“Chưa đầy một nhiệm kỳ, hơn 100 cán bộ cấp chiến lược bị xử lý kỷ luật. Trong tất cả những tội lỗi, khiếm khuyết thì điều căn bản nhất tôi nhìn thấy đều có sự khiếm khuyết về đạo đức”.
Chủ trì phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc xử lý hàng trăm cán bộ cao cấp, cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương trong nhiệm kỳ khóa XII đã tạo sự răn đe, cảnh tỉnh. Ngay cả khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra thì công tác kỷ luật Đảng vẫn tiếp tục làm chặt chẽ để ngăn ngừa những sai phạm đau sót.
Trước đó, trong phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian để nhắc nhở đội ngũ cán bộ nòng cốt của Đảng phải luôn giữ cho vững đạo đức cách mạng, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, làm tròn trọng trách trước Ðảng và nhân dân.
Vì sao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn bày tỏ nỗi trăn trở về tư cách, đạo đức cách mạng, về danh dự của người cán bộ, đảng viên như vậy?
Ông Đỗ Quang Tuấn, nguyên Phó Trưởng Ban dân vận Trung ương cho rằng, đó không chỉ là trăn trở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mà đó cũng là tâm huyết chung của những người có lương tri, những người có trách nhiệm với Đảng.
"Không có gì có thể đánh bại người cộng sản ngoại trừ chính họ. Quả thực câu nói đó không phải không đáng suy nghĩ. Sức mạnh có thể đánh bại người cộng sản chính là sự tha hóa biến chất của đội ngũ cán bộ. Vui mừng trước những thắng lợi của cách mạng, của đổi mới, của cơ đồ đất nước như ngày hôm nay, nhưng không phải đã hết những sự trăn trở, băn khoăn, lo lắng về những tồn tại của xã hội, tồn tại trong đảng, đặc biệt ngay trong một bộ phận cán bộ cấp cao, những người được nhân dân tín nhiệm, từng giữ những trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước nhưng đã hư hỏng và bị xử lý thời gian qua".
Nguyên Phó Trưởng Ban dân vận Trung ương Đỗ Quang Tuấn bày tỏ suy nghĩ, đồng thời cho rằng, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đạo đức cách mạng đối với cán bộ đảng viên là rất hợp lòng dân, rất trúng với tâm huyết của các thế hệ từng trải qua những khó khăn của đất nước.
Cùng chung suy nghĩ này, TS, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: Nhiều năm qua, trong hệ thống chính trị của ta hết sức coi trọng vấn đề đạo đức của cán bộ đảng viên. Nói cụ thể, đạo đức đảng viên, đạo đức công chức là một bộ phận quan trọng của đạo đức xã hội. Gần đây, có thể nói, sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, đạo đức trong bộ máy Nhà nước đã tới mức cảnh báo. Từ thực tiễn ấy, tại Đại hội XII, Đảng ta coi vấn đề xây dựng đảng về đạo đức là một trong 4 phương diện hợp thành của công tác xây dựng đảng, cùng với xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thì xây dựng đảng về đạo đức là một nhân tố căn bản. Chính trị mà không có đạo đức thì không có chính trị nguyên vẹn.
“Chúng ta thấy, chưa đầy một nhiệm kỳ, hơn 100 cán bộ cấp chiến lược do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật. Trong tất cả những tội lỗi, khiếm khuyết thì điều căn bản nhất tôi nhìn thấy đều có sự khiếm khuyết về đạo đức. Người có đạo đức, liêm sỉ sẽ không tham nhũng hàng nghìn tỷ thuế dân như thế. Con người, vì lợi ích phường hội, cá nhân mà xâm hại đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia”- nhà báo Nhị Lê trăn trở.
Nhà báo Nhị Lê cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại những điều hết sức căn cơ về truyền thống đạo đức xã hội, đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt đối với cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt, đứng đầu các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị bởi ông luôn kỳ vọng vào rường cột của đất nước để dẫn dắt xã hội. Đó là những người làm nên vị thế cầm quyền của Đảng; là nền móng căn bản để làm nên bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên mỗi cán bộ công chức trở thành một tấm gương về đạo đức trước hết, tức là phải làm người một cách ngay ngắn.
Theo ông Nhị Lê, nhiều người có vẻ không tán đồng khi cho rằng, giờ đề cập vấn đề đạo đức làm gì, thậm chí bây giờ cần gì phải nói đến vấn đề đạo đức của vài chục năm trước nhưng họ quên mất rằng, đạo đức không thể bị chia cắt một cách cơ học, thiển cận như vậy. Đạo đức là giá trị vốn có của con người, là giá trị làm nên xã hội, đó cũng là nền tảng, đồng thời là động lực phát triển xã hội từ xưa đến nay chứ không chỉ vài chục năm nay.
Đối với cán bộ, đảng viên nói chung, cấp chiến lược nói riêng, đạo đức cách mạng là nhân tố căn bản, nhân tố trung tâm. Xã hội nào cũng thế, các đảng phái không thể dẫn dắt được xã hội khi những đảng viên của họ, công chức của họ, viên chức trong bộ máy nhà nước không có đạo đức./.