Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV, chiều 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được về phát triển kinh tế, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa về lĩnh vực văn hoá, xã hội... Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.
Toàn cảnh phiên thảo luận |
Ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ vùng
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn - tỉnh Long An, khẳng định cử tri phấn khởi trước kết quả điều hành của Chính phủ với nền kinh tế xã hội năm 2018, đồng thời đề cập nhiều vấn đề liên quan tới phát triển nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu nêu rõ, Hiện 80% hàng hóa, rau, củ quả của vùng vẫn phải chuyển tiếp qua các cảng vùng Đông Nam Bộ, hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ vùng ĐBSCL cũng như liên vùng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, kết nối giữa đường bộ với đường thủy còn kém. Nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, đòi hỏi kết cấu hạ tầng giao thông của vùng cần được đầu tư tương xứng. Đại biểu kiến nghị ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ trong vùng ĐBSCL, đầu tư đường vành đai 3, 4 cho Tp.HCM, tăng cường đầu tư hệ thống giao thông đường thủy. Về lâu dài, cần tập trung đầu tư hệ thống đường sắt, thu hút các nhà đầu tư các cảng biển, trước hết là cụm cảng trên sông Soài Rạp.
Cũng quan tâm đến vai trò của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Anh - tỉnh Cao Bằng, đánh giá, vừa qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều công trình lớn. Tuy nhiên, thời gian tới cần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, ví dụ sân bay Long Thành cần đi cùng các khu đô thị; xử lý các bất cập trong đầu tư theo hình thức đối tác công tư; tập trung nguồn lực tập trung cho các công trình lớn có tác động lan tỏa, thu hút các nguồn lực khác để tránh áp lực cho ngân sách; xây dựng các trung tâm logistics đa năng kết nối đường bộ, đường thủy, đường hàng không...
Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, tăng cường văn hóa cơ sở
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quách Thế Tản - tỉnh Hòa Bình, đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội. Về kinh tế, chúng ta đã có quyết tâm cao trong cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục cũng có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn một số hạn chế như năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa cao. Để khắc phục các khó khăn, bất cập, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, như Nghị định 63 về hình thức đối tác công tư với nhiều điểm mới để lấp các lỗ hổng trong quản lý các dự án BT, BOT, đây là cố gắng của Chính phủ. Trong cải cách hành chính, đã cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính, 60% điều kiện kinh doanh, đồng thời vẫn còn nhiều hạn chế như còn nhiều văn bản trái luật, sai thể thức văn bản, cần giải pháp khắc phục, xử lý. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất cần quan tâm hơn tới công tác giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời đối với mọi người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, cùng với giáo dục chính quy trong nhà trường. Đại biểu nhấn mạnh sự chỉ đạo đối với công tác xóa mù chữ không ráo riết, quyết liệt như trước, nên hiệu quả không bền vững, hiện tượng tái mù chữ đang gia tăng đáng kể. Do đó, đại biểu đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; cũng như nâng cao chất lượng học xóa mù chữ, củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù.
Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản phát biểu tại hội trường |
Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng -Tp.Hà Nội, nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa, việc phát triển nền văn hóa Việt Nam. Đại biểu chỉ rõ, gần đây, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã quan tâm hơn tới văn hóa, vai trò của văn hóa trong đối nội và đối ngoại; khẳng định văn hóa chính là tiền đề quan trọng để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, qua tiếp xúc, cử tri cho rằng đầu tư cho văn hóa, nhất là văn hóa đỉnh cao, văn hóa cơ sở... vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa. Cử tri mong muốn lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cần được quan tâm, đào tạo, đầu tư như trên các mặt trận khác. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, nhỏ lẻ, đặc biệt chưa khai thác được ở quy mô công nghiệp. "Văn hóa là nguồn lực chiến lực để phát triển đất nước ta trong thế kỷ 21".
Giải trình một số nội dung về phát triển kinh tế- xã hội tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các góp ý của đại biểu Quốc hội rất sâu sắc, toàn diện, triệt để, Chính phủ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu. Bộ trưởng cũng chỉ rõ, chúng ta cũng đã khắc phục một phần các tồn tại của nền kinh tế nhưng vẫn còn rủi ro, nguy cơ. Trong thời gian tới, vừa phải duy trì, củng cố các thành tựu đã đạt được, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, đưa nền kinh tế phát triển nhanh liên tục... Bộ trưởng đồng tình với các giải pháp mà đại biểu nêu, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phát triển nhanh và bền vững, điều này cần dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong 02 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc, tập trung, không khí thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, tinh thần phản biện cao. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội thời gian qua. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh các Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.