Mậu Tuất qua đi như một năm đầy trắc trở cả về kinh tế lẫn chính trị và cả thiên tai, ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu với vô vàn sự kiện bất ngờ, bất an, bất định.
Thế giới đang uể oải vượt qua hệ lụy của cuộc khủng hoảng trầm kha bùng phát mười năm trước đây và kéo dài 5 – 7 năm, nay lại vấp phải nhiều trở ngại do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với một loạt nước, nhất là với nền kinh tế lớn thứ hai hoàn cầu là Trung Quốc.
Bên cạnh đó không ít nước phải đối mặt với những tai ương nội bộ và cả thế giới phải hứng chịu hơi nóng hầm hập của cuộc tranh hùng giữa các nước lớn về chính trị - an ninh ngày càng cam go. Đó là chưa kể những náo loạn về tài chính - tiền tệ, sự chao đảo của các thị trường chứng khoán Mỹ và hàng loạt nền kinh tế khác vào dịp lễ Giáng sinh cũng như sự bấp bênh của giá dầu quốc tế.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều bước tiến ngoạn mục. |
Sự cọ xát thương mại đang diễn ra biểu hiện về sự va đập giữa hai xu hướng tự do hóa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, giữa chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa đa phương. Sự xung đột này mới chỉ ở giai đoạn mở đầu, chưa phân thắng bại nên thật khó đoán định rồi ra trật tự kinh tế quốc tế sẽ đi về đâu.
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là 4.0 vẫn tiếp tục tiến bước một cách ngoạn mục, đưa tới những phát minh sáng chế và sự ứng dụng thần kỳ, mở ra những cơ hội chưa từng có cho sự phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mà con người chưa thể hình dung hết. Chỉ riêng trong lĩnh vực an ninh thôi ta cũng có thể thấy rất rõ điều đó.
Thật không thể hình dung nổi công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội sẽ ra sao nếu không có công nghệ thông tin; ngược lại xuất hiện thật lắm mối đe dọa khó ngờ tới từ việc sử dụng công nghệ số!
Nội tình nhiều nước trong năm qua và vào năm tới đã và sẽ chứng kiến nhiều điều khác biệt. Ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ thế mà đã nửa nhiệm kỳ với biết bao diễn biến khác lạ trên chính trường: Nào là Đảng Dân chủ lấy lại đa số trong Hạ viện, nào là những đổi thay liên tiếp trong bộ máy Nhà trắng và thành phần nội các kể cả ngoại giao và quốc phòng.
Ở châu Âu thì quá trình nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trầy trật, nếu Hiệp định về việc này không được thông qua thì không biết điều gì sẽ xảy ra với nước Anh và “châu lục già”? Nước Pháp và thủ đô Paris tráng lệ bỗng rơi vào cơn phong ba do những người mặc “áo gi-lê vàng” gây ra vì sự bất bình với một số chính sách của chính phủ. Còn nước Đức đang bước vào thời kỳ “hậu Merkel” sau khi bà giữ ghế Thủ tướng bốn nhiệm kỳ liền nay quyết định rời chính trường.
Biểu tình ở Hung, ở Áo, ở Ý, ở Bỉ… liên tiếp diễn ra vì những lý do khác nhau. Sang năm tới, ngay ở khu vực chúng ta sẽ diễn ra các cuộc bầu cử hoặc sắp xếp người đứng đầu chính phủ ở một loạt nước… Ít nhiều những sự kiện ấy sẽ đưa tới những diễn biến, điều chỉnh chính sách bên trong và bên ngoài.
Nếu nhìn về khu vực thì rõ ràng châu Âu đang trải qua những biến động sâu sắc, đối với bên ngoài thì cả mối quan hệ với Nga ở phía Đông và Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương đều có những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Ở khu vực Trung Cận Đông, cuối đường hầm Syrie vừa le loi ánh sáng khi chính quyền của Tổng thống Assad giành lợi thế trong cuộc chiến chống IS và phe đối lập với sự trợ giúp của Nga thì lại nảy sinh quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân Mỹ ra khỏi nước này, thế vào đó Thổ Nhĩ Kỳ và Israel nhảy vào trận, còn Iran tiếp tục bị Mỹ và mấy nước đồng minh của Mỹ o ép.
Ở Mỹ La-tinh, làn sóng cánh tả dâng cao trong những thập kỷ qua gặp nhiều thử thách; châu Phi tiếp tục lún sâu trong cơn gian khó về kinh tế - xã hội.
Riêng bán đảo Triều Tiên chứng kiến những chuyển động ngoạn mục qua cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore cũng như hai nhà lãnh đạo hai miền Nam – Bắc cùng những bước cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, xem ra con đường đi tới phi hạt nhân hóa và hòa giải hoàn toàn còn không ít chông gai.
Lui về phía Nam, tình hình biển Đông tuy không nổ ra sự cố lớn nào song các biện pháp củng cố chỗ đứng, độc chiếm biển Đông, giương oai diễn võ Mỹ - Trung… vẫn tiếp diễn đe dọa sự ổn định ở khu vực này. Trong khi thể chế APEC bị thách thức tại Cấp cao ở Papua New Guines lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung thì câu chuyện về sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lại nổi lên thành chủ đề mới.
Bao trùm lên mọi chuyện rối rắm ở các khu vực là sự tranh hùng giữa các nước lớn, trong đó nổi lên là giữa Mỹ muốn “vĩ đại trở lại” với Trung Quốc muốn giành chỗ ở “trung tâm thế giới” và với Nga bị Mỹ coi là muốn khôi phục vị trí cường quốc. Sự tranh hùng ấy mang tính toàn diện, cả về ảnh hưởng chính trị lẫn sức mạnh quân sự, kinh tế, khoa học – công nghệ, ở trên mặt đất tới đại dương lẫn không gian vũ trụ với cường độ và hình thức chẳng khác gì thời “chiến tranh lạnh” khi xưa.
Hy vọng rằng “lằn ranh đỏ” là xung đột quân sự trực tiếp giữa họ sẽ không nổ ra, nếu không thì văn minh nhân loại sẽ bị sụp đổ bởi những loại vũ khí giết người hàng loạt với sức tàn phá khủng khiếp hiện nay.
Là một bộ phận cấu thành của thế giới lại hội nhập quốc tế sâu rộng chưa từng thấy như ngày nay, nước ta có thể tận dụng những cơ hội mới để phát triển đồng thời phải ứng phó với nhiều thách thức, tai ương.
Bảo bối của nước ta vẫn là không ngừng bồi bổ nội lực cả về “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa theo tinh thần là bạn, là đối tác, là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm của các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu cho hòa bình và hợp tác.
Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng