Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, hình ảnh “bảng đen phấn trắng” không còn hữu ích và đã phai nhạt dần trong quan niệm của nhiều người. Sử dụng kết hợp hai loại hình này nhằm tạo nên những tiết học thú vị, ý nghĩa đang là mục tiêu của nhiều trường và giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo ông Võ Việt Dũng, Phó Trưởng phòng CNTT, Sở GD & ĐT Nghệ An, giáo án điện tử xuất hiện ở tỉnh ta vào tầm 2004, 2005. Lúc đó, loại hình này chỉ xuất hiện lẻ tẻ, rời rạc tại một số trường THCS và THPT. Chủ yếu là bộ phận giáo viên trẻ, phụ trách giảng dạy ở những môn có tính “động”, gắn nhiều hình ảnh: Sinh học, Lịch sử, Địa lý… Sau một thời gian, giáo án điện tử trở nên thông dụng và phổ biến rộng rãi hơn.
Ngay sau đó, từ năm học 2005 - 2006, Sở GiD & ĐT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về cách thức soạn giáo án điện tử, sử dụng phần mềm. Về ưu điểm của giáo án điện tử thì ai cũng rõ. Đến nay, trong các kì thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh, rất nhiều giáo viên đã chọn giáo án điện tử để truyền giảng, ngay cả những môn cần sự tưởng tượng nhiều như: Văn học, tiếng Việt…
Giáo viên sử dụng giáo án điện tử tại Trường THCS Hưng Dũng
Ngay cả ở các trường học, trong 2 tiết thao giảng/năm học, giáo viên phải ít nhất sử dụng 1 tiết học giáo án điện tử. Không dừng lại ở cấp tiểu học, THCS và THPT, ở bậc mầm non trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những chiếc laptop và máy chiếu - công cụ hỗ trợ giáo án điện tử.
Cũng theo ông Dũng, không cứ hẳn, các giáo án điện tử của giáo viên ở các huyện miền núi sẽ ít hấp dẫn và cập nhật hơn so với miền xuôi. Cũng từng đã có câu chuyện nữ giáo viên tự sắm máy chiếu, rồi có giáo viên ở Kỳ Sơn đạt giải cao trong kì thi sử dụng giáo án điện tử…
Có thể thấy, với phương pháp này, học sinh có điều kiện tiếp cận bài giảng dưới nhiều góc độ khác nhau, vừa nhìn vừa có thể nghe; những thí nghiệm khó trong thời gian trước kia cũng được hỗ trợ để thực hiện. Trong 45 phút ngắn ngủi của tiết học, nếu giáo viên biết cách hướng dẫn, sắp xếp thì học sinh sẽ được tiếp cận nhiều nguồn thông tin, kiến thức.
Tuy nhiên, để có một bài giảng hay, giáo viên phải rất công phu, đầu tư cho các tiết học sử dụng giáo án điện tử. Trong khi đó, hệ thống điện chập chờn và sự xuống cấp của trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhất là ở các huyện miền núi đã ảnh hưởng không nhỏ đến các tiết học. “Có khi, giáo viên chuẩn bị sẵn bài giảng đó rồi mà điện bị mất thì cũng phải chịu”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Cũng giống như hầu hết các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, Trường THCS Hưng Dũng cũng đã sớm đưa giáo án điện tử vào việc giảng dạy và học tập.
Theo ông Ninh Viết Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng, để hỗ trợ tốt nhất cho giáo viên và học sinh, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ hệ thống máy chiếu, phòng học riêng để trình chiếu. Tuy nhiên, nhà trường không quá khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy, mà nên kết hợp hài hòa giữa giảng dạy truyền thống và hiện đại, giữa những máy chiếu tự động với chiếc bảng đen phấn trắng - vốn đã mặc định cho nghề giáo từ xưa đến nay.
Cũng theo ông Nam, việc lạm dụng giáo án điện tử sẽ gây ảnh hưởng chất lượng dạy và học. Muốn có một giáo án, giáo viên có thể tìm dễ dàng trên mạng. Lúc đầu, giáo án điện tử sẽ tạo hiệu ứng thích thú trong học sinh vì sự mới lạ, nhưng có những vấn đề, chi tiết cần chiều sâu thì phương pháp này lại không đáp ứng được.
“Nhà trường luôn tạo điều kiện để các giáo viên phát huy sự sáng tạo của mình trong công tác giảng dạy. Tuy nhiên, tốt nhất là nên kết hợp hài hòa giữa giáo án điện tử và phương pháp dạy truyền thống nhằm tăng sự hứng thú trong học tập cũng như tạo chiều sâu trong tư duy cho các em. Trước mỗi tiết học sử dụng giáo án điện tử, giáo viên phải báo cáo với tổ bộ môn và nhà trường”, ông Nam cho biết thêm.
Mai Hậu
.