Được thành lập theo Nghị quyết 2205 ngày 17 tháng 12 năm 1966, Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) có nhiệm vụ chính là thúc đẩy tiến bộ hài hòa và thống nhất của pháp luật thương mại quốc tế.
Là thành viên của Ủy ban này, Việt Nam sẽ có thêm điều kiện đóng góp vào việc xây dựng luật thương mại quốc tế; qua đó tranh thủ được kinh nghiệm, tri thức để hoàn thiện hệ thống luật thương mại cũng như luật đầu tư trong nước; thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
UNCITRAL là gì?
Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của LHQ (viết tắt là UNCITRAL, tên tiếng Anh là United Nations Commission on International Trade Law) có văn phòng nằm trong trụ sở của LHQ tại Vienna (Áo).
Đây là cơ chế hàng đầu trong việc xây dựng các văn kiện pháp lý, thảo luận những vấn đề pháp lý đặt ra trong thương mại quốc tế. UNCITRAL thường thực hiện công việc tại các kỳ họp thường niên tổ chức luân phiên tại hai thành phố New York (Mỹ) và Vienna.
Thông tin từ chính trang web của UNCITRAL cho hay, khi thương mại thế giới bắt đầu mở rộng đáng kể vào những năm 1960, chính phủ các nước bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải có một bộ tiêu chuẩn và quy tắc toàn cầu để hài hòa các quy định quốc gia và khu vực, trong đó có việc điều chỉnh thương mại quốc tế.
UNCITRAL có trụ sở tại Vienna (Áo) và là cơ chế hàng đầu trong việc xây dựng các văn kiện pháp lý, thảo luận những vấn đề pháp lý đặt ra trong thương mại quốc tế. |
Vì lẽ đó, UNCITRAL ra đời và đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và thúc đẩy việc sử dụng, áp dụng các công cụ lập pháp và phi lập pháp trong một số lĩnh vực chính của luật thương mại. Ban đầu, UNCITRAL chỉ có 29 quốc gia thành viên và được mở rộng thành 36 thành viên vào năm 1973. 9 năm sau, số thành viên của Ủy ban này đã tăng gần gấp đôi, lên con số 60 thành viên.
Các quốc gia thành viên của UNCITRAL đại diện cho các truyền thống pháp lý và mức độ phát triển kinh tế khác nhau, cũng như các khu vực địa lý khác nhau, bao gồm: 12 quốc gia châu Phi, 15 quốc gia châu Á, 18 quốc gia châu Âu, 6 quốc gia Mỹ Latinh - Caribbean và 1 quốc gia châu đại dương; được bầu bởi Đại hội đồng LHQ.
Các thành viên của Ủy ban thường được bầu theo nhiệm kỳ sáu năm và chia rẽ cứ 3 năm thì lại bầu lại 1/2 số thành viên. Với số phiếu 157/193 (cao thứ 5), Việt Nam đã trúng cử làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025 tại cuộc bỏ phiếu trong khuôn khổ Khóa họp 73 của Đại hội đồng LHQ diễn ra tại New York rạng sáng 18-12 (theo giờ Việt Nam).
Trao đổi với báo giới, đại diện của LHQ khẳng định, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, việc lựa chọn thành viên UNCITRAL được thực hiện thông qua bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ do có nhiều ứng cử viên hơn số ghế tại Nhóm Châu Á- Thái Bình Dương và Nhóm Các nước Tây Âu.
Nhà ngoại giao này cũng tiết lộ thêm rằng, các thành viên trong UNCITRAL có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.
Cách làm việc của UNCITRAL cũng khá chặt chẽ, được tổ chức ở 3 cấp độ. Cấp độ 1 (cao nhất) mà Uỷ ban tổ chức là phiên họp toàn thể hàng năm. Cấp độ 2 là nhóm làm việc liên chính phủ phát triển các chủ đề trong chương trình làm việc của UNCITRAL giúp đơn giản hóa các giao dịch thương mại và giảm chi phí liên quan. Nhóm làm việc này nhóm họp mỗi năm 2 lần, tổ chức luân phiên tại New York và Mỹ.
Công việc trong cấp độ này bao gồm: hoàn thiện và thông qua các văn bản dự thảo được giới thiệu lên Ủy ban; xem xét các báo cáo tiến độ của các nhóm làm việc về các dự án tương ứng của họ; lựa chọn các chủ đề cho công việc trong tương lai hoặc nghiên cứu thêm; báo cáo về các hoạt động hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp làm việc với các tổ chức quốc tế khác; giám sát sự phát triển trong hệ thống CLERE và tình trạng và thúc đẩy các văn bản pháp lý UNCITRAL; xem xét các nghị quyết của Đại hội đồng về hoạt động của UNCITRAL; vấn đề hành chính...
Các quốc gia không phải là thành viên UNCITRAL và các tổ chức quốc tế và khu vực quan tâm cũng được mời và có thể đóng góp tích cực cho công việc vì các quyết định được đưa ra bởi sự đồng thuận, không phải bằng bỏ phiếu.
Cấp độ cuối cùng là các nhóm làm việc đảm nhận công việc chuẩn bị thực chất về các chủ đề trong chương trình làm việc của UNCITRAL. Thành viên của các nhóm làm việc bao gồm tất cả các thành viên của UNCITRAL. Một nhóm làm việc thường họp hai lần một năm, tổ chức một phiên mùa xuân ở New York và một phiên mùa thu ở Vienna.
Có tất cả 7 nhóm làm việc: Nhóm 1 về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; nhóm 2 về trọng tài và hòa giải / giải quyết tranh chấp; nhóm 3 về cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước; nhóm 4 về thương mại điện tử; nhóm 5 về Luật không có khả năng thanh toán; nhóm 6 về quyền lợi bảo mật và nhóm 7 là về các vấn đề khác.
Và vai trò của Việt Nam
Việt Nam đã tích cực tham gia một số Công ước quốc tế, áp dụng nhiều luật mẫu, quy tắc do UNCITRAL xây dựng, qua đó giúp xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam về thương mại. Những năm gần đây, mặc dù chưa là thành viên chính thức, Việt Nam đã từng bước tích cực tham gia UNCITRAL với tư cách quan sát viên, tham dự và đóng góp tích cực tại các phiên họp, thảo luận trong một số nhóm làm việc của UNCITRAL, đặc biệt là trong các hoạt động của nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 5.
Trở thành thành viên của UNCITRAL trong nhiệm kỳ mới là "cơ hội vàng" bởi Việt Nam sẽ có điều kiện tham gia sâu hơn vào quá trình thảo luận, xem xét các vấn đề mà các quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân đặt ra trong các vấn đề thương mại quốc tế. Việt Nam cũng sẽ có tiếng nói sớm hơn, sâu hơn đối với các văn bản, văn kiện được xem xét; nhờ đó không chỉ có thể đóng góp vào công việc chung của thương mại quốc tế mà còn có thể bảo đảm những lợi ích chính đáng của mình.
Một vấn đề nữa là quá trình tham gia đó sẽ giúp Việt Nam tích lũy thêm kinh nghiệm, trí thức để vận dụng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta, thực thi tốt hơn những công ước ở trong nước, đào tạo cán bộ, tăng cường khả năng phối hợp giữa các bộ ngành liên quan.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Việt Nam phải tham vấn các trung tâm trọng tài và các doanh nghiệp, từ đó giúp nâng cao năng lực pháp lý nói chung không chỉ của cơ quan nhà nước mà cả các cơ chế, các trung tâm trọng tài và các doanh nghiệp...
Một trong những vấn đề đang được trao đổi rất nhiều hiện nay là cải tổ cơ chế pháp lý giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia và các nhà đầu tư. Việt Nam là một trong những điểm đến, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài.
Trong tương lai chắc chắn sẽ nảy sinh những tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ Việt Nam, nên vấn đề cải tổ hệ thống này cho hiệu quả hơn là rất quan trọng. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nói: "Chúng ta đã và đang chứng kiến những vụ kiện, những vụ tranh chấp giữa các công ty nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ Việt Nam.
Do vậy, vấn đề cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nhà đầu tư với chính phủ, là một vấn đề sát sườn với chúng ta. Câu hỏi được đặt ra là nếu xảy ra tranh chấp thì quá trình giải quyết có thể kéo dài, tốn kém, liệu có khách quan hay không, có bảo vệ được lợi ích của cả hai bên hay không?
Đối với các quốc gia đang phát triển với tình trạng đội ngũ luật sư, tri thức về luật còn hạn chế, nguồn tài chính hạn chế … thì làm sao giảm thiểu tranh chấp. Và khi xảy ra tranh chấp và đưa ra các cơ chế pháp lý quốc tế như trọng tài thương mại hoặc các cơ chế khác thì làm sao phải đảm bảo lợi ích chính đáng công bằng cho cả hai bên.
Việc chúng ta tham gia được vào thảo luận, nghiên cứu, thương lượng trong các nhóm giúp chúng ta đóng góp được ngay từ quá trình định hình các thể chế quốc tế. Đây là điều chúng ta mong muốn. Từ đó, chúng ta có kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của chính mình, trước hết là trong lĩnh vực thương mại".