàng.

Như vậy, thời gian mà Nguyễn Sinh Cung học ở lớp của thầy Hoàng Phan Quỳnh tuy ngắn (gần 8 tháng trong năm 1901) nhưng đã để lại hình ảnh đẹp và khó phai mờ trong tâm trí thầy giáo và người dân làng Hữu Biệt.

Về thầy Hoàng Phan Quỳnh, ông là người làng Chùa, người trong họ tộc với ông Hoàng Xuân Đường (bố bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ), là người học rộng, yêu nước, đỗ Cử nhân và được làm quan nhưng ông từ quan về dạy học. Ông được người anh vợ là Phan Trọng Vỹ mời về mở lớp dạy tại nhà. Phan Trọng Vỹ là con của ông Phan Định (tú tài và là một quan chức địa phương thế kỷ XIX) với bà Vang (vợ thứ của Phan Định). Nhà thờ bà Vang chính là địa điểm Nguyễn Sinh Cung và các môn sinh của thầy Hoàng Xuân Quỳnh học tập.

Về ông Phan Định (1822 - 1882), theo gia phả của dòng họ Phan Trọng thì đây là người có công lớn. Sau khi ông mất, được sắc phong là: “Tú tài Nghệ An xứ, kinh lý xứ, kinh lược đồn điền, mộ thành dân, khẩn thành nhượng, bản tỉnh, tỉnh vụ, phó sơn phòng vũ trang, sắc tặng, sắc phong Phan tướng công đoan túc tôn thần vị tiền”.
 
Nghĩa là Phan Định đỗ Tú tài Nghệ An, có công cơi nới kênh mương, dồn dân lập ấp, khai khẩn đất hoang và là phó sơn phòng vũ trang (tương đương phó tư lệnh biên phòng hiện nay). Bà Vang là vợ thứ 2 của Phan Định, sinh hạ được 6 người con trai. Sau khi bà mất, Phan Định phụng lập nhà thờ vào năm 1874. Năm 1882, Phan Định qua đời và được xây nhà thờ cũng ở khu vực xã Nam Giang, Nam Đàn.

Theo ông Phan Trọng Viên, giáo viên hưu trí của Trường PTTH Kim Liên, cháu đời thứ 4 của cụ Phan Định thì trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, máy bay ném bom đốt cháy nhà thờ Phan Định. Để có chỗ thờ tự, dòng họ Phan Trọng đã rước cụ về thờ ở nhà thờ Bà Vang cho đến nay. Từ đó, người dân vùng này quen gọi là nhà thờ họ Phan Trọng hoặc nhà thờ Bà Vang. Cũng theo ông Viên và người dân nơi đây thì trong chiến tranh chống Mỹ, nhà thờ là nơi giam giữ giặc lái do bộ đội và dân quân bắt giữ.

Được phụng lập từ năm 1874, tôn tạo năm 2005, nhà thờ Bà Vang vẫn giữ nguyên những nét thiết kế như ban đầu. Trải qua nhiều thăng trầm, con cháu dòng họ Phan Trọng vẫn luôn luôn tự hào về những gì cha ông đã cống hiến trong lịch sử. Thế hệ sau noi gương thế hệ trước cùng quyết tâm xây dựng dòng họ, xây dựng quê hương giàu mạnh. Dù chưa được công nhận nhưng người dân xã Nam Giang và dòng họ Phan Trọng luôn xem nhà thờ Bà Vang là một di tích lịch sử để bảo vệ, giữ gìn.

Bình Nguyên
.