Đất nước ta đã bước vào năm Nhâm Thìn, năm con Rồng Việt Nam với nhiều kỳ vọng và tin tưởng, đồng thời nhìn lại quá khứ để bước vào tương lai với những kinh nghiệm quý báu đã có.
Có lẽ một trong những bài học đầu tiên là bài học của cái Tết đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi chúng ta vừa mới giành được độc lập. Trong cái rét như cắt ruột của mùa đông năm ấy, khi Chủ tịch Hà Nội- bác sĩ Trần Duy Hưng tháp tùng Bác Hồ từ đền Ngọc Sơn theo chân một người phụ nữ nghèo còn đi gánh nước thuê giữa đêm giao thừa vào ngõ Phất Lộc.
Đây là một nhà nghèo nhất trong ngõ, căn nhà trống tuềnh, trống toàng, không có lấy một chiếc ghế ngồi. Chị phụ nữ đi gánh nước về bật khóc nức nở khi thấy Bác Hồ đến thăm ngày Tết, do không giải nổi thắc mắc chẳng hiểu vì sao Bác lại đến nhà mình. Bác khiến chị sững sờ khi nghe Bác nói: Bác không đến thăm những người như cô chú, thì Bác thăm ai?
Sau lúc ở nhà chị đi ra, Bác nói với đồng chí Chủ tịch thành phố: Những người như chị ấy phải trông vào trách nhiệm của chú đấy.
Bác Hồ với nông dân
Và vài tuần sau, theo chỉ thị của đồng chí Chủ tịch thành phố, Sở Giao thông công chính đã làm thủ tục giấy tờ tiếp nhận cho chị vào làm một chân lao động tạp vụ.
Bài học gần dân, đi sát dân, để có trách nhiệm với dân, thực sự là bài học đầu tiên mãi mãi còn giá trị.
Dù trong những giai đoạn khác nhau, hoàn cảnh đổi thay, nhưng bốn chữ của Bác dặn dò: “Dĩ công vi thượng” vẫn là bài học cần nhớ của mỗi người cán bộ. Như Nghị quyết 4 vừa qua của Trung ương đã chỉ rõ: Trong công việc, phải chống chủ nghĩa cá nhân, chống chủ nghĩa địa phương cục bộ, chống những “lợi ích nhóm” làm hại đến lợi ích quốc gia dân tộc. “Điều gì có lợi cho dân, thì khó mấy cũng phải làm. Điều gì hại cho dân, thì dù hại ít mấy cũng phải tránh”.
Để có động lực phát triển, phải biết cất nhắc, sử dụng nhân tài, cho đúng người, đúng chỗ. Chúng ta còn cần nhiều nhân tài, nhưng kiểm điểm lại hiện nay, vẫn có những người đã được đào tạo đại học và trên đại học, nhưng vẫn được đặt vào những chỗ làm trái ngành, trái nghề, ở những nơi những việc không thích hợp. Họ có yêu cầu thì lại bị cho là yêu cầu cá nhân, không biết rằng đấy là những yêu cầu cho sự phát triển đất nước, không chỉ vì quyền lợi cá nhân, cục bộ.
Như bài nói rất quan trọng và hàm súc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói ở Hội nghị Trung ương IV vừa rồi, sự tồn vong của Đảng gắn chặt với sự tồn vong của đất nước.
Chúng ta nhớ lấy bài học của Bác Hồ đã dạy: Đảng không có lợi ích gì khác, ngoài lợi ích của nhân dân, của đất nước. Bác đã nói với nhân dân, với quốc tế: “Tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam”. Tình yêu của Bác đối với nhân dân, với Tổ quốc, thật là cao cả, thiêng liêng.
Những lúc có khó khăn, lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân là điều cực kỳ cần thiết đối với mọi Đảng viên, cán bộ.
Ngày 12/1/1946, dự cuộc mít-tinh của hơn 5 vạn đồng bào chào mừng 6 vị đại biệu trúng cử vào Quốc hội khóa đầu tiên ở Hà Nội, Bác đã nói lời hứa với đồng bào: “Trước sự nguy hiểm khó khăn của nước nhà, chúng tôi đi trước. Với việc giữ vững nền độc lập, chúng tôi xin đi trước”.
Cũng trong tháng 1/1946, đến Trường Đại học Vietnam, dự cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết quốc gia gồm các nhà khoa học đa ngành, Bác nói: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Tôi mong rằng các ngài sẽ đem hết tài năng và trí thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết” để đạt được mục đích: làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở và học hành”.
Viết bài tự phê bình nêu rõ những thành công và khuyết điểm của bộ máy nhà nước do người đứng đầu, Người khẳng định: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi của chúng tôi”. Tinh thần tự phê bình của người lãnh đạo nhà nước thực là một tấm gương sáng Bác để lại cho chúng ta.
Ở cấp nào cũng vậy, người lãnh đạo là nhân tố quyết định của mọi thắng lợi cũng như mọi khiếm khuyết. Chúng ta không quên câu nói “Cán bộ là nhân tố quyết định tất cả”.
Chúng ta cũng không thể quên lời dặn của Bác: “Cán bộ là phải tai nghe, miệng nói, tay làm”. Dân không chỉ cần miệng ta nói, mà trông ở việc ta làm. Nói và làm phải đi đôi với nhau, thì mới được dân tin. Dân tin thì việc khó mấy cũng vượt qua được.
Nhìn lại những bước đã qua, không thể không thấy có nơi, có lúc chúng ta chưa phát huy được sức dân, có nơi lại còn để sức dân mòn mỏi. Theo thống kê dân số mới nhất, hơn 70% dân ta là nông dân, nhưng nông dân chưa được nâng cao trình độ chung, nhiều nơi còn thất học; nông phẩm của ta (như gạo, cà phê) có xuất khẩu được nhiều, nhưng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của nước khác còn hạn chế…
Chúng ta phát triển văn hóa chưa sát với yêu cầu thực tế, chưa tương ứng với cơ sở kinh tế hạ tầng. Chẳng hạn, rừng Tây Bắc có đến 8 triệu ha, nhưng việc giao đất giao rừng cho dân làm chủ để phát triển nghề rừng thì từ bước thấp lên bước cao, chưa được thực hiện tốt. Việc hướng dẫn khoa học cho dân cải tiến nghề trồng chè, trồng cà phê, trồng cao su chưa được tiến hành như cần có…
Đất nước ta, mỗi vùng có một tiềm năng riêng, thế mạnh riêng và phải căn cứ vào đó để phát triển, tránh tình trạng dàn đều…
Chúng ta hoan nghênh ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, ra sức vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy thành tựu đã đạt được, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém. Trước mắt phải tập trung sức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và cải thiện đời sống của nhân dân. Đồng thời triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khiến cho người dân thêm hy vọng khi ông phát biểu với báo chí ở Quốc hội chiều ngày 3/8/2011: “Một trong những nhiệm vụ hàng đầu ở nhiệm kỳ này là tiếp tục chống tham nhũng. Tôi nghĩ phải có quy định cụ thể hơn, giám sát của dân tốt hơn và thông tin đại chúng tốt hơn. Tức là biện pháp đồng bộ, mà trước hết là biện pháp về luật pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Tham nhũng có đường dây của nó. Tinh thần chỉ đạo và xử lý là không chừa một ai, không chừa bất cứ đối tượng nào, nhưng đúng pháp luật, tránh oan sai. Không phải tham nhũng chỉ rơi vào cán bộ ở chức vụ cao. Một nhân viên bình thường liên quan tới khâu giải quyết thủ tục cho dân cũng có thể tham nhũng. Vì thế, phải công khai, minh bạch”.
Vào đầu năm 2012, khi nhận kiêm nhiệm chức vụ phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc, khi đến dự họp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc ở Yên Bái cũng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi kiểm điểm công tác của thời kỳ đã qua, đã đưa ra nhận xét rất quyết liệt: “Phải thay đổi cách làm, phải có những biện pháp mới”.
Thực vậy, suy rộng ra, những biện pháp như trong xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, chúng ta chưa đạt được những thắng lợi bền vững.
Đúng như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, cần phải thay đổi cách làm. Việc gì ta dựa vào sự đồng thuận của dân thì ắt cũng sẽ xuôi chèo mát mái. Chúng ta ắt chưa quên câu của miệng có giá trị như một châm ngôn: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu; khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.
Bác Hồ từng đã dạy: “Dựa vào dân, là có tất cả. Có dân là có tất cả”. “Hãy lấy sức dân mà giải phóng cho dân”.
Sang năm mới 2012, nếu chính quyền ta từ trên xuống dưới, đều thay đổi cách làm theo nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa địa phương cục bộ, chống những lợi ích nhóm; sử dụng nhân tài cho đúng nơi, đúng chỗ; biết phát huy sức sáng tạo của dân để cho dân làm chủ, thì chúng ta sẽ phát huy được nội lực tiềm tàng, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ tạo tiền đề cho sự chấn hưng đất nước dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương lần thứ 4.
Nguồn: Chinhphu
.